Giá đất tại Hưng Yên, Thái Bình biến động thế nào trước khi sáp nhập?

Giá đất tại Hưng Yên, Thái Bình biến động thế nào trước khi sáp nhập?
một ngày trướcBài gốc
Theo Nghị quyết số 60 tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương thống nhất chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu).
Trung ương đồng ý kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1/7 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 sửa đổi có hiệu lực thi hành.
Theo danh sách dự kiến tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính (tỉnh lỵ) của 34 tỉnh, thành phố mới sau khi sáp nhập, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình sẽ "về chung nhà", lấy tên là tỉnh Hưng Yên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay.
Hai địa phương cùng thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, có địa hình bằng phẳng, hệ thống sông ngòi dày đặc, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Từ một vùng đất thuần nông, cả hai tỉnh đã có sự chuyển mình rõ rệt trong cơ cấu kinh tế - chuyển dịch mạnh mẽ sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp được đầu tư bài bản.
Về công nghiệp, Hưng Yên nổi bật với các khu công nghiệp tập trung, thu hút mạnh vốn FDI; trong khi Thái Bình đang khai thác lợi thế phát triển kinh tế biển, trong đó có công nghiệp khí - điện - đạm. Cả hai tỉnh đều sở hữu hệ thống làng nghề truyền thống lâu đời, góp phần bảo tồn văn hóa và gia tăng thu nhập cho người dân.
Vị trí địa lý tiếp giáp nhau cũng tạo tiền đề thuận lợi để hai tỉnh kết nối, phối hợp phát triển các lĩnh vực như hạ tầng, giao thông, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại – dịch vụ và du lịch...
Hưng Yên sẽ sáp nhập với Thái Bình thành một tỉnh, trung tâm hành chính đặt tại Hưng Yên. Ảnh BCT.
Hưng Yên ghi nhận tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 7,70%, xếp thứ 7/11 tỉnh thành vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 27/63 của cả nước. Quy mô GRDP đạt 159.840 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 121,27 triệu đồng. Thu ngân sách địa phương đạt 40.470 tỷ đồng, vượt 24,75% so với cùng kỳ và đạt 123,3% kế hoạch năm.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực: Công nghiệp – xây dựng chiếm 62,65%, dịch vụ 24,85%, nông – lâm – thủy sản 6,72%.
Thái Bình có mức tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 7,01%. Giai đoạn 2021–2024, tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao hơn mức trung bình cả nước 1,35%. Quy mô kinh tế đạt 132.700 tỷ đồng, xếp thứ 23 toàn quốc. Thu ngân sách đạt 26.700 tỷ đồng, vượt 37,1% so với dự toán, riêng thu nội địa tăng 12,8%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp và dịch vụ: Công nghiệp – xây dựng chiếm 44,3%, dịch vụ 30,41%, nông – lâm – thủy sản 19,7%.
Cùng với đó, 2 địa phương cũng đang có sự đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, tăng cường liên kết. Trong những năm gần đây, cả Hưng Yên và Thái Bình đều chủ động đẩy mạnh đầu tư vào các dự án giao thông quy mô lớn, kết nối nội vùng và liên tỉnh.
Đáng chú ý, Thái Bình vừa phê duyệt dự án đầu tư tuyến đường từ TP Thái Bình đi huyện Hưng Hà, nối liền với tỉnh Hưng Yên. Dự án có chiều dài khoảng 24,8 km, tổng vốn đầu tư gần 4.928 tỷ đồng, dự kiến triển khai từ 2025 đến 2028. Tuyến đường này đi qua các huyện Vũ Thư, Đông Hưng, Hưng Hà, sẽ trở thành trục kết nối liên vùng quan trọng giữa Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nội và các tỉnh lân cận thông qua Vành đai 5 vùng Thủ đô...
Giá bất động sản tại Hưng Yên và Thái Bình
Tỉnh Hưng Yên trước thông tin sáp nhập đã có sự biến động mạnh về giá bất động sản. Theo báo cáo thị trường Batdongsan.com.vn, Hưng Yên là một trong những tỉnh nằm trong các khu vực có lượng người tìm kiếm bất động sản nhiều nhất trên nền tảng này. Trong đó, huyện Văn Giang là nơi tập trung nhiều dự án quy mô lớn là nơi đất nền có mức giá đắt đỏ bậc nhất Hưng Yên, cao hơn cả giá đất khu vực thành phố.
Những lô đất thuộc tuyến đường lớn, vị trí "vàng" tại huyện Văn Giang (Hưng Yên), có lợi thế để kinh doanh nhà hàng, khách sạn, ngân hàng… mức giá đã tăng mạnh lên cao nhất là 150 triệu đồng/m2, trong khi mức giá rao bán cao nhất trong tháng 2/2025 là 126 triệu đồng/m2.
Cũng tại huyện này, những lô đất mặt tiền trên trục đường chính có thể kinh doanh khác đã tăng từ mức trung bình khoảng 42 triệu đồng/m2 (trong tháng 2/2025) lên 50 - 60 triệu đồng/m2.
