Những mô hình này không chỉ giúp trẻ em yếu thế được phát hiện, can thiệp sớm mà còn hỗ trợ các em rèn luyện kỹ năng giao tiếp, nâng cao sự tự tin và từng bước hòa nhập tốt hơn với bạn bè, trường lớp và môi trường sống.
Đa dạng hoạt động trợ giúp
Trẻ em huyện Hoài Ân (cũ) được Liên chi hội Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh TP Hồ Chí Minh tổ chức khám tầm soát và điều trị miễn phí dị tật tim bẩm sinh. Ảnh: T.K
Giữa tháng 6, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh phối hợp với Sở GD-ĐT, Sở Y tế và Tỉnh đoàn tổ chức chương trình giao lưu tìm hiểu về quyền trẻ em. Chương trình được thiết kế riêng cho trẻ em mồ côi tại Làng trẻ em SOS Quy Nhơn và trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh khó khăn từ các chi hội trên địa bàn tỉnh.
Ông Bùi Trung Dũng-Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh-chia sẻ: “Chương trình nhằm giúp các em hiểu rõ quyền của mình, đồng thời biết được những địa chỉ tin cậy để tìm đến khi cần được bảo vệ. Nhiều năm qua, các hoạt động của Hội luôn chú trọng đến trẻ em yếu thế như trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi…”.
Cũng theo ông Dũng, Hội đã chủ động kết nối với Tổ chức SAP-VN và Fédération Handicap International (HI) tại Việt Nam để tìm kiếm nguồn tài trợ. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, các hoạt động như hỗ trợ chi phí điều trị bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em, tặng xe đạp cho học sinh nghèo sẽ được triển khai, góp phần rút ngắn hành trình đến trường cho các em.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Bệnh viên Đa khoa Trung tâm tỉnh phối hợp với Trung tâm II (thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam) tổ chức khám sàng lọc và phẫu thuật miễn phí cho trẻ dưới 18 tuổi mắc các dị tật như: sứt môi, hở hàm ếch, dị tật vùng mặt, di chứng bỏng, khuyết tật vận động, các bệnh lý về mắt, tai, sinh dục-hậu môn và các loại u bướu lành tính.
Ngoài ra, Làng trẻ em SOS Quy Nhơn tiếp tục vận hành hiệu quả mô hình chăm sóc thay thế, tạo môi trường sống an toàn, đầy tình thương và điều kiện học tập ổn định cho các em. Làng cũng tích cực vận động nguồn lực xã hội nhằm nâng cao chất lượng đời sống cho trẻ, bảo đảm công khai, minh bạch và đúng mục đích.
Nâng cao khả năng hòa nhập
Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng Quy Nhơn là một trong những cơ sở y tế tích cực triển khai điều trị phục hồi chức năng nhi, đặc biệt dành cho trẻ tự kỷ và trẻ chậm phát triển. Với nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động trị liệu vận động và ngôn ngữ, khoảng 2 năm trở lại đây, Bệnh viện tiếp tục mở rộng bộ phận can thiệp chuyên sâu, từng bước hoàn thiện mô hình hỗ trợ toàn diện cho trẻ em rối loạn phát triển.
Ông Võ Ngọc Phải-Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng Quy Nhơn-thông tin: Mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận điều trị ngoại trú cho khoảng 20 bệnh nhi. Nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, Bệnh viện đã cử một bác sĩ tham gia khóa đào tạo chuyên sâu về can thiệp trẻ tự kỷ và chậm phát triển tại Bệnh viện Đại học Y Dược Huế. Dự kiến khoảng 5 tháng nữa, bác sĩ này sẽ hoàn thành khóa học và trở về tiếp tục công tác, góp phần tăng hiệu quả điều trị cho trẻ tại địa phương. Với sự hỗ trợ của Sở Y tế, Bệnh viện cũng đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho 190 học viên là cán bộ y tế tuyến cơ sở, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn trong việc sàng lọc, phát hiện và can thiệp sớm đối với trẻ khuyết tật - nhóm đối tượng đặc biệt cần được quan tâm, hỗ trợ toàn diện.
Có con đang điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng Quy Nhơn, chị Thái Thị Thanh Tuyền (ở xã Tuy Phước Bắc) chia sẻ: “Con tôi chậm phát triển, chậm nói. Trước đây, tôi từng đưa cháu đến một số nơi để trị liệu nhưng hiệu quả không rõ rệt. Sau đó, được đội ngũ y tế địa phương tư vấn, tôi đưa cháu đến Bệnh viện điều trị và bước đầu đã có tiến triển tốt hơn”.
THẢO KHUY