Giá điện tăng gần 5%, đại biểu Quốc hội nói gì?

Giá điện tăng gần 5%, đại biểu Quốc hội nói gì?
2 giờ trướcBài gốc
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân - Đoàn Bình Dương
Từ hôm nay (10/5), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 2.103,11 đồng lên 2.204,07 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng - VAT), tương đương tăng 4,8%.
Sáng 10/5, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn Bình Dương cho rằng, thực tế việc tăng giá điện là hoạt động bình thường của ngành điện để cân đối giữa đầu vào và đầu ra. Hiện nay, giá điện đang hơi thấp, nên cũng gây khó khăn cho hoạt động của EVN, trong khi ngành điện đang là ngành xương sống.
"Nếu EVN không đủ nguồn lực để tái đầu tư, mở rộng, nâng cấp công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật thì ngành điện sẽ lạc hậu so với khu vực và thế giới, từ đó gây ảnh hưởng đến nền kinh tế. Cho nên tôi ủng hộ việc tăng giá điện", ông Huân nêu quan điểm và cho rằng, trong quá trình phát triển, kinh tế Việt Nam đi lên thì giá điện cũng phải thay đổi ngang bằng với khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, vị đại biểu cho rằng việc tăng giá điện cần có lộ trình cụ thể và phải thông báo cho người dân, doanh nghiệp, hộ tiêu thụ biết trước đó.
Bên cạnh đó, ông Huân cho rằng việc tăng giá điện phải đi kèm với những chính sách hỗ trợ hộ nghèo không có đủ khả năng chi trả, theo đúng chủ trương, quan điểm "không để ai bỏ lại phía sau" của Đảng, Nhà nước.
Đối với sản xuất công nghiệp, giá điện Việt Nam so với các nước không cao. Quan điểm của chúng ta chuyển dịch cơ cấu để phát triển kinh tế không dựa vào nhân công giá rẻ và thâm dụng điện năng.
"Nếu chúng ta không nâng giá điện thì có thể một bộ phận người dân được hưởng lợi nhưng ngược lại cả nền kinh tế bị thiệt hại. Thậm chí, các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam và tận dụng giá rẻ, không chịu cải tiến công nghệ, đưa công nghệ lạc hậu vào", ông Huân nhận định.
Theo ông Huân, giá điện không cần tăng quá cao nhưng cũng phải ngang bằng với các nước trong khu vực. Các nhà hoạch định chính sách, các nhà kinh tế nên có một nghiên cứu bài bản trình Chính phủ ra quyết định hợp lý, cân đối chi phí đầu vào, đầu ra cho doanh nghiệp và đảm bảo người dân có thể chi trả được, Nhà nước không bị thiệt và EVN có tiền để phát triển, đầu tư.
Tiền điện sẽ tăng thế nào khi điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân?
Theo tính toán của EVN, với giá bán lẻ điện bình quân được tăng từ ngày 10/5, các hộ sử dụng điện dưới 50 kWh (chiếm 10,55% số hộ sinh hoạt), mức tiền điện tăng khoảng 4.550 đồng/hộ/tháng.
Nhóm khách hàng sử dụng từ 51 kWh - 100 kWh (chiếm 13,98% số hộ sinh hoạt), mức tiền điện tăng khoảng 9.250 đồng/hộ/tháng.
Nhóm khách hàng sử dụng từ 101 kWh - 200 kWh (chiếm 32,79% số hộ sinh hoạt, đang là nhóm khách hàng lớn nhất), mức tiền điện tăng khoảng 20.150 đồng/hộ/tháng.
Nhóm khách hàng sử dụng điện từ 201 kWh - 300 kWh (chiếm 19,33% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 33.950 đồng/hộ/tháng.
Nhóm khách hàng sử dụng điện từ 301- 400 kWh (chiếm khoảng 9,89% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 49.250 đồng/hộ/tháng.
Nhóm khách hàng sử dụng điện từ 400 kWh trở lên (chiếm khoảng 13,45% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 65.050 đồng/hộ/tháng.
Hải Yến
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/gia-dien-tang-gan-5-dai-bieu-quoc-hoi-noi-gi-20250510130814252.htm