Không chỉ Văn Giang, đất nền tại thành phố Hưng Yên đã thiết lập mặt bằng giá mới. Một số đất kinh doanh tại các tuyến đường Lương Định Của, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng thuộc phường An Tảo cũng đã tăng giá rao bán cao hơn 5 - 10% so với tháng trước đó, ở mức 30 - 35 triệu đồng/m2.
Đặc biệt, đất đấu giá tại Hưng Yên cũng có mức trúng cao ngất ngưởng. Cụ thể, phiên đấu giá ngày 15/3 tại huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên với 2.000 hồ sơ đăng ký đấu giá và có 500 khách hàng tham gia. Kết thúc phiên, thửa trúng cao nhất được định giá 56,2 triệu đồng/m2. Các thửa có vị trí đẹp nằm xung quanh có giá trúng dao động 52 - 56 triệu đồng/m2.
Trước đó, ngày 5/3, UBND xã Dân Tiến (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) tổ chức phiên đấu giá với 1.200 hồ sơ tham gia và hàng trăm người tham gia đấu giá trực tiếp. Kết thúc phiên đấu giá, mức giá trúng cao nhất lên tới hơn 158 triệu đồng/m2 (mức giá còn cao hơn nhiều nơi ở Hà Nội), mức giá trung bình thấp nhất là 66 triệu đồng/m2. Cả hai mức trúng này đều bỏ xa giá khởi điểm.
Ngày 9/2, Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt đã tổ chức bán đấu giá thành công quyền sử dụng 273 lô đất thuộc khu dân cư phía bắc thuộc Khu liên hợp thể thao, văn hóa và dân cư huyện trên địa bàn thị trấn Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Phiên đấu giá thu hút 2.000 người tham dự. 273 lô đất đấu giá có tổng diện tích 30.571,9 m2, tổng giá khởi điểm là 645,747 tỷ đồng.
Các lô đất có diện tích 90 - 295,2m2/thửa. Giá khởi điểm 19,2-31,2 triệu đồng/m2; tương đương mỗi lô có giá khởi điểm từ hơn 1,7 tỷ đến trên 7,8 tỷ đồng.
Kết quả đấu giá cho thấy, tổng giá trúng đấu giá là hơn 1.503,3 tỷ đồng, chênh lệch 857,631 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 232,81%. Trong đó, giá trúng đấu giá cao nhất là 120 triệu đồng/m2 và thấp nhất là 36 triệu đồng/m2...
Thái Bình cũng xuất hiện tình trạng "sốt đất" tại phiên đấu giá gần đây. Ảnh DV.
Giá đất Thái Bình: Tỉnh Thái Bình cũng ghi nhận sự tăng giá về bất động sản, nhưng chủ yếu qua các phiên đấu giá đất. Cụ thể, ngày 27/3 vừa qua, đất đấu giá tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình xuất hiện lô đất có diện tích 150,4 m2 có giá trúng cao nhất lên đến 23 tỷ đồng, gấp 1,8 lần giá khởi điểm ban đầu (giá khởi điểm hơn 12,4 tỷ đồng). Như vậy, mức giá trúng gần 153 triệu đồng/m2 (ngang ngửa với mức giá trúng đấu giá cao nhất tại tỉnh Hưng Yên đầu tháng 3/2025).
Bên cạnh đó, nhiều lô đất cũng ghi nhận mức giá trúng gấp gần 2 lần giá khởi điểm. Chẳng hạn như lô đất D01-4 có giá khởi điểm hơn 3,1 tỷ đồng, giá đấu trúng hơn 7,3 tỷ đồng; lô D02-1 có diện tích 147,5 m2 có giá khởi điểm hơn 4,05 tỷ đồng, giá đấu trúng gần 9,3 tỷ đồng.
Cùng với đó, một số lô đất khác như lô đất D01-3 có diện tích 103m2 có giá khởi điểm 2,575 tỷ đồng, giá trúng gấp 3,2 lần lên gần 8,4 tỷ đồng. Nhìn chung, kết thúc phiên đấu, lô có giá trúng thấp nhất cũng hơn 3 tỷ đồng.
Theo khảo sát trên trang Batdongsan.com.vn, giá rao bán đất tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đang dao động trong khoảng từ 4-25 triệu đồng/m2, con số này ghi nhận tăng 30,6% trong vòng 1 năm qua. Tuy nhiên, giá rao bán này vẫn thấp hơn 59% so với giá rao bán cao nhất hồi tháng 10/2024 (61 triệu đồng/m2), thời đỉnh điểm của những chảo lửa đấu giá đất.
Như vậy, mức giá trúng đấu giá cao nhất gấp tới gần 13 lần so với giá rao bán trung bình, mức trúng đấu giá thấp nhất cũng gấp hơn 2 lần.
Theo bảng giá đất được tỉnh Thái Bình phê duyệt mới nhất áp dụng hết năm 2025 như sau: Khu vực thành phố Thái Bình, giá đất giao động từ 15-25 triệu đồng/m2; huyện Đông Hưng, giá đất trung bình từ 10-20 triệu đồng/m2; Tại huyện Tiền Hải, giá đất trung bình từ 8-15 triệu đồng/m2; vùng ngoại ô có giá từ 5-10 triệu đồng/m2...
Đông Bắc
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/gia-dat-tai-hung-yen-thai-binh-bien-dong-the-nao-truoc-khi-sap-nhap.html