Giá dầu tăng sốc sau khi Mỹ áp trừng phạt mạnh 'chưa từng có' với Nga

Giá dầu tăng sốc sau khi Mỹ áp trừng phạt mạnh 'chưa từng có' với Nga
9 giờ trướcBài gốc
Giá dầu vượt ngưỡng 80 USD/thùng
Trong phiên giao dịch sáng 13/1, giá dầu thế giới tiếp tục tăng phiên thứ 3 liên tiếp, với giá dầu Brent vượt 81 USD/thùng, mức cao nhất kể từ cuối tháng 8 năm ngoái.
Cụ thể, giá dầu Brent kỳ hạn cộng 1,47 USD (1,84%) lên 81,23 USD/thùng, sau khi có lúc đạt mức cao trong ngày là 81,49 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 27/8. Giá dầu WTI của Mỹ cũng tăng 1,55 USD (2,02%) lên 78,39 USD/thùng, sau khi chạm mức cao nhất là 78,39 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 8/10.
Kết hợp với việc giá “vàng đen” leo dốc mạnh từ tuần trước, tính trong vòng 5 ngày gần đây, giá dầu Brent và dầu WTI đã tăng hơn 6%.
Các phân tích cho rằng, giá dầu được hỗ trợ phục hồi mạnh nhờ vào nhiều yếu tố. Trong đó, lo ngại về các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và Iran sẽ hạn chế nguồn cung từ 2 quốc gia này, lệnh trừng phạt của Mỹ với các tàu chở dầu của Nga...
Giá dầu tăng phiên thứ 3 liên tiếp trong phiên ngày 13/1. Ảnh:Azernews.az
Bên cạnh đó, dự báo nhu cầu từ Trung Quốc tăng, sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giảm khoảng 50.000 thùng mỗi ngày do các sự cố bảo trì ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Giá dầu biến động mạnh trong các phiên giao dịch vừa qua khi thị trường gia tăng lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung do các lệnh trừng phạt mở rộng của Mỹ có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu thô của Nga sang các nước nhập khẩu hàng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ.
Bộ Tài chính Mỹ hôm 10/1 thông báo áp đặt các lệnh trừng phạt mở rộng đối với dầu mỏ của Nga. Các lệnh trừng phạt mới này bao gồm cả các nhà sản xuất dầu Gazprom Neft và Surgutneftegas, cũng như 183 tàu vận chuyển dầu của Nga.
Các nhà giao dịch và phân tích nhận định rằng, xuất khẩu dầu thô của Moscow sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do gói trừng phạt mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Điều này buộc Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước nhập khẩu dầu lớn nhất và lớn thứ ba thế giới, phải tìm kiếm nguồn cung dầu thay thế từ Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ, từ đó làm tăng giá cả và chi phí vận chuyển.
Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs đánh giá: "Chúng tôi ước tính rằng lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến các tàu dầu của Nga vốn vận chuyển khoảng 1,7 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2024, chiếm 25% lượng nhiên liệu xuất khẩu của Nga”.
Theo các chuyên gia tại Công ty dịch vụ tài chính RBC Capital, các lệnh cấm vận mới nhất từ chính quyền Tổng thống Biden sắp mãn nhiệm đối với ngành năng lượng Nga được xem là yếu tố làm tăng thêm rủi ro nguồn cung.
Yếu tố hỗ trợ cơ bản vẫn yếu
Giới chuyên gia cho rằng bất chấp đà phục hồi bất ngờ của giá dầu thế giới trong những phiên giao dịch gần đây, các nguyên tắc cơ bản của thị trường “vàng đen” nói chung vẫn yếu.
Đặc biệt, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc được dự báo sắp chạm đỉnh vào cuối thập kỷ này. Điều này có thể sẽ là một đòn giáng với thị trường dầu mỏ vì Trung Quốc chiếm 50% mức tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong giai đoạn 2000-2023, trung bình tăng 518.000 thùng/ngày hàng năm, theo báo cáo về Năng lượng thế giới được Viện năng lượng công bố năm ngoái.
Trong khi đó, nguồn cung dầu mỏ từ các nước ngoài OPEC dự kiến sẽ tăng bùng nổ trong năm 2025. Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự kiến các nhà sản xuất ngoài OPEC và các nước đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, sẽ tăng sản lượng khoảng 1,5 triệu thùng/ngày trong năm nay, bao gồm Mỹ, Canada, Guyana, Brazil và Argentina.
Ngoài ra, việc đồng USD tăng giá cũng gây áp lực đối với giá dầu thế giới trong thời gian tới. Chỉ số Dollar Index - phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, nhảy vọt trong tuần trước khi chạm ngưỡng 108,92 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 10/2022.
Việc đồng USD mạnh hơn khiến giá mua dầu tương đối đắt hơn đối với những nhà nhập khẩu quốc tế, trong khi đồng bạc xanh là loại tiền tệ được ưa chuộng hàng đầu trên thị trường giao dịch hàng hóa toàn cầu.
Nguyễn Thu
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/gia-dau-tang-soc-sau-khi-my-ap-trung-phat-manh-chua-tung-co-voi-nga.html