Chiêu trò xảo trá
Thời gian gần đây, các phần tử phản động, cơ hội chính trị lợi dụng mạng xã hội, Internet, trang website của bọn phản động,... cố tình tung ra những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ về ý nghĩa ngày Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Chúng suy diễn, rêu rao rằng “ý nghĩa ngày Quốc giỗ” chỉ là câu chuyện có tính truyền thuyết, hư cấu, lệch lạc; hướng lái dư luận một cách tiêu cực, lộng ngôn vênh váo rằng, Giỗ Tổ là “không cần thiết” nên không phải tổ chức lễ giỗ trọng thể, tập trung đông người để mọi người ở các vùng, miền xa xôi cả trong và ngoài nước lũ lượt kéo về trước, trong và sau ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm một cách rình rang, rầm rộ,... gây lãng phí, tiêu tốn tiền bạc, công sức, tinh thần, trong khi không dành thời gian để tập trung đầu tư làm ăn, lao động, sản xuất, kinh doanh.
Thậm chí, chúng còn ngụy biện, xảo ngữ, đánh tráo bản chất sự việc rằng, Quốc Giỗ Hùng Vương chỉ là lễ, phong tục có ý nghĩa của người miền Bắc Việt Nam, chứ người dân các vùng, miền khác Trung - Nam “không ai quan tâm”. Chúng vu cáo, chế giễu là xu thế hiện nay trong cuộc cách mạng hội nhập quốc tế, Cách mạng 4.0, Đảng chủ trương thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh,... mà lại hướng về tâm linh “không cần thiết” nhằm xuyên tạc, bóp méo chủ trương nhân văn, đúng đắn của Đảng ta, gây chia rẽ nội bộ, mất niềm tin của Nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.
Các phần tử xấu còn dùng chiêu trò bẩn là cắt ghép những hình ảnh, nhào nặn và dàn dựng video xuyên tạc người dân ăn mặc rách rưới, mang theo con nhỏ nheo nhóc, lem luốc xin tiền và đồ ăn,... phát tán lên mạng xã hội vừa gây ra cảnh quan bát nháo, hình ảnh không tốt đẹp, trái với phong tục truyền thống của dân tộc, vừa bôi nhọ, bịa đặt dưới chiêu bài “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”,... nhằm rêu rao, kích động dư luận, bạn bè quốc tế có cái nhìn không thân thiện với Đảng, Nhà nước, cản trở ngoại giao, đầu tư của các quốc gia đến Việt Nam.
Phản bác các luận điệu vu cáo
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành bản sắc, biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, được minh chứng qua các chứng cứ sử học, khảo cổ học, dân tộc học,... kết hợp nhiều nguồn tư liệu khác để trở thành nhận thức và tâm thức liên quan cội nguồn lịch sử lâu dài của người Việt. Điều này thể hiện sự gắn bó, điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng, khẳng định dân tộc ta có chung một cội nguồn, cả nước cùng tôn thờ một vị Vua Tổ. Thờ cúng Hùng Vương không phân biệt dòng họ, vùng, miền, dân tộc, mang giá trị tinh thần sâu đậm về tình cảm, lòng tự tôn và tự hào dân tộc và khắc sâu giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam.
Có lẽ trên thế giới không có ở đâu mà cả nước cùng chung giỗ tổ tiên trong một ngày như ở Việt Nam. Dù ở trong hay ngoài nước, mỗi người dân Việt Nam đều thực hiện nghi thức Giỗ Tổ Hùng Vương.
Việc hành hương về Đền Hùng chính là niềm mong mỏi, khát khao của nhiều thế hệ người dân Việt Nam; là cuộc hành hương trở về cội nguồn lịch sử, khơi dậy ý thức về dân tộc, mọi người dân Việt đều có chung cội nguồn và Quốc Tổ là các vua Hùng, đã hun đúc lòng tự hào và tạo nên tinh thần đoàn kết, giáo dục truyền thống yêu nước thương nòi, Con người có Tổ, có Tông, như cây có cội, như sông có nguồn. Vào ngày Quốc lễ này, vạn ngả đường đều hướng về một đường đất Tổ. Muôn trái tim Việt luôn hướng về một ngày Quốc Giỗ Hùng Vương: Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba.
Phải khẳng định, “ý nghĩa ngày Quốc giỗ” vua Hùng mang đậm tính dân tộc, nhân văn và nét đẹp văn hóa của đạo lý truyền thống dân tộc đã lan tỏa, thấm sâu vào người Việt Nam. Những con Lạc cháu Hồng đất Việt “rất quan tâm” với lòng tôn kính và biết ơn công lao của tổ tiên. Đây là những luận cứ đanh thép, sắc bén phản bác mọi luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo của các thế lực thù địch về Lễ Giổ Tổ.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Tăng cường hội nhập với phương châm “hòa nhập nhưng không hòa tan”; góp phần phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc; quảng bá hình ảnh, thể hiện tầm vóc đất nước trên trường quốc tế; đấu tranh hiệu quả trước các luận điệu xuyên tạc, sai trái của thế lực thù địch;…
Cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
Để tiếp tục khẳng định tính nhất quán chủ trương của Đảng ta về Giỗ Tổ Hùng Vương, “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, mạch nguồn tín ngưỡng của người dân Việt Nam, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân và kiều bào nước ngoài “Giỗ Tổ vua Hùng” đã được Đảng khẳng định là ngày lễ lớn trong năm, ngày hội chung của toàn dân nhằm thể hiện lòng thành kính, tri ân các vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân, giữ nước.
Thứ hai, khơi dậy dòng máu Lạc Hồng của người Việt, cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng gắn bó và luôn hướng về đất Tổ, đóng góp tích cực vào xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập của đất nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như bác bỏ những luận điệu xuyên tạc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.
Thứ ba, quảng bá ra thế giới về một di sản vô cùng giá trị, độc đáo đã tồn tại hàng ngàn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Thứ tư, tiếp tục khẳng định văn hóa là hồn cốt, sinh khí, sức mạnh của dân tộc; văn hóa còn thì dân tộc còn. Coi trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa của đông đảo người Việt, cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc; hướng con người tới chân - thiện - mỹ, luôn ước vọng, tôn thờ; truyền dạy cho thế hệ trẻ việc kết nối và thực hành di sản nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị to lớn, độc đáo và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hùng cường và thịnh vượng./.
Nguyễn Thanh Hoàng