Giá gạo xuất khẩu giảm nhẹ, thị trường chờ nguồn cung mới

Giá gạo xuất khẩu giảm nhẹ, thị trường chờ nguồn cung mới
13 giờ trướcBài gốc
Trong tuần qua, thị trường lúa gạo nội địa tại Đồng bằng sông Cửu Long tương đối ổn định, nhưng giao dịch xuất khẩu vẫn khá trầm lắng. Nhu cầu yếu từ các đối tác nhập khẩu, cùng với áp lực cạnh tranh từ Ấn Độ và Thái Lan, đang khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm nhẹ.
Ảnh minh họa.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 377 USD/tấn, giảm so với 382 USD/tấn của tuần trước. Một số doanh nghiệp cho biết nhu cầu từ các thị trường truyền thống như Philippines và châu Phi vẫn ổn định, nhưng sức mua chung chưa có dấu hiệu bứt phá, khi người mua có xu hướng trì hoãn đàm phán để chờ giá giảm sâu hơn trong thời gian tới.
Trên thị trường nội địa, giá lúa IR 50404 khô tại Cần Thơ hiện dao động quanh mức 7.900 đồng/kg, trong khi tại Vĩnh Long và Đồng Tháp là 6.600 đồng/kg. Các giống OM 18, IR 5451, Jasmine gần như không biến động. Riêng lúa ST25 vẫn giữ mức cao khoảng 9.500 đồng/kg tại Cần Thơ.
Tại An Giang, giá thu mua lúa tươi hiện dao động từ 5.700 – 6.200 đồng/kg tùy giống. Trên thị trường bán lẻ, giá gạo cũng giữ ổn định trong khoảng 14.500 – 22.000 đồng/kg, tùy chất lượng và loại gạo.
Với gạo nguyên liệu IR 50404, giá hiện khoảng 7.600 – 7.700 đồng/kg; trong khi gạo thành phẩm từ giống này đạt 9.500 – 9.700 đồng/kg. Giá OM 380 thành phẩm khoảng 8.800 – 9.000 đồng/kg. Cám khô và phụ phẩm giữ mức 7.000 – 9.000 đồng/kg.
Cùng với Việt Nam, các quốc gia cung cấp lớn như Ấn Độ và Thái Lan cũng ghi nhận xu hướng giảm giá do lượng tồn kho cao và nhu cầu yếu. Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức 377–382 USD/tấn – mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022. Gạo trắng 5% tấm của nước này cũng đang dao động 373–378 USD/tấn.
Một số nhà xuất khẩu tại Ấn Độ nhận định, các nhà nhập khẩu đang có lợi thế trong đàm phán giá, do nguồn cung từ các quốc gia sản xuất đồng loạt tăng. Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giữ ở mức 380–385 USD/tấn, song xu hướng tăng biên độ do chi phí sản xuất nội địa leo thang.
Đáng chú ý, Bangladesh mới đây thông báo kế hoạch nhập khẩu 400.000 tấn gạo để đảm bảo an ninh lương thực trước mùa lũ. Động thái này có thể phần nào tác động đến tâm lý thị trường khu vực trong thời gian tới.
Trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã gieo sạ 1,47 triệu ha lúa Hè Thu 2025, trong đó khoảng 467.000 ha đã thu hoạch, năng suất đạt trung bình 61,7 tạ/ha, sản lượng ước gần 2,9 triệu tấn. Vụ Thu Đông cũng đã xuống giống 302.000 ha, đạt 46% kế hoạch năm.
Thị trường gạo toàn cầu đang trong giai đoạn "nghẽn thanh khoản" khi cung tăng nhanh hơn cầu, khiến giá bán có xu hướng giảm nhẹ. Trong bối cảnh đó, việc giữ vững chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm và chủ động mở rộng thị trường mới sẽ là chìa khóa để ngành gạo Việt Nam duy trì đà tăng trưởng cuối năm.
Các chuyên gia cho rằng, giai đoạn từ nay đến tháng 9 sẽ mang tính bản lề cho xuất khẩu gạo Việt Nam khi nguồn cung trong nước dồi dào, trong khi người mua quốc tế vẫn "nghe ngóng" thị trường.
BN
Nguồn Kinh tế Môi trường : https://kinhtemoitruong.vn/gia-gao-xuat-khau-giam-nhe-thi-truong-cho-nguon-cung-moi-100519.html