Ảnh minh họa: Unsplash
Theo Reuters, giá dầu tăng nhẹ vào phiên 14/7, khi các nhà đầu tư theo dõi khả năng Mỹ áp thêm lệnh trừng phạt đối với Nga – yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguồn cung toàn cầu. Dù vậy, sản lượng gia tăng từ Arab Saudi và những bất ổn liên quan đến thuế quan đã hạn chế mức tăng này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13/7 cho biết ông sẽ gửi hệ thống tên lửa phòng không Patriot tới Ukraine. Dự kiến, ông sẽ đưa ra một "tuyên bố quan trọng" về Nga vào hôm nay, theo Reuters. Các đặc phái viên của Liên minh châu Âu (EU) cũng đang tiến tới gần thỏa thuận về gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga, trong đó có thể bao gồm việc hạ trần giá dầu của Nga, Reuters dẫn bốn nguồn tin từ EU sau cuộc họp hôm 13/7.
Trong tuần trước, giá dầu Brent tăng 3%, trong khi WTI ghi nhận khoảng 2,2%, đà tăng diễn ra khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết thị trường dầu mỏ toàn cầu có thể thắt chặt hơn dự kiến, với nhu cầu được hỗ trợ bởi hoạt động lọc dầu cao điểm vào mùa hè để đáp ứng vấn đề du lịch và phát điện.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích của ANZ (có trụ sở chính tại Australia), mức tăng giá bị hạn chế bởi dữ liệu cho thấy Arab Saudi đã nâng sản lượng dầu vượt mức hạn ngạch theo thỏa thuận cung ứng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+).
Cũng theo IEA, Arab Saudi đã vượt mục tiêu sản lượng dầu trong tháng 6 thêm 430.000 thùng mỗi ngày, đạt mức 9,8 triệu thùng/ngày, so với mục tiêu ngầm hiểu của OPEC+ là 9,37 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, Bộ Năng lượng Arab Saudi hôm 11/7 cho biết, nước này đã tuân thủ đầy đủ hạn ngạch sản lượng tự nguyện theo thỏa thuận OPEC+, đồng thời khẳng định nguồn cung dầu thương mại của nước này trong tháng 6 là 9,35 triệu thùng/ngày – phù hợp với hạn ngạch đã thống nhất.
Ở diễn biến khác, theo ANZ, việc Trung Quốc công bố dữ liệu sơ bộ về thương mại hàng hóa vào cuối ngày 14/7 có thể cho thấy những dấu hiệu tiếp diễn của nhu cầu suy yếu.
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi kết quả đàm phán thuế quan của Mỹ với các đối tác thương mại quan trọng – yếu tố có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu nhiên liệu.
Lê Hồng Nhung