Giá cau leo thang, nông dân Đắk Lắk 'đỏ mắt' tìm mua cau giống

Giá cau leo thang, nông dân Đắk Lắk 'đỏ mắt' tìm mua cau giống
3 giờ trướcBài gốc
Giá cau tăng và nỗi lo trộm cắp
Thời gian gần đây, giá cau tại tỉnh Đắk Lắk đã tăng đột biến, đạt gần 100.000 đồng/kg. Mức giá này không chỉ mang lại niềm vui cho nhiều người dân mà còn giúp nhiều gia đình nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống.
Chia sẻ về vấn đề này, anh N. (trú tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, cau là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc và có chi phí phân bón thấp. Vì vậy, ngày càng nhiều nông dân ở Đắk Lắk lựa chọn loại cây này để trồng. Hơn nữa, cau không chiếm nhiều diện tích đất, cho phép người dân trồng xen canh với các loại cây công nghiệp lâu năm như cà phê, tiêu...
Không khí nhộn nhịp tại các điểm thu mua cau trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Xuất phát từ những lợi thế đó, gia đình anh N. đã trồng 15.000 cây cau trên diện tích 8ha và bắt đầu thu hoạch hai năm nay. Năm 2024, ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài đã khiến nhiều cây cau bị bệnh cháy lá và ốc sên ăn, dẫn đến sản lượng giảm. Dù vậy, với giá cau cao như hiện nay, anh N. dự kiến, gia đình anh sẽ thu nhập khoảng 5 tỷ đồng từ việc bán cau.
"Giá cau năm nay đắt hơn cả vàng, khiến bà con nông dân rất phấn khởi. Nhiều người dân có thêm thu nhập để trang trải cho cuộc sống", anh N. chia sẻ.
Việc giá cau lập đỉnh đã thu hút thương lái từ khắp nơi đổ về các vườn cau trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk để thu mua. Hàng ngày, không khí sôi động bao trùm các vườn cau khi rất nhiều thương lái điều khiển xe máy đến tận nơi, sẵn sàng mua cau với giá cao. Dọc tuyến quốc lộ 27 (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk), hay trên đường Nguyễn Lương Bằng (xã Hòa Thắng, Tp.Buôn Ma Thuột),... nhiều điểm thu mua cau với giá cao đã mọc lên.
Nhiều điểm thu mua với giá cau từ 20.000 -95.000 đồng/kg cau tươi.
Mới chỉ 9h sáng, điểm mua bán cau của anh Nguyễn Văn Hào (SN 1981) trên đường Nguyễn Lương Bằng (xã Hòa Thắng) đã tấp nập xe cộ chở cau đến bán. Anh Hào cho hay: "Tôi thu mua cau khoảng 4 năm nay. Trung bình mỗi ngày, tôi thu mua được khoảng 5-9 tấn cau tươi. So với các năm trước, giá cau năm nay tăng cao và ổn định kể từ đầu vụ thu hoạch (khoảng tháng 6) đến nay. Hiện tại, tôi đang thu mua cau với giá từ 20.000 - 95.000 đồng/kg cau tươi, tùy loại. Trong khi, những năm trước đó, giá cao nhất cũng chỉ hơn 30.000 đồng/kg, thậm chí có năm hạ chỉ còn 2-3.000 đồng/kg".
Giá cau tăng cao cũng khiến không ít người dân lo lắng trước nguy cơ trộm cắp. Trước tình hình này, nhiều người nông dân đã quyết định thu hoạch cau non để bán, nhằm tránh rủi ro mất mát.
Ông Văn Phước (SN 1968), chủ một điểm thu mua cau tại khu vực ngã ba xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) chia sẻ: "Khi giá cau tăng cao, nhiều hộ dân gặp phải tình trạng mất trộm do diện tích trồng cau cách xa nhà, khiến việc quản lý trở nên khó khăn".
Các xe máy chở cau có mặt trên khắp các tuyến đường.
Theo ông Phước, do lo sợ bị mất cắp, nhiều gia đình đã lựa chọn cắt cau non để bán, mặc dù giá bán thấp, chỉ từ 15.000 đến 40.000 đồng/kg. Trong khi đó, với loại cau đủ ngày, đủ kích cỡ (khoảng 50 trái/kg) đang được thu mua với giá 90.000 đồng/kg. Dù vậy, nhiều gia đình vẫn quyết định bán cau non và tạo ra áp lực cho các thương lái.
Ông Phước lý giải: "Việc thu mua cau non khiến thương lái như ngồi trên "đống lửa". Nếu không kịp nhập cho các lò sấy trước 4 giờ chiều hàng ngày thì cau non sẽ trở thành cau nguội, cau phế và dễ dàng bị thua lỗ".
Khan hiếm cau giống
Trước những lợi nhuận "khủng" từ việc giá cau tăng đột biến, thời gian qua, người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ồ ạt tìm mua cau giống về trồng. Tình trạng này không chỉ khiến giá cau giống tại tỉnh leo thang mà còn dẫn đến tình trạng khan hiếm cau giống nghiêm trọng trên thị trường.
Tại một cơ sở kinh doanh cây giống ở thôn 11 (xã Hòa Thắng, Tp.Buôn Ma Thuột), chúng tôi ghi nhận, cơ sở này đã "đứt hàng" cau giống nhiều ngày nay. Hiện tại, chủ cơ sở đang tiến hành ươm giống nên người dân có nhu cầu mua cau giống phải đặt hàng trước và chờ đợi khoảng một tháng mới có hàng.
