Bán tháo cắt lỗ
Ghi nhận của PV Báo SGGP, những ngày qua, dọc hai bên quốc lộ 1A và nhiều tuyến giao thông nông thôn qua huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè (Tiền Giang), quốc lộ 30 (Đồng Tháp), quốc lộ 60 (huyện Châu Thành, Bến Tre)…, có rất nhiều xe tải bán gạo di động, điểm bán gạo ven đường. Chủ một điểm bán gạo (cũng là thương lái mua bán gạo) ven đường cho biết, từ đầu tháng 2-2025 đến nay, giá gạo xuất khẩu giảm mạnh nên doanh nghiệp và thương lái phải xuất kho bán lẻ, nhiều trường hợp chấp nhận bán tháo với giá rẻ nhằm… cắt lỗ.
Thương lái thu mua lúa tại vùng Đồng Tháp Mười (Long An). Ảnh: NGỌC PHÚC
Chị Nguyễn Thị Lan, một thương lái ở huyện Cai Lậy, cho biết, gần một tháng nay, xe gạo của chị đã bán hơn 400 tấn. Số gạo này được chị mua lúa của nông dân và xay xát trước tết với kế hoạch ban đầu là bán cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, từ sau tết, giá gạo giảm mạnh, thương lái thu mua nhỏ giọt, nhiều trường hợp “bỏ cọc”, do đó chị phải bán tháo với giá thấp để giảm thiệt hại. “Giá mỗi ký gạo bán ra khoảng 12.000-15.000 đồng (tùy loại), thấp hơn 4.000-8.000 đồng/kg so với giá tại các chợ”, chị Lan cho hay.
Tương tự, gần đây, tại xã Tân Nghĩa (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp), rất đông người dân đến mua gạo giá rẻ tại các “xe tải bán gạo” ven đường. Bà Thanh, một người dân mua gạo cho hay: “Gạo thơm 750.000 đồng/bao (50kg), rẻ hơn gần gấp đôi so với giá trong chợ, đại lý, nên tôi và nhiều người đến mua về tích trữ, ăn dần”.
Do giá gạo giảm nên giá lúa cũng rớt theo. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, giá lúa thường tại ruộng ở khu vực ĐBSCL hiện chỉ còn khoảng 5.400 đồng/kg, lúa thơm khoảng 7.000-8.500 đồng/kg. Tại kho, giá lúa thơm giảm xuống còn 8.000-9.500 đồng/kg, thấp hơn 40%-50% so với năm ngoái. Riêng tại Đồng Tháp, giá lúa đông xuân “lao dốc” còn khoảng 5.000-5.100 đồng/kg đối với lúa IR50404; 6.500-6.800 đồng/kg đối với lúa Đài Thơm 8, OM18.
Anh Nguyễn Thế Hoàng (xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) than thở, vừa thu hoạch 1,5ha lúa OM18, bán cho thương lái với giá 6.600 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ hơn 2.000 đồng/kg. “Với mức giá này, trừ chi phí sản xuất, thuê ruộng, tôi huề vốn, thậm chí nhiều hộ nông dân bị lỗ do sắm thêm vật tư”, anh Hoàng nói.
Ngày 18-2, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (Vietfood) thông tin, hiện mỗi ký lúa thường tại ruộng, giá bình quân ở mức 5.400 đồng/kg, lúa thơm 7.000-8.500 đồng/kg. Tại kho, giá lúa thơm giảm xuống còn 8.000-9.500 đồng/kg, thấp hơn 40%-50% so với năm 2024. Bộ NN-PTNT cho biết, đã giảm diện tích gieo cấy lúa xuống mức 7 triệu ha trên cả nước (giảm 132.000ha), sản lượng ước giảm 323.000 tấn so với cùng kỳ năm 2024.
Trước tình hình nguồn cung dư thừa trong khi xuất khẩu chậm lại, Bộ NN-PTNT đã đề xuất Bộ Công thương thực hiện nhiều biện pháp để ứng phó. Theo báo cáo cân đối cung cầu lúa gạo hàng hóa phục vụ điều hành xuất khẩu gạo của Bộ NN-PTNT gửi Bộ Công thương, Việt Nam dự kiến có hơn 7,5 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu trong năm nay. Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 1-2025, xuất khẩu gạo sang Indonesia chỉ đạt 651 tấn, thu về khoảng 0,35 triệu USD, giảm 98% so với tháng cùng kỳ năm 2024.
