Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tặng sách cho mẹ mình - bà Lý Thị Hoa.
Gia đình cây bút họ Huỳnh có 6 thành viên bao gồm cha - cố nhà báo Huỳnh Hùng Lý, mẹ ông là bà Lý Thị Hoa và 4 người con: Huỳnh Dũng Nhân, Huỳnh Dũng Nhi, Huỳnh Ngọc Thụy, Huỳnh Hoa Lê.
Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ lầm than của dân tộc, một thời đại mà nhà văn Nam Cao đã từng chua xót: "Đau đớn thay cho những kiếp sống muốn cất cánh bay cao nhưng lại bị cơm áo ghì sát đất".
Vậy nhưng, cả 4 anh em ông, ai cũng phấn đấu học tập, khao khát tìm kiếm con chữ và đều tốt nghiệp đại học. Nhiều người thành đạt và nhiều cái tên ưu tú đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong nghề. Đỉnh cao nhất phải kể đến thời điểm nhà ông từng có 9 nhà báo.
Một trong những điều dẫn đến thành công của tôi là nhờ tôi được sinh ra trong một gia đình hiếu học. Bản thân tôi tuy học không đến mức xuất sắc nhưng cũng khá đam mê học hỏi trau dồi kiến thức"
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân
Ngọn lửa hiếu học của gia đình Huỳnh Dũng Nhân được chính cha ông châm mồi đầu tiên. Cha của ông là nhà báo Huỳnh Hùng Lý, một trong những ngòi bút có nhiều đóng góp nổi bật trong lĩnh vực báo chí chính luận và tuyên truyền trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và giai đoạn sau giải phóng miền Nam.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và người cha đáng kính của mình - cố nhà báo Huỳnh Hùng Lý.
Ông là nhà báo cùng thời với thế hệ những "đại thụ" của làng báo chí cách mạng Việt Nam như nhà báo Hoàng Tùng, nhà báo Trần Bạch Đằng, nhà báo Lưu Quý Kỳ...
Thuở nhỏ, ông Huỳnh Hùng Lý đã nổi tiếng học giỏi và hiếu học khắp vùng. Tuy nhà nghèo nhưng ông không đầu hàng, ông "đạp" lên cái nghèo để học. Chàng thiếu niên Huỳnh Hùng Lý thuở ấy đã phải vừa đi ở đợ vừa đến lớp, nhiều hôm phải đi bộ từ Bến Tre, mang theo dạ dày rỗng tuếch, qua cả chục cây số để đến được trường học ở Mỹ Tho.
Sự nỗ lực của ông nhanh chóng đơm quả ngọt. Ông thi đậu giải nhất tỉnh trong một cuộc thi và được thưởng một chuyến đi nghỉ mát ở Vũng Tàu.
Với tài năng tự học và khả năng tiếng Pháp xuất sắc, ông đã bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình tại báo Nhân Dân, nơi ông không chỉ là một phóng viên mà còn là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng, bao gồm thư ký báo chí cho Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và Tổng Biên tập báo đối ngoại của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.
Ngoài ra, ông còn tham gia vào các sự kiện lịch sử quan trọng như Hội nghị Paris, nơi ông thể hiện sự tận tụy và cẩn trọng của một nhà báo trong việc ghi lại những khoảnh khắc lịch sử quyết định tương lai dân tộc.
Sau ngày giải phóng miền Nam, Huỳnh Hùng Lý tiếp tục cống hiến cho nền báo chí Việt Nam qua vai trò Ủy viên Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết. Ông luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của thời gian trong báo chí, điều này được thể hiện qua cuốn sách "Ngòi bút rượt đuổi thời gian" mà ông xuất bản sau khi nghỉ hưu.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đối thoại trên Tạp chí Công dân và Khuyến học về việc học tập suốt đời. Video: CDKH
"Sinh thời cha vẫn thường hay bảo với chúng tôi rằng gia đình rất nghèo, cha phải cố gắng học tập để vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo khó này." - Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tự hào xen lẫn bồi hồi chia sẻ.
Ông Huỳnh Hùng Lý đã đặt viên gạch đầu tiên cho truyền thống hiếu học trong gia đình mình lúc bấy giờ, trở thành nguồn động viên to lớn cho chính những người thân trong gia đình.
