Lạc Dương hướng đến phát triển hoa hồng thành cây trồng chủ lực

Lạc Dương hướng đến phát triển hoa hồng thành cây trồng chủ lực
một ngày trướcBài gốc
Huyện Lạc Dương hướng đến phát triển cây hoa hồng trở thành loại cây chủ lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương
XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU "HOA HỒNG LANG BIANG"
Là địa phương có thế mạnh nông nghiệp, huyện Lạc Dương xác định phát triển bền vững cây trồng chủ lực góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống người nông dân. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho nhiều loại cây trồng như: Cà phê Arabica, hoa hồng, hoa cúc, dâu tây, rau các loại…; trong đó, cây hoa hồng được coi là cây mang lợi nhuận kinh tế khá cao và tương đối ổn định của người nông dân.
Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương, hiện nay toàn huyện có 792,2 ha diện tích trồng hoa hồng, trong đó tập trung nhiều nhất tại thị trấn Lạc Dương với 722 ha, các xã còn lại đều có mặt loại hoa này với diện tích từ 0,4 - 40 ha. Hoa hồng được trồng ở Lạc Dương hiện có hơn 50 giống với tên gọi, màu sắc khác nhau, chủ yếu phân ra làm 3 loại từ giống hoa nhỏ, giống hoa trung bình đến giống hoa to, mà người trồng hoa nơi đây thường gọi là giống nội (giống cũ) và giống ngoại (giống mới). Với mật độ trồng trung bình 100.000 cây/ha, thời gian thu hoạch cứ 2 ngày cắt cành/lần, sản lượng hoa hồng trên địa bàn ước khoảng 1,2 tỷ cành/ha/năm. Tổng doanh thu 1 ha trồng hoa hồng ước đạt 1,8 - 2 tỷ đồng/năm.
Hiện nay, người dân sản xuất hoa hồng trên địa bàn huyện Lạc Dương phần lớn bán trực tiếp cho các vựa thu mua hoa hồng theo hình thức hợp đồng cố định hoặc bán tự do. Toàn huyện hiện có 59 vựa thu mua hoa hồng. Bên cạnh đó, một số hộ có điệu kiện, cơ sở như kho lạnh, xe lạnh chuyên chở hoa… thì tự sản xuất và đóng gói phân phối sản phẩm trực tiếp đến thị trường hay các chợ đầu mối… Đối với thị trường tiêu thụ cũng rất phong phú, từ Bắc tới Nam như: Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ, Vũng Tàu… Về chất lượng, hoa hồng Lạc Dương được sự phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng như: Mẫu mã, màu sắc đẹp, bông hoa cứng chắc, thời gian cắm hoa để được lâu…
Tuy nhiên, hoa hồng ở Lạc Dương hiện nay một số chủng loại giống cũ đã bị thoái hóa dẫn đến sản lượng thấp, màu sắc và độ bền kém. Nhiều nhà vườn đã phá bỏ diện tích giống cũ để trồng các giống mới, trong đó nhiều giống nhập nội mới chưa thuần hóa, nhiễm sâu bệnh nhiều. Công tác chọn lọc, nhân giống phát triển hầu hết tự phát trong Nhân dân. Cùng với đó, giá cả sản phẩm hoa hồng chưa thật sự ổn định. Mặt khác, công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, thu hút chế biến hoa hồng thành các sản phẩm khác chưa được chú trọng…
Trước những yêu cầu đòi hỏi của thị trường về chất lượng sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ, cũng như khẳng định vị trí, thương hiệu độc quyền mang đặc trưng riêng của huyện Lạc Dương, huyện đã xây dựng thương hiệu “Hoa hồng Lang Biang” cho sản phẩm hoa hồng. Thông qua việc bảo hộ cho sản phẩm, không những bảo vệ được uy tín đối với hoa hồng Lạc Dương mà còn góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp đối với nhãn hiệu, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Đồng thời qua đó tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao uy tín và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hoa hồng của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Hoa hồng Lang Biang” trên địa bàn huyện.
ĐỂ HOA HỒNG TRỞ THÀNH CÂY TRỒNG CHỦ LỰC
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương, để cây hoa hồng phát triển trở thành loại cây trồng chủ lực của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người nông dân, trước hết cần cải tạo giống và thâm canh, ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, lựa chọn các loại giống hoa hồng có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên và trình độ canh tác của người dân, phục vụ công tác chuyển đổi giống cây trồng trên địa bàn giai đoạn 2025 - 2030; hoàn thiện quy trình thâm canh, phù hợp với từng điều kiện cụ thể, xây dựng mô hình và tập huấn chuyển giao cho người sản xuất.
Đồng thời, tăng cường và đổi mới công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, kết hợp xây dựng mô hình trình diễn quy trình trồng, chăm sóc theo quy trình tiên tiến, áp dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất. Tập trung công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, trong đó chú trọng nghề trồng, chăm sóc, ghép hoa hồng cho lao động nhằm nâng cao kiến thức và tay nghề của người lao động.
Bên cạnh đó, hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã làm dịch vụ đầu vào, đầu ra cho nông dân; hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và kinh doanh; tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp chủ động thu mua, tham gia điều tiết cung cầu trên thị trường, đảm bảo lợi ích của người sản xuất và kinh doanh sản phẩm hoa hồng Lạc Dương. Thu hút các dự án chế biến các sản phẩm từ hoa hồng như: nước hoa hồng, trà hoa hồng, các mỹ phẩm từ hoa hồng… Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm, hội thảo về sản phẩm “Hoa hồng Lang Biang” để các doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu có thể bán hàng trực tiếp với các khách hàng quốc tế, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đặc biệt, để quản lý và sử dụng thương hiệu “Hoa hồng Lang Biang”, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp UBND các xã, thị trấn tổ chức quản lý, hướng dẫn các hộ trồng hoa, các tổ chức kinh tế tập thể, các trang trại sản xuất, các vựa kinh doanh sản phẩm hoa hồng sử dụng thương hiệu “Hoa hồng Lang Biang” trong quá trình tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, gắn việc tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng nhằm đảm bảo uy tín, chất lượng của hoa hồng Lạc Dương.
TUẤN HƯƠNG
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/kinh-te/202502/lac-duong-huong-den-phat-trien-hoa-hong-thanh-cay-trong-chu-luc-2545393/