ĐỨC TRUNG
Đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh
Thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến ngày 17-2, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ở mức thấp dưới 400 USD/tấn. Cụ thể, gạo 5% tấm đang được chào bán với giá 395 USD/tấn, gạo 25% tấm có giá 372 USD/tấn, gạo 100% tấm được giao dịch ở mức 310 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan đều cao hơn đáng kể. Gạo 5% tấm của Thái Lan có giá 418 USD/tấn, gạo 25% tấm đạt 397 USD/tấn. Gạo 5% tấm của Ấn Độ ở mức 413 USD/tấn, trong khi Pakistan chào bán với giá 402 USD/tấn. Như vậy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện thấp nhất trong nhóm 4 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Thương lái bán gạo dạo bằng xe tải tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: THÀNH NHƠN
Lý giải giá lúa gạo giảm, ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, cho biết, thời gian qua, Ấn Độ đã bãi bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, vì vậy lượng gạo dồi dào đang tạo ra sức ép giảm giá trên thị trường. Lượng gạo dự trữ cao cho phép Ấn Độ tăng cường xuất khẩu mà không làm ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước. Bên cạnh đó, một trong những thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Philippines cũng đã tạm ngừng nhập khẩu gạo. Philippines và các nước như Pakistan, Ấn Độ hợp tác cũng góp phần gây áp lực lên hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta.
Một thông tin khác trong năm 2025 là Indonesia sẽ không nhập khẩu một số sản phẩm nông sản, bao gồm gạo. Theo ông Lưu Văn Phi, hoạt động nhập khẩu của thị trường các nước có sự thay đổi lớn đã khiến đơn hàng xuất khẩu gạo của doanh nghiệp Việt Nam giảm mạnh, giá lúa gạo cũng trượt xuống mức thấp.
Trước thực tế trên, để tránh tình trạng dư cung, rớt giá khi lúa đông xuân được thu hoạch rộ, Bộ NN-PTNT vừa có văn bản đề nghị Bộ Công thương đẩy mạnh xuất khẩu vào các tháng có sản lượng thu hoạch lớn như tháng 2, 3, 4, 7, 8 và 9 nhằm ứng phó với diễn biến thị trường. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương sẽ cùng tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu để đảm bảo lượng gạo hàng hóa được tiêu thụ hết, cân bằng lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp, tránh tình trạng tồn kho, đồng thời giúp nâng cao giá trị cho chuỗi sản xuất lúa gạo.
Bộ NN-PTNT cũng đề xuất siết chặt quản lý hệ thống thương lái thu mua lúa theo hướng phải chuyên nghiệp, có đăng ký kinh doanh. Thương lái sẽ phải ký hợp đồng với nông dân dựa trên các hợp đồng ký với doanh nghiệp xuất khẩu về chủng loại giống, chất lượng lúa. Nếu thực hiện, hệ thống thương lái sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ tương tự như doanh nghiệp.
- Ông TRẦN THANH HẢI, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương):
Hỗ trợ vốn và hoàn thuế cho doanh nghiệp
Năm 2024, gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt mức giá rất tốt. Tuy nhiên, bước sang năm 2025, việc Ấn Độ mở lại thị trường xuất khẩu khiến nguồn cung gạo thế giới dồi dào hơn, kéo theo giá gạo toàn cầu giảm. Dù vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đã xây dựng được sản phẩm gạo chất lượng cao. Điều quan trọng hiện nay là cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu.
Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Đặc biệt, các ngân hàng cần tạo điều kiện về vốn để doanh nghiệp có thể thu mua và dự trữ gạo. Ngành thuế cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế xuất khẩu, giúp doanh nghiệp kịp thời xoay vòng vốn. Song song đó, Bộ Công thương sẽ tiếp tục tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.
- Ông LÊ THANH TÙNG, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam:
Nâng chất lượng, cải thiện chuỗi liên kết sản xuất
Muốn xuất khẩu ổn định, giá lúa trong nước ổn định, bắt buộc những mặt hàng gạo của chúng ta phải có chất lượng ổn định. Đầu tiên, chúng ta phải cải tạo được giống. Bộ giống lúa của Việt Nam hiện nay là một bộ giống mà các quốc gia xuất khẩu gạo phải cùng tham khảo với Việt Nam mới có thể cải thiện được.
Vấn đề thứ hai, để duy trì và đảm bảo lợi nhuận cho nông dân trồng lúa thì giá thành sản xuất phải được kéo giảm. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận giá thành sản xuất của nông dân Việt Nam còn cao hơn một số quốc gia.
Thời gian qua, tại ĐBSCL đã xảy ra trường hợp nông dân sản xuất thì lỗ nhưng các doanh nghiệp thì lời. Ngược lại, có những lúc doanh nghiệp lỗ nhưng nông dân lại có lãi. Đây là chuỗi liên kết lúa gạo không ổn định. Để cải thiện chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo, Bộ NN-PTNT đang tập trung quyết liệt thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Mục tiêu là gia tăng lợi nhuận bền vững và chia sẻ rủi ro trong chuỗi sản xuất lúa gạo. Cụ thể hơn là sắp xếp lại tổ chức chuỗi ngành hàng lúa gạo với rủi ro thấp nhất.
NGỌC PHÚC - VĂN PHÚC - CAO PHONG - THÀNH NHƠN