Giá gạo Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất châu Á

Giá gạo Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất châu Á
5 giờ trướcBài gốc
Giá gạo Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm
Cập nhật mới nhất từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hôm 7/2, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm xuất khẩu của nước ta giảm còn 399 USD/tấn. Theo đó, gạo Việt đang có giá rẻ nhất châu Á khi thấp hơn hàng cùng loại của Thái Lan tới 32 USD/tấn, thấp hơn hàng Ấn Độ 14 USD/tấn và Pakistan 5 USD/tấn.
Điều này rất hiếm khi xảy ra, bởi trên thị trường thế giới, gạo Việt có cùng phân khúc và chất lượng với gạo Thái Lan. Mặt hàng này của nước ta chủ yếu cạnh tranh với hàng Thái, còn giá luôn cao hơn hàng Ấn Độ và Pakistan.
Giá gạo Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất châu Á (Ảnh minh họa).
Đáng chú ý, với mức 399 USD/tấn, giá gạo Việt thấp hơn cả mốc 533 USD/tấn ghi nhận vào ngày 19/7/2023 (thời điểm trước khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo).
Còn so với giá đỉnh 663 USD/tấn hồi cuối tháng 11/2023, giá gạo 5% tấm xuất khẩu đã giảm 264 USD/tấn, tương đương mức giảm 39,8%.
Đây cũng là mức giá thấp nhất kể từ năm 2023 tới nay. Không chỉ vậy, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam còn thấp hơn cả giá gạo 25% tấm của Thái Lan (410 USD/tấn).
Tương tự, gạo 25% tấm xuất khẩu của nước ta cũng giảm chỉ còn 371 USD/tấn. Trong khi đó, mặt hàng cùng loại của Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan có giá lần lượt là 410 USD/tấn, 394 USD/tấn và 377 USD/tấn.
Lý giải về nguyên nhân giá gạo Việt xuất khẩu lao dốc, lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết do áp lực nguồn cung tăng khi Ấn Độ mở cửa xuất khẩu trở lại. Do đó, trên thị trường thế giới không còn tình trạng các nhà nhập khẩu phải tranh mua như thời điểm nửa cuối năm 2023 và nửa đầu 2024.
Bên cạnh đó, các khách hàng truyền thống của gạo Việt đều có kế hoạch giảm nhập khẩu trong năm nay. Điều này cũng tác động mạnh đến giá gạo của nước ta.
Thị trường nông sản Mỹ
Giá đậu tương và ngô kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đã tăng vọt trong phiên giao dịch 10/1 sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng của Mỹ thấp hơn dự kiến do mùa vụ không thuận lợi vì yếu tố thời tiết.
Báo cáo cung và cầu tháng 1/2025 của Chính phủ Mỹ cho thấy nguồn cung ngô và đậu tương thắt chặt, đẩy giá lên mức cao nhất trong nhiều tháng.
Giá đậu tương kỳ hạn trên sàn CBOT đã tăng 26,25 xu lên 10,25 USD/bushel, đạt mức cao nhất kể từ ngày 11/11. Giá ngô tăng 14,50 xu lên 4,70 USD/bushel sau khi đạt đỉnh cao nhất kể từ ngày 15/5. Tuy nhiên, giá lúa mì trên sàn CBOT giảm 3,25 xu xuống 5,30 USD/bushel khi USDA ước tính diện tích trồng lúa mì vụ Đông cao hơn so với kỳ vọng của thị trường (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Bộ Nông nghiệp Mỹ báo cáo sản lượng đậu tương đạt 4,366 tỷ bushel, thấp hơn so với dự báo của các nhà phân tích là 4,453 tỷ bushel. Cơ quan này cũng đã cắt giảm dự báo tồn kho cuối vụ xuống 380 triệu bushel, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường là 457 triệu bushel.
Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính sản lượng ngô đạt 14,867 tỷ bushel, cũng thấp hơn so với dự báo của các nhà phân tích là 15,095 tỷ bushel, với tồn kho cuối vụ ở mức 1,54 tỷ bushel, thấp hơn kỳ vọng là 1,675 tỷ bushel.
Giá nông sản tăng sẽ giúp ích cho nông dân đang phải đối mặt với nguồn cung đậu tương toàn cầu ở mức cao kỷ lục do vụ mùa bội thu ở Brazil. Các cảnh báo thuế quan từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, có thể dẫn tới phản ứng mạnh mẽ từ các nhà nhập khẩu.
Giá ngô và đậu tương tăng vọt diễn ra khi giá dầu đậu tương kỳ hạn tại Chicago tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong bảy tuần do kỳ vọng chính phủ sắp mãn nhiệm của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đưa ra hướng dẫn ngắn hạn về các khoản tín dụng thuế nhiên liệu sạch, có thể thúc đẩy nhu cầu dầu đậu tương trong nước.
PV (t/h)
Nguồn TCDN : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/gia-gao-viet-nam-giam-xuong-muc-thap-nhat-chau-a-d55718.html