Ghi nhận đầu giờ sáng ngày 16/1/2025 theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao dịch ở mức 80,27 USD/thùng, tăng 0,23 USD/thùng (tương đương 0,29%) trong phiên, tăng 2,44 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 15/1.
Giá dầu Brent giao dịch ở mức 82,2 USD/thùng, tăng 0,17 USD/thùng (tương đương 0,21%) trong phiên, tăng 2,11 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 15/1.
Giàn PVD1, Cá Tầm 2. Tác giả: Phạm Ngọc Phương
Giá dầu thế giới hôm nay (16/1) tiếp đà tăng khi lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm mạnh và nguy cơ gián đoạn nguồn cung do lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã giảm vào tuần trước xuống mức thấp nhất kể từ năm 2022, do xuất khẩu tăng và nhập khẩu giảm. Lượng xăng và sản phẩm chưng cất dự trữ tăng nhiều hơn dự kiến.
Cụ thể, tồn kho dầu của Mỹ đã giảm 2 triệu thùng xuống còn 412,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 10/1. Mức giảm này cao hơn rất nhiều lần so với kỳ vọng giảm 992.000 thùng của các nhà phân tích. Ngược với sự giảm trong tồn kho dầu, tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất tăng nhiều hơn dự kiến, với mức tăng lần lượt là 5,9 triệu thùng và 3,1 triệu thùng.
Ngày 10/1, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với các công ty dầu mỏ của Nga là Gazprom Neft và Surgutneftegaz, cũng như 183 tàu đã vận chuyển dầu của Nga, nhằm vào nguồn doanh thu của nước này. Một số cảng đã hành động trước các biện pháp trừng phạt mới nhất. Tuần trước, các thương nhân cho biết Tập đoàn Cảng Sơn Đông đã cấm các tàu chở dầu theo lệnh trừng phạt của Mỹ cập cảng của mình.
Bob Yawger, Giám đốc năng lượng tương lai tại Mizuho nhận định: "Việc rút dầu thô chủ yếu là do động lực xuất nhập khẩu khi nhiều đơn hàng đã được đặt trước khi có thông báo lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga”.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong báo cáo thị trường dầu mỏ hàng tháng rằng lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với dầu mỏ của Nga có thể làm gián đoạn đáng kể nguồn cung và phân phối dầu của Nga.
Ole Hansen, giám đốc chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank cho rằng, sự lo lắng về lệnh trừng phạt dường như đang hỗ trợ giá dầu. Các tàu chở dầu thô của Nga đang gặp khó khăn trong việc dỡ hàng trên khắp thế giới, có khả năng gây ra tình trạng thắt chặt nguồn cung trong trong ngắn hạn.
Đà tăng của giá dầu cũng được hạn chế khi Israel và Hamas đã nhất trí một thỏa thuận ngừng giao tranh ở Gaza và trao đổi con tin Israel lấy tù nhân Palestine.
Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group cho rằng mối lo ngại về gián đoạn nguồn cung đã giảm bớt khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas đạt được.
Chỉ số đồng đô la giảm vào thứ Tư (15/1) sau khi dữ liệu của Mỹ cho thấy giá tiêu dùng tăng nhẹ so với kỳ vọng vào tháng 12, làm tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Đồng đô la yếu hơn thường hỗ trợ giá dầu và lãi suất thấp hơn có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, theo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1,43 triệu thùng/ngày vào năm 2026, duy trì tốc độ tăng trưởng tương tự như năm 2025.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết phổ biến như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 20.431 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 21.019 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 19.243 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 19.244 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.182 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều hôm nay (16/1).
Minh Đức