Gia Lai: Độc đáo lễ cúng cầu mưa trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang

Gia Lai: Độc đáo lễ cúng cầu mưa trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang
3 ngày trướcBài gốc
Như đã trở thành thông lệ, hàng năm UBND huyện Phú Thiện (Gia Lai) lại rộn ràng tổ chức lễ cúng cầu mưa Yang Pơtao Apui trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang tại khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện)
Nghi lễ cúng cầu mưa thường diễn ra vào giai đoạn cao điểm của mùa khô, thời điểm thường xảy ra hạn hán gay gắt, khốc liệt với mong muốn quanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bà con có cuộc sống ấm no, hạnh phúc
Năm 2025, nghi lễ cúng cầu mưa được tổ chức sớm hơn 1 tháng so với mọi năm. Chủ trì nghi lễ cúng là ông Siu Phơ (phụ tá đời Vua Lửa thứ 14) cùng hội đồng già làng, nghệ nhân phụ trợ
Nghi lễ được diễn ra một cách trang nghiêm, dưới sự chứng kiến của cả làng. Vật phẩm cúng tế trong buổi lễ là một con heo đực đen không có đốm trắng, 3 ché rượu Jơbô. Những vật dụng được dùng trong lễ cúng gồm có tô đồng, 5 tô sứ trắng, 5 cần rượu bằng tre, sáp ong se thành từng cây nến, gạo nếp đẹp, thịt cắt khúc bày sẵn…
Khi đã dâng lễ vật đầy đủ và thời gian đã điểm, ông Rah Lan Hieo - phụ tá đời Vua Lửa thứ 14 vừa khấn, vừa lấy gạo trong tô vãi ra chiếu cúng để mời thần Núi, thần Sông, thần Gỗ, thần Đá cùng về dự lễ hội.
Dưới gốc cây thần linh (Phun Kyao Yang), thầy cúng cầu xin thần linh, trời đất cho mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, cây cối tốt tươi, sinh tồn thuận hòa với tự nhiên; các vị thần giúp cho con người làm chủ cuộc sống, dân làng đoàn kết, khỏe mạnh, chiến thắng mọi thiên tai địch họa, giữ buôn làng ấm no
Ông Siu Phơ-phụ tá của ông Rah Lan Hieo rót rượu thịt vào một cái tô đồng đến đổ vào mộ của các Pơtao Apui (vua lửa) đã chết, nói nguyên nhân thực hiện nghi lễ và cầu xin các vị vua lửa đã chết phù hộ cho những lời khấn cầu trên thành hiện thực và trời sẽ đem mưa đến
Lễ cúng cầu mưa, từ lâu không chỉ là lễ nghi nông nghiệp đơn thuần mà đã trở thành một phong tục, một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng độc đáo
Lồng ghép với lễ cầu mưa, UBND huyện Phú Thiện còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa và thể thao đặc sắc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Phú Thiện như: Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số huyện lần thứ XIV năm 2023, diễn tấu cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm, trò chơi dân gian…thu hút 300 nghệ nhân của 10 xã, thị trấn tham gia
Trong khuôn khổ lễ hội còn có phiên chợ nông sản giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản vật địa phương, quà lưu niệm phục vụ nhu cầu mua sắm, tham quan, ăn uống của du khách
Nhiều gian hàng được bày trí bắt mắt tại khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Plei Ơi
Ngoài lễ cúng cầu mưa ở xã Ayun Hạ, một số xã cũng tổ chức các hoạt động văn hóa đặc sắc như lễ rước nước. Đây nghi lễ này đặc trưng trong văn hóa Jrai, tạo nên các điểm kết nối di sản, làm phong phú thêm trải nghiệm cho du khách khi đến với vùng đất Vua Lửa
Ông Nguyễn Ngọc Ngô-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cho biết: “Lễ cúng cầu mưa ngoài mục đích bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa đặc trưng, góp phần tạo chuyển biến tích cực cho lĩnh vực du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Lồng ghép trong lễ cúng còn có rất nhiều hoạt động như hội thao, phiên chợ nông sản, lễ cúng bến nước…
Qua sự kiện này, huyện mong muốn quảng bá hình ảnh, con người, giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch, đẩy mạnh thu hút đầu tư hợp tác, liên kết giữa huyện với các địa phương trong và ngoài tỉnh. Từ đó nhằm tạo tiền đề xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện, trọng tâm là bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui huyện Phú Thiện cũng như các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc”.
Trần Hiền
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/gia-lai-doc-dao-le-cung-cau-mua-tren-dinh-nui-than-chu-tao-yang-post340427.html