Người em trai của ông Hùng Lý là Huỳnh Văn Ngọc cũng đi bộ đội, học đại học quân y và thành bác sĩ.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân với khát vọng đi và viết, luôn dấn thân và đam mê đặt chân đến mọi miền Tổ quốc.
Mẹ của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là bà Lý Thị Hoa, quê ở Rạch Giá. Từ bé, bà đã bộc lộ niềm yêu thích với văn thơ, nhưng do phải thoát ly kháng chiến từ sớm nên việc học dang dở, không đến nơi đến chốn.
Huỳnh Dũng Nhân - "Tôi thăng hoa sự nghiệp từ gia đình của mình"
Trong tập hồi ký "40 năm đi, yêu và viết" của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vừa ra mắt mới đây, ông đã tỉ mẩn ghi chép lại trong phần "Tuổi thơ", ký ức về người mẹ tảo tần vừa chăm con, chăm chồng vừa học của mình. Năm 1955, bà và chồng nằm trong tốp cán bộ miền Nam được tập kết ra Bắc.
Thời điểm ấy, chồng bà - nhà báo Huỳnh Hùng Lý - đang công tác tại báo Nhân Dân ở Hà Nội, nên đi suốt. Vì thế, trên chuyến tàu đi Sầm Sơn, Thanh Hóa ngày hôm ấy chỉ có mỗi bà - "một cán bộ phụ nữ bình thường, 23 tuổi, dắt theo 1 đứa con trai 3 tuổi và 1 cái thai gần đến ngày sinh", chòng chành dữ dội giữa biển.
Bà Lý Thị Hoa thời điểm sinh nhà báo Huỳnh Dũng Nhân sau khi tập kết ra Bắc.
Ra đến xứ Thanh, tuy con còn nhỏ nhưng bà phải cố gắng xoay sở để đi học bổ túc văn hóa và học xong phổ thông giữa đói rét và bệnh tật.
Nhiều khi bà phải cột chân con trai nhỏ một tuổi, tức nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, vào thành giường để đến lớp bổ túc văn hóa học xong lại vội vã trở về cho con bú.
Tất bật với 2 đứa trẻ là thế nhưng trong lớp, thành tích của bà luôn xếp đầu tiên. Song song đó, bà còn đi học y tá để có một nghề nghiệp ổn định.
Khoảng năm 1960, cả nhà Huỳnh Dũng Nhân dọn về ở ngay trong trụ sở Báo Nhân Dân ở 71 Hàng Trống, Hà Nội - nơi cha ông đang làm việc. Bà Hoa về đây cũng vẫn làm y tá, song bà đã đăng ký học lớp báo chí do Báo Nhân Dân tổ chức và ít năm sau trở thành cán bộ của báo.
Lúc này bà bị bệnh đau đầu kinh niên phần vì không quen với thời tiết giá lạnh của miền Bắc, phần vì đã trải qua 4 lần sinh nở nên sức khỏe của bà không còn tốt như trước đây, cộng thêm chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ nổ ra khiến cả gia đình phải đi sơ tán về nông thôn. Song bà vẫn theo học đại học tại chức báo chí đến cùng và đã tốt nghiệp loại khá giỏi.
Hiện nay bà Lý Thị Hoa đã ngoài 93 tuổi nhưng vẫn giữ thói quen đọc sách báo, sưu tầm ca dao, làm thơ…. Những thói quen ấy tưởng chừng giản đơn nhưng đã lại có tác động rất lớn ý thức tự học và tinh thần hiếu học của những đứa con trong gia đình. Chia sẻ với cánh phóng viên, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nói: "Mỗi khi tôi in sách mới, cuốn đầu tiên luôn là dành tặng cho mẹ mình."
Cha mẹ chính là quyển sách hướng dẫn đầu tiên, chi tiết và gần gũi nhất mà bất cứ đứa con nào cũng phải đọc qua trong đời.
