Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quốc Oai phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh số 5 - Quốc gia tổ chức đấu giá 26 thửa đất tại khu ĐG 31/2019, thôn Yên Quán, xã Hưng Đạo (trước là xã Tân Phú), huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Các lô đất này có diện tích từ 85m2 đến 122m2, và nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 20km về phía tây.
Phiên đấu giá trải qua 6 vòng bỏ phiếu bắt buộc, với giá khởi điểm gần 5,5 triệu đồng/m2 và bước giá 3 triệu đồng mỗi vòng. Tất cả các lô đều được đấu giá thành công, mức trúng cao nhất lên tới 104 triệu đồng/m2, thấp nhất là 62 triệu đồng/m2. Nếu nhà đầu tư hoàn tất nghĩa vụ tài chính, huyện Quốc Oai dự kiến thu về gần 200 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong thời gian qua, giá trúng đấu giá đất ở hầu hết khu vực khác đều có xu hướng hạ đáng kể so với thời điểm sốt đất cuối năm 2024. Tuy nhiên, giá đất đấu giá ở Quốc Oai vẫn tăng mạnh. So với phiên đấu giá hồi đầu tháng 1 tại cùng khu vực, mức trúng phiên vừa qua tăng 35 - 50%.
Sau thời gian hạ nhiệt, đất đấu giá nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội lại đang nóng trở lại.
Trước Quốc Oai 1 ngày, huyện Sóc Sơn cũng tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng đất với 33 thửa đất tại thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân. Khu đấu giá này có tổng diện tích gần 3.700 m2, cách Hồ Gươm khoảng 30 km.
Kết thúc phiên, 33 thửa đều được bán thành công. Lô trúng cao nhất ký hiệu A1 đạt hơn 120 triệu đồng mỗi m2, gấp khoảng 11 lần giá khởi điểm. Nhà đầu tư sẽ phải trả 13,1 tỷ đồng cho lô đất rộng 108 m2.
Lô thấp nhất có mức trúng 68,7 triệu đồng/m2, ký hiệu B2 với diện tích 110 m2. Mặt bằng giá trúng các thửa còn lại dao động 70-90 triệu đồng/m2. Tổng số tiền thu ngân sách từ phiên đấu này dự kiến gần 290 tỷ đồng, tăng gần 250 tỷ đồng so với giá khởi điểm cả khu đất.
Có thể thấy, sau thời gian có dấu hiệu hạ nhiệt nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, điển hình như vụ khởi tố nhóm nhà đầu tư trả 30 tỷ đồng/m2 đất đấu giá ở Sóc Sơn rồi bỏ cuộc, hoạt động đấu giá đất lại đang nóng trở lại.
Chia sẻ với VnBusiness, anh Trần Vĩ Thanh, một “thổ địa” trong giới mua bán đất nền ở Quốc Oai nhìn nhận, giá đất đấu giá Hà Nội nhìn chung vẫn hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư sở hữu dòng tiền mạnh, có nhu cầu lướt sóng, nhưng cũng sẵn sàng “găm hàng” khi cần.
Theo anh Thanh, mức cọc cao hơn sẽ giúp loại bỏ những “cá nhỏ” song khó có thể làm chùn bước những “tay to”. “Mức đặt cọc cao hơn nhưng vẫn rất thấp so với giá trị mỗi lô đất, vì vậy các nhóm đầu cơ mạnh vẫn sẽ không từ bỏ kế hoạch “lướt sóng” của mình. Với khoản chênh hàng tỷ đồng thì việc bỏ thêm vài trăm triệu để đặt cọc không là gì cả”, anh Thanh phân tích.
Ở góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), dự báo năm 2025, nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn, tuy nhiên, đất đấu giá tại các khu vực có pháp lý minh bạch, quy hoạch rõ ràng sẽ tiếp tục được săn đón, với giá trúng có thể tăng khoảng 10% so với giá khởi điểm.
Tuy nhiên, theo ông Đính, tình trạng khan hiếm nguồn cung đất nền sạch có thể dẫn đến giá cả tăng cao, đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý. Để hạn chế tình trạng giá đất đấu giá biến động, cần có các tổ chức định giá chuyên nghiệp để xác định mức giá khởi điểm hợp lý.
Đồng thời, việc nâng mức đặt cọc, quy định chi tiết các hành vi vi phạm và áp dụng biện pháp xử phạt mạnh tay là rất cần thiết. Ngoài ra, các tổ chức và cá nhân vi phạm có thể bị đưa vào danh sách hạn chế tham gia đấu giá, cùng với việc quy định thời gian chuyển nhượng sau trúng đấu giá.
Nhật Minh