Giá điện hai thành phần tạo sự công bằng cho người dùng

Giá điện hai thành phần tạo sự công bằng cho người dùng
6 giờ trướcBài gốc
Giá điện hai thành phần bao gồm giá công suất và giá điện năng, tức là số tiền phải trả cho phần công suất đăng ký sử dụng và lượng điện năng tiêu thụ thực tế, thay vì chỉ tính theo lượng điện tiêu thụ thực tế như hiện nay.
Nếu áp dụng, khách hàng nào sẽ phải trả tiền điện nhiều hơn?
Ví dụ cụ thể: Hai hộ cùng dùng 24 kWh/ngày. Nếu hộ thứ nhất dùng điện chia đều công suất 1kW cho 24h trong ngày, hộ thứ hai dùng tất cả 24kW chỉ trong 1h, với cách tính hiện nay, cả hai hộ có cùng mức chi trả như nhau. Nhưng với cách tính giá hai thành phần, hộ thứ hai phải chi trả nhiều hơn bởi việc đầu tư cấp điện cho hộ thứ hai nhiều hơn so với hộ thứ nhất.
TS Đoàn Văn Bình, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng, cho hay: "Những người sử dụng yêu cầu lượng công suất lớn sẽ khác với những người sử dụng công suất nhỏ hơn. Với cùng điều kiện sử dụng năng lượng như nhau, giá điện sẽ công bằng hơn và tránh được việc bù chéo giữa người sử dụng cơ sở hạ tầng năng lượng cao hơn những người sử dụng cơ sở điện lực ở mức vừa phải, hợp lý hơn".
Giá điện hai thành phần nếu có thực hiện, bước đầu sẽ áp dụng ở đối tượng sử dụng điện phi sinh hoạt.
Với giá điện hai thành phần, khách hàng sẽ trả riêng cho mỗi kWh công suất mà họ đăng ký hàng tháng với nhà cung cấp. Khi không sử dụng, người dùng vẫn phải trả chi phí này - thay vì ngành điện gánh chịu và thu hồi qua điều chỉnh giá như hiện nay. Điều này phản ánh rõ và tách biệt chi phí đầu tư và chi phí vận hành để cấp điện đến từng khách tiêu thụ, từ đó đẩy mạnh phát triển điện cạnh tranh.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương, cho biết: "Do điện gió, mặt trời sau khi đã đầu tư rồi thì chi phí nhiên liệu cho vận hành gần như không có nên sẽ được ưu tiên huy động hết. Khi đó điện than, khí, dầu sẽ không được huy động. Khi không được huy động như vậy thì các nhà máy sẽ phải dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chứng thì sẽ không đảm bảo thu hồi được vốn đầu tư của các nhà máy đó. Từ đó dẫn tới phải tìm các phương thức để đảm bảo cho các nhà máy điện chạy nên thu hồi được chi phí thực của người ta bao gồm chi phí đầu tư công suất đó".
Cách đây 10 năm, tại Quyết định số 28, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng xem xét phê duyệt cơ chế giá bán điện hai thành phần. Nhưng phải đến thời điểm này, khi dường như điều kiện kỹ thuật đã cho phép, Bộ Công Thương mới bắt đầu chính thức triển khai xây dựng cơ chế giá bán điện hai thành phần.
"Cơ chế giá điện hai thành phần là cơ chế bắt buộc phải ban hành đồng thời với cơ chế DPPA hoặc cơ chế điện mặt trời mái nhà. Chúng tôi đã chính thức thành lập ban biên soạn, tổ biên tập để chính thức khởi động xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần và dự kiến trong tháng 8 sẽ ban hành. Cùng với cơ chế DPPA, cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà chúng ta sẽ có giá điện hai thành phần. Lúc bấy giờ chúng ta sẽ có điều kiện thu hút đầu tư, điều kiện để phát triển thị trường điện cạnh tranh", ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, phát biểu.
Như vậy nếu áp dụng giá điện hai thành phần mà quan trọng là bổ sung thêm thành phần giá công suất sẽ mang lại sự công bằng hơn cho cả hai đầu trong chuỗi cung ứng điện, gồm đầu sản xuất và đầu tiêu dùng điện. Đối với đầu sản xuất điện là sự đảm bảo thu hồi vốn đối với nhà máy điện đã đầu tư, nâng cao độ an toàn, hấp dẫn đối với dự án đầu tư nguồn điện mới. Còn đối với đầu tiêu dùng điện, giá hai thành phần sẽ đảm bảo công bằng hơn về đầu tư cấp điện cho mỗi hộ dùng điện.
Lệ Cẩm
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/gia-dien-hai-thanh-phan-tao-su-cong-bang-cho-nguoi-dung-283184.htm