Sau này, 4 anh em nhà Huỳnh Dũng Nhân ai cũng thành đạt và xây dựng được sự nghiệp riêng. Anh trai của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là ông Huỳnh Dũng Nhi, lớn lên đi học ở Hungary rồi trở về nối nghiệp cha mẹ, trở thành "cây bút" cứng của báo đài tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và cán bộ quản lý báo chí có tay nghề được mọi người nể phục.
Em gái ông là Huỳnh Ngọc Thụy tốt nghiệp ngành y, tu nghiệp ở Anh và trở thành Phó giáo sư. Tuy còn con nhỏ và chồng (cũng là một phó giáo sư) đang tu nghiệp ở Áo, nhưng chị vẫn cân bằng việc gia đình và việc theo đuổi đam mê với con chữ để tiến cao hơn, xa hơn nữa trong việc nghiên cứu giảng dạy.
Một em gái khác của ông là Huỳnh Hoa Lê, tốt nghiệp Khoa sử trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh và trở thành cán bộ Hải quan.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trên cây cầu Hiền Lương (Quảng Trị).
Đặc biệt, phải kể đến ông "vua phóng sự" Huỳnh Dũng Nhân, sinh năm 1955, đứa con giỏi giang nhưng đồng thời lì lợm và liều lĩnh nhất của nhà họ Huỳnh.
Hồi nhỏ, ông không học giỏi đều, nhưng lại đặc biệt khá môn văn, lớn lên tốt nghiệp đại học tổng hợp văn và đại học báo chí. Với hai tấm bằng đại học, ông càng có thuận lợi trong việc nghiên cứu, tác nghiệp và giảng dạy trong lĩnh vực của mình.
Ông đã gây dựng cho mình một sự nghiệp lẫy lừng và đầy ấn tượng, với nhiều đóng góp quan trọng cho nền báo chí nước nhà. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân từng công tác tại các tờ báo lớn như Tuổi Trẻ và Lao Động, nơi ông chuyên viết về an ninh quốc phòng, văn hóa nghệ thuật và thể thao.
Trước khi nghỉ hưu vào năm 2015, Huỳnh Dũng Nhân đã giữ nhiều vị trí quan trọng, bao gồm Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh và Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo. Ông cũng là giảng viên thỉnh giảng tại Khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.
Với phong cách viết sắc sảo và nhân văn, ông đã cho ra đời nhiều bài phóng sự ấn tượng, phản ánh chân thực cuộc sống xã hội và những câu chuyện đời thường của con người, kinh điển nhất phải kể đến: "Tôi đi bán xôi", "Ký sự xuyên Việt", "Kính thưa Ô sin", "Ăn Tết trong rừng chó sói",..
Hành trình học tập suốt đời của ông thực sự khiến cho người khác phải nghiêng mình thán phục. Ông đã học - hành liên tục suốt một thời sức trẻ, nhưng việc học của ông không chỉ dừng lại ở mục đích thoát nghèo, khẳng định bản thân mà hơn hết, ông khát khao sử dụng tri thức của bản thân để cống hiến cho Tổ quốc, giúp đời, giúp người và đặc biệt là giúp ông được sống một cuộc đời lý tưởng.
Tôi xin phép dùng một chữ "liều" để lột tả nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và chặng đường học - hành của ông. Ông liều mình học tất cả những gì mà bản thân có thể học từ khi còn là một cậu bé hiếu động đến mức phiền toái ở khu tập thể Báo Nhân Dân và liều mình thực hành cho kì được tất thảy những kiến thức trên mọi lĩnh vực mà mình học được.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vẫn hằng ngày truyền cảm hứng và dạy học trò các kỹ năng làm báo, vẽ.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - người truyền lửa nghề báo cho rất nhiều phóng viên trẻ.
Trò chuyện cùng sinh viên Báo chí, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã chia sẻ những câu chuyện vô cùng thú vị về quá trình học - hành máu lửa và nhiệt huyết của mình, kinh điển như: tuy không biết tí gì về piano nhưng lại dám viết hẳn một cuốn sách về nghệ sĩ đoạt giải Piano quốc tế Đặng Thái Sơn, hay, mới tập lái xe hơi đã lái tít lên Cao Bằng.
