Gia Lai sau sáp nhập, nhiều tiềm năng nhưng cũng nhiều thách thức

Gia Lai sau sáp nhập, nhiều tiềm năng nhưng cũng nhiều thách thức
4 giờ trướcBài gốc
Kỳ họp lịch sử thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng
Sáng 1/7, HĐND tỉnh Gia Lai tổ chức Kỳ họp thứ nhất, HDND tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tại kỳ họp, ông Trương Văn Đạt, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chỉ định nhân sự giữ chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch, Trưởng Ban của HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ông Rah Lan Chung được chỉ định giữ chức danh Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai.
HĐND tỉnh Gia Lai công bố quyết định của Thủ tướng về chỉ định nhân sự giữ chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ông Phạm Anh Tuấn được chỉ định giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai.
Nhân sự HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ngoài ra, HĐND tỉnh Gia Lai thông báo số lượng và danh sách đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII nhiệm kỳ 2021 - 2026 với 119 đại biểu.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Rah Lan Chung, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai khẳng định, đây là kỳ họp có ý nghĩa chính trị, pháp lý và thực tiễn đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong tiến trình xây dựng tỉnh Gia Lai trong kỷ nguyên mới, đưa Gia Lai phát triển nhanh và bền vững, vươn tầm khu vực và quốc gia.
ông Rah Lan Chung, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai phát biểu khai mạc kỳ họp.
Ông Rah Lan Chung cho biết, HĐND tỉnh sẽ tập trung cho công tác kiện toàn tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương và quyết định một số nội dung theo thẩm quyền.
Cụ thể, Thường trực HĐND tỉnh trình 5 dự thảo nghị quyết thành lập các Ban của HĐND tỉnh Gia Lai khóa 12, nhiệm kỳ 2021 - 2026; thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Gia Lai; kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2025 của HĐND tỉnh Gia Lai.
UBND tỉnh Gia Lai trình dự thảo Nghị quyết Thành lập các cơ quan chuyên môn và tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh Gia Lai.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trình dự thảo Nghị quyết xác nhận danh sách Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai mới.
Các nghị quyết nêu trên đã được các đại biểu biểu quyết thông qua.
Lợi thế đi cùng thách thức
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Quốc Dũng chia sẻ, tỉnh Gia Lai sau sáp nhập, sở hữu quy mô diện tích và dân số lớn, đồng thời hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế chiến lược để phát triển nhanh và bền vững.
Tỉnh Gia Lai còn có dư địa lớn về đất đai, tài nguyên thiên nhiên, năng lượng tái tạo và nguồn nhân lực trẻ, năng động; đồng thời sở hữu nền tảng nông - lâm nghiệp bền vững, công nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng hiện đại; tiềm năng du lịch - dịch vụ phong phú, đa dạng...
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Quốc Dũng chia sẻ về thuận lợi, thách thức của địa phương sau sáp nhập.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng lợi thế, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cho rằng, tỉnh đang đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức.
Đó là xuất phát điểm của nền kinh tế của tỉnh còn thấp. Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô nhỏ và chưa có doanh nghiệp đầu tàu, chưa có dự án lớn làm động lực dẫn dắt sự đột phá phát triển của tỉnh.
Sau khi nhập tỉnh thì quy mô nền kinh tế của Gia Lai là khoảng hơn 255.000 tỷ đồng, đứng thứ 18/34 tỉnh, thành. Nếu Gia Lai không khai thác được những tiềm năng thế mạnh, đặc biệt là tới đây không có những doanh nghiệp lớn, đầu tàu để thu hút, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh thì sẽ rất khó khăn.
Gia Lai có một vùng đất đai rất lớn, hiếm có. Một địa phương có diện tích 21.576 km2, đứng thứ hai cả nước; cả một vùng cao nguyên rộng lớn, cả một 134 km bờ biển; có cả một vùng đồng bằng rất là trù phú. Gia Lai có 2 sân bay, cũng là một điều hiếm có; có cảng biển, có đường sắt, có đường bộ...
“Gia Lai hội tụ đủ các điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Vấn đề còn lại là tỉnh phát huy được những tiềm năng, thế mạnh để phát triển bền vững, nhanh hơn và trở thành một cực tăng trưởng của khu vực”, ông Dũng đề cập.
Thách thức thứ hai là hạ tầng về kinh tế - xã hội, nhất là về mạng lưới giao thông, hạ tầng logistics mang tính liên kết vùng; hệ thống thủy lợi tưới tiêu cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh còn rất khó khăn…
Thứ ba nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong đó nguồn thu ngân sách của tỉnh Gia Lai còn hạn chế. Năm 2024, thu ngân sách của Bình Định khoảng hơn 17.000 tỷ đồng, Gia Lai hơn 6.000 tỷ đồng. Năm 2025, tỉnh Gia Lai cố gắng thu ngân sách đạt khoảng hơn 25.000 tỷ đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai lưu ý, so với một địa phương lớn, quy mô dân số cao so với cả nước, diện tích lớn thứ hai của cả nước, trong khi nguồn lực còn hạn chế thì phải cùng bàn bạc, phải suy nghĩ lớn, làm lớn, làm những việc có lợi cho sự phát triển của quê hương.
Ngoài những thách thức nêu trên, Bí thư Hồ Quốc Dũng còn đề cập đến một số khó khăn đó là thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; hệ thống quy hoạch của tỉnh chưa đồng bộ, có nguy cơ chồng chéo về tiềm năng và dư địa..., đặt ra bài toán tới đây cần có 1 quy hoạch tổng thể cho phát triển bền vững.
Nguyễn Toàn
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/gia-lai-sau-sap-nhap-nhieu-tiem-nang-nhung-cung-nhieu-thach-thuc-d318454.html