Giá khí đốt châu Âu nhảy vọt khi Nga ngừng cung cấp khí đốt qua Ukraine

Giá khí đốt châu Âu nhảy vọt khi Nga ngừng cung cấp khí đốt qua Ukraine
3 ngày trướcBài gốc
Theo dữ liệu từ sàn giao dịch ICE London, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng vọt lên 536 USD/1.000 mét khối trong phiên giao dịch ngày 31/12, ghi nhận mức cao nhất kể từ ngày 27/11/2023.
Giá khí đốt tăng mạnh trong phiên ngày 31/12. pravda.com
Giá khí đốt giao tháng 2 tại trung tâm TTF của Hà Lan nhảy vọt lên 536 USD/1.000 mét khối (50 euro cho mỗi MWh). Nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga tới châu Âu qua đường ống quá cảnh ở Ukraine kết thúc vào đầu năm mới 2025 khi hợp đồng ký trước khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hết hạn vào ngày 31/12/2024.
Dữ liệu từ nhà điều hành vận chuyển khí đốt của Ukraine ngày 31/12 cho thấy Nga chưa đăng ký bất kỳ lượng khí đốt nào cho ngày 1/1/2025 qua đường ống dẫn khí quá cảnh qua lãnh thổ Ukraine.
Nhà điều hành cho biết Moscow đã bắt đầu giảm lưu lượng khí đốt qua đường ống chỉ vài giờ trước khi hợp đồng ký vào tháng 12/2019 giữa tập đoàn năng lượng Nga Gazprom và tập đoàn Naftogaz của Ukraine hết hạn.
Đường ống này vận chuyển khí đốt từ Siberia tới thị trấn Sudzha của Nga, hiện nằm dưới sự kiểm soát của các binh sĩ Ukraine ở khu vực Kursk. Sau đó, khí đốt chảy qua Ukraine tới Slovakia, nơi đường ống thời Liên Xô tách ra thành các nhánh dẫn tới Cộng hòa Czech và Áo.
Theo dữ liệu của Nga, tính đến 05:22 giờ Moscow (02:22 chiều theo giờ GMT), các yêu cầu vận chuyển khí đốt qua trạm đo khí đốt Sudzha ở khu vực Kursk vào ngày 1/1/2025 đã giảm xuống còn 0 so với ngày trước đó.
Ngoài ra, Moscow không nhận được các yêu cầu vận chuyển khí đốt từ Ukraine đến Slovakia và Moldova. Điều đó có nghĩa là cả nhà cung cấp khí đốt Gazprom của Nga và các khách hàng (các công ty và thương nhân châu Âu) đều không ra lệnh bơm khí đốt qua lãnh thổ Ukraine trong ngày đầu tiên của năm 2025.
Nga từng cung cấp gần một nửa lượng khí đốt tự nhiên của Liên minh châu Âu (EU), nhưng EU đã giảm mạnh sự phụ thuộc vào nguồn cung này sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022.
Tính đến đầu tháng 12 năm 2024, EU nhận được chưa đến 14 tỷ mét khối (bcm) khí đốt từ Nga qua Ukraine, giảm so với mức kỷ lục 65 bcm/năm thiết lập trong năm 2020.
Quốc gia châu Âu nào bị ảnh hưởng nhiều nhất?
Moldova là một trong những quốc gia châu Âu chịu tác động nghiêm trọng nhất khi thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga-Ukraine không được gia hạn. Giới chức Moldova cho biết, nước này cần phải đưa ra các biện pháp để giảm khoảng 1/3 nhu cầu khí đốt.
Châu Âu đã tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế, bao gồm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và Qatar, cũng như khí đốt dẫn qua đường ống từ Na Uy.
Các khách hàng còn lại của dòng khí đốt Nga chảy qua lãnh thổ Ukraine, bao gồm Slovakia và Áo, đã sắp xếp nguồn cung thay thế và các nhà phân tích dự đoán việc ngừng cung cấp này sẽ tác động không đáng kể tới thị trường.
Theo Bộ Năng lượng Áo, nuồn cung khí đốt tự nhiên cho người tiêu dùng được đảm bảo nhờ các hợp đồng mua khí đốt từ Italia và Đức, cùng với việc lấp đầy kho dự trữ.
Bộ Kinh tế Slovakia tuyên bố, nước này cũng sẽ không đối mặt với nguy cơ thiếu hụt, nhưng sẽ phải chịu thêm chi phí 177 triệu euro (184 triệu USD) cho các tuyến đường ống thay thế.
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC), bà Anna-Kaisa Itkonen, cho biết EU đã chuẩn bị cho việc chấm dứt hợp đồng này bằng các biện pháp nâng cao hiệu quả năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và xây dựng hệ thống khí đốt linh hoạt.
“Hạ tầng khí đốt châu Âu đủ linh hoạt để cung cấp khí đốt không phải của Nga tới Trung và Đông Âu qua các tuyến đường ống thay thế. Từ năm 2022, năng lực nhập khẩu LNG mới đã được tăng cường đáng kể”, bà Itkonen nói.
Tuy nhiên, hậu quả của việc ngừng hoạt động trung chuyển khí đốt đối với Ukraine bao gồm việc mất đi khoảng 800 triệu USD mỗi năm từ phí vận chuyển, trong khi Gazprom sẽ mất gần 5 tỷ USD doanh thu từ việc bán khí đốt cho châu Âu.
Hầu hết các tuyến khí đốt của Nga tới châu Âu hiện đã bị đóng, bao gồm Yamal-Europe qua Belarus và các đường ống Nord Stream dưới biển Baltic, vốn bị phá hủy vào năm 2022.
Hungary và một số quốc gia khác vẫn tiếp tục nhận khí đốt Nga từ phía Nam qua đường ống TurkStream dưới đáy Biển Đen.
Nguyễn Thu
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/gia-khi-dot-chau-au-nhay-vot-khi-nga-ngung-cung-cap-khi-dot-qua-ukraine.html