Huỳnh Dũng Nhân - liều lĩnh cả đời với nghiệp cầm bút
Chưa dừng lại ở đó, ngòi bút phóng sự họ Huỳnh không chỉ "liều" khi còn trẻ, mà ông còn "liều" cả đời.
Năm 2021, nhà báo trải qua một lần tai biến, căn bệnh quái ác đó đã làm hạn chế khả năng vận động ông nhưng không vì thế mà ông chịu đầu hàng trước số phận. Trong suốt quãng thời gian điều trị tại nhà cộng thêm giãn cách xã hội thời điểm COVID-19, ông đã chăm chỉ vẽ tranh ký họa chân dung mỗi ngày để mang lại niềm vui cho những người xung quanh, đồng thời an ủi đôi chân quen đi, đôi tay quen viết và cái đầu quen nghĩ ngợi, tìm tòi cái mới của mình.
Mới học vẽ nhưng nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã vẽ hơn 3000 bức tranh và 3 lần triển lãm.
Từ đó, danh xưng "nhà báo vẽ" ra đời.
Hiện nay ông vẫn tự học vẽ tranh chân dung và cũng đã vẽ khoảng 3000 bức tranh, triển lãm 3 lần tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ông có hơn 30 đầu sách nhờ sự học tập sáng tạo và lao động không mệt mỏi. Mới đây nhất, ở tuổi 70, ông lại cắp sách đi học lớp viết kịch bản do Hội điện ảnh Việt Nam tổ chức tại Quảng Trị. Ngoài ra, ông còn tự học hỏi công nghệ và bền bỉ hoạt động trên nền tảng mạng xã hội Facebook và các phương tiện truyền thông khác như Youtube, một việc mà ở tuổi 70 ít ai còn đủ sức để đảm đương nổi.
Phương châm tự học của ông là học hỏi cái hay của bất kể ai, kể cả học lại của học trò mình, con cái mình; học bất kể lúc nào, ở đâu và quan trọng là học đi đôi với hành với mục đích cao nhất là cống hiến thì nhất định sẽ thành công.
Trước khi nhập môn Phóng sự, giảng viên Huỳnh Dũng Nhân vẫn thường dặn sinh viên báo chí của mình rằng: "Tài năng con người ⅓ là năng khiếu, ⅔ là lao động học tập. Bí quyết này đã được nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ trên trang facebook cá nhân:
Học và hành (trích facebook Huỳnh Dũng Nhân):"Tôi học Đại học Tổng hợp Văn xong thì viết văn, về sau tôi thành nhà văn và xuất bản sách.
Tôi học Đại học Báo chí xong thì thành nhà báo và sau này là giảng viên báo chí.
Tôi học vẽ xong thì sau này cầm cọ vẽ.
Tôi tham gia câu lạc bộ bóng bàn hồi nhỏ thì lớn lên đánh bóng bàn đến khi không cầm vợt được nữa.
Tôi đã từng tập múa, tập thổi sáo, kèn Harmonica, học tiếng Anh, tiếng Pháp, học võ… nhưng đều thất bại vì không được thực hành.
Tôi học lái xe thì cầm vô lăng đến khi bán xe đi.
Trong 3 ước mơ hồi nhỏ thì tôi đạt được 2: lái xe và cầm cọ vẽ.
Còn ước mơ thành cầu thủ bóng đá thì không thực hiện được vì quá nhỏ con.
Hôm nay, tôi học viết kịch bản phim tài liệu thì bắt tay vào làm phim tài liệu
Nói chung với tôi, dù không học giỏi, nhưng bí quyết là học luôn phải đi đôi với hành…"
Có thể nói trong gia đình họ Huỳnh, đời cha, đời con, đời cháu đều chăm lo việc học hành, ưu tiên cho việc học tập, người trước định hướng ngành nghề cho con cháu đời sau. Bắt đầu từ nhà báo Huỳnh Hùng Lý đã truyền cho gia đình một đam mê học tập để tự vươn lên.
Bài dự thi cuộc thi viết về "Gia đình học tập"
Tác giả: Trà Giang (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
*Tác giả gửi bài dự thi Cuộc thi viết về "Gia đình học tập" về email của tòa soạn Tạp chí Công dân và Khuyến học: toasoan@congdankhuyenhoc.vn
Trà Giang