Nhiều điểm thu mua cau giá cao mọc lên.
Ông Hòa (trú tại xã Yang Reh, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ, nhiều ngày qua, ông đã tìm kiếm các vựa cây giống trên địa bàn tỉnh nhưng hầu hết đều không còn cau giống để bán. Đến sáng 15/10, ông tìm đến một cơ sở ở xã Hòa Thắng và phát hiện có cau giống với giá 20.000 đồng/cây. Tuy nhiên, ông không khỏi thất vọng khi thấy cây giống ở đây rất xấu và yếu ớt. Dù vậy, sau nhiều phút đắn đo và suy nghĩ, ông Hòa quyết định lựa chọn 20 cây trong hàng trăm cây giống tại cơ sở này để mang về trồng.
Ông Nguyễn Bá Phương (chủ cơ sở kinh doanh cây giống trên địa bàn xã Hòa Thắng) cho biết: "Năm nay, giá cau giống trái dài tại Đắk Lắk dao động từ 15.000 đến 20.000 đồng/cây, nhưng chúng tôi ươm không kịp để bán. Trong năm 2024, cơ sở của tôi đã bán khoảng 25.000 cây cau giống trái dài. Nhiều ngày qua, không ít người dân từ các địa phương trong tỉnh Đắk Lắk đã đến hỏi mua cau giống nhưng cơ sở của chúng tôi đang trong tình trạng "cháy hàng".
Giá cau tăng cao khiến nhiều nông dân phấn khởi.
Mặc dù vậy, ông Phương khẳng định, các nhà vườn lâu năm tại tỉnh Đắk Lắk như ông kiên quyết không nhập giống cau trôi nổi trên thị trường để bán cho người dân. "Gần đây, đã có không ít người đến chào hàng cau giống tại cơ sở của tôi với mức giá 25.000 đồng/cây cao khoảng 1m. Tuy nhiên, tôi không nhập hàng. Bởi hầu hết giống cau trôi nổi trên thị trường thường không đảm bảo chất lượng, năng suất thấp, thậm chí có những cây không ra trái. Những cây ra trái cũng không đạt yêu cầu chất lượng" – ông Phương nhấn mạnh.
Để đáp ứng nhu cầu cao của bà con nông dân, ông Phương tìm kiếm cau giống với giá 7.000 đồng/quả để ươm và cung cấp cho người dân. "Năm nay, giá cau giống đã tăng "kỷ lục" so với nhiều năm trước. Năm 2023, cơ sở của tôi chỉ bán với giá 2.000 đến 3.000 đồng/cây cau giống trái dài, nhưng không có ai hỏi mua. Đồng thời, những năm trước, tôi chỉ mua quả cau giống với giá 3.000 đồng/quả để ươm, nhưng năm nay đã tăng lên đến 7.000 đồng/quả", ông chia sẻ.
Các điểm thu mua kiểm tra kỹ lưỡng chất lượng cau khi mua.
Ông Đỗ Xuân Hiếu – Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng cho biết, giá cau tăng cao như hiện nay đã giúp cho nhiều hộ dân trên địa bàn cải thiện một phần thu nhập, ổn định cuộc sống. Hiện nay, người dân trên địa bàn chủ yếu trồng xen canh cau với các loại cây trồng khác trên cùng diện tích và tận dụng các hàng rào, khoảng đất trống, chứ không trồng ồ ạt, đại trà.
Trước nguy cơ trộm cắp khi giá cau tăng cao, lãnh đạo UBND và Đảng ủy xã Hòa Thắng đã chỉ đạo lực lượng công an xã thường xuyên tăng cường công tác tuần tra để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, đặc biệt là vào mùa thu hoạch cau. Đồng thời, thực hiện kiểm soát chặt chẽ tại các điểm thu mua cau, giám sát thông qua hệ thống camera an ninh trên bàn. Mặt khác, thông qua các cuộc họp, buổi tuyên truyền, chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người dân chủ động bảo vệ tài sản của gia đình. Qua đó, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Người dân tận dụng các bờ ranh, hàng rào để trồng cau.
Trao đổi với Người Đưa Tin, một lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho hay, cau không phải phải loại cây trồng chính và không nằm trong quy hoạch. Người dân thường tận dụng hàng rào, bờ ranh để trồng cau nhằm tăng thu nhập. Tuy nhiên, giá cau thường xuyên biến động, lên xuống thất thường và hiệu quả kinh tế chưa được đánh giá rõ ràng. Vì vậy, người dân cần cẩn trọng, tránh mở rộng diện tích trồng cau ồ ạt khi giá tăng cao.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, năm 2023, toàn tỉnh Đắk Lắk có tổng diện tích 1.358ha cau. Trong đó, diện tích trồng mới là 365ha; diện tích cho sản phẩm là 586ha. Năng suất trên diện tích cho sản phẩm là 139,41 tạ/ha. Tổng sản lượng cau năm 2023 của toàn tỉnh là 8.170 tấn.
Khánh Ngọc
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/gia-cau-leo-thang-nong-dan-dak-lak-do-mat-tim-mua-cau-giong-204241015163344558.htm