Nông dân huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang thu hoạch lúa Đông Xuân 2024-2025. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Môi trường An Giang, giá một số loại lúa tươi được thương lái thu mua như: IR 50404 từ 5.800 – 6.000 đồng/kg, OM 5451 ở mức từ 6.400 – 6.600 đồng/kg, Đài thơm 8 từ 6.900 – 7.00 đồng/kg, OM 18 từ 6.800 – 7.000 đồng/kg, Nàng Hoa 9 từ 6.550 - 6.750 đồng/kg…
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 13.000 – 15.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000 - 22.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 16.000 – 18.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 21.000 đồng/kg; gạo Hương Lài 22.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; gạo Sóc thường dao động ở mốc 17.000 đồng/kg; gạo Sóc Thái giá 20.000 đồng/kg; gạo Nhật giá 22.000 đồng/kg…
Giá gạo nguyên liệu IR 504 ở mức 8.050 – 8.250 đồng/kg, gạo thành phẩm IR 504 từ 9.500 – 9.700 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 380 từ 7.700 – 7.850 đồng/kg; gạo thành phẩm OM 380 dao động ở mức 8.800 - 9.000 đồng/kg.
Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm các loại dao động trong khoảng từ 7.150 – 9.000 đồng/kg. Giá cám khô ở mức 8.000 – 9.000 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tính đến cuối tháng 4, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã gần như thu hoạch xong lúa Đông Xuân. Các địa phương cũng xuống giống vụ Hè Thu 2025 được 735.000 ha/1,482 triệu ha diện tích kế hoạch.
Theo Bộ Công Thương, hiện cả nước có 152 doanh nghiệp đủ điều kiện làm thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.
TP. Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nhất cả nước với 35 doanh nghiệp. Tiếp theo là Cần Thơ với 33 doanh nghiệp, Long An có 20 doanh nghiệp, Đồng Tháp, An Giang và Hà Nội hiện có lần lượt 14, 13 và 11 doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trong tháng 4/2025, Bộ Công Thương cũng đã ban hành 10 quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp cho thương nhân.
Trên thị trường gạo châu Á, giá gạo Ấn Độ trong tuần này đã leo lên mức cao nhất trong gần một tháng nhờ đà tăng của đồng rupee bất chấp nhu cầu yếu, trong khi giá gạo Thái Lan duy trì ổn định do nhu cầu thấp và nguồn cung dồi dào.
Theo đó, giá gạo 5% tấm đồ của Ấn Độ được báo giá ở mức từ 390-397 USD/tấn, tăng so với mức từ 389-396 USD/tấn của tuần trước. Giá gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ trong tuần này có giá từ 383-390 USD/tấn.
Một nhà giao dịch tại Mumbai thuộc một công ty thương mại toàn cầu cho biết nhu cầu hiện đang yếu, nhưng việc đồng rupee tăng giá đang buộc các nhà xuất khẩu phải nâng giá chào bán. Trước đó vào ngày 30/4, đồng rupee Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong năm nay và làm giảm biên lợi nhuận của các nhà xuất khẩu.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm vẫn duy trì quanh mức 410 USD/tấn, tương đương với mức của tuần trước. Các nhà giao dịch cho rằng nguyên nhân là nhu cầu yếu và nguồn cung từ đầu năm đến nay khá dồi dào.
Một nhà giao dịch tại Bangkok cho biết, tuần này họ có các giao dịch với những khách hàng thường xuyên như từ châu Phi, Iraq và Philippines, nhưng khối lượng mua vào rất hạn chế.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá đậu tương giao kỳ hạn trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT) đã đóng cửa cao hơn vào ngày 2/5, trong bối cảnh có những hy vọng về sự hạ nhiệt trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc - nhà nhập khẩu hạt có dầu hàng đầu thế giới.
Hoạt động mua vào theo yếu tố kỹ thuật và đà tăng của giá khô đậu tương trên CBOT cũng góp phần hỗ trợ giá đậu tương. Hợp đồng lúa mì giao kỳ hạn cũng tăng giá trong khi ngô kết thúc phiên với diễn biến trái chiều.
Cụ thể, giá đậu tương trên sàn CBOT đã tăng 7,75 xu để kết phiên ở mức 10,58 USD/bushel.
Giá lúa mỳ phục hồi từ các mức thấp gần đây khi tăng 12 xu lên 5,43 USD/bushel, trong khi giá ngô giảm 3,25 xu xuống 4,69 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương=27,2 kg; 1 bushel ngô=25,4 kg).
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang đánh giá đề nghị từ Washington về việc tổ chức các cuộc đàm phán liên quan đến các mức thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thông tin này đã báo hiệu khả năng giảm leo thang trong cuộc chiến thương mại đã làm chao đảo thị trường toàn cầu.
Đối với ngô, các nhà phân tích cho rằng nhu cầu xuất khẩu vững chắc có thể thúc đẩy Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tăng dự báo xuất khẩu ngô niên vụ 2024-2025. Bộ này cũng có thể hạ dự báo tồn kho cuối vụ trong báo cáo cây trồng hàng tháng dự kiến công bố ngày 12/5.
Thị trường cà phê thế giới cho thấy, trong phiên 3/5, giá cà phê thế giới đồng loạt phục hồi trên hai sàn giao dịch London và New York.
Trên sàn London, kết thúc phiên 3/5, giá cà phê Robusta quay đầu tăng mạnh trở lại sau phiên giảm sâu trước đó, mức tăng từ 136-165 USD/tấn, dao động 4.941-5.324 USD/tấn tùy theo kỳ hạn.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn New York phiên 3/5 có xu hướng phục hồi so với phiên giảm, mức tăng từ 0,75-1,50 xu/lb (1 lb=0,454 kg), dao động từ 359,95-392,75 xu/lb.
Tại thị trường trong nước, giá cà phê các tỉnh khu vực Tây Nguyên được thu mua trung bình ở mức 127.100 đồng/kg.
Cụ thể, giá cà phê tại Đắk Lắk có mức 127.200 đồng/kg, tại Lâm Đồng 126.600 đồng/kg, Gia Lai có mức giá 127.000 đồng/kg và tại Đắk Nông là 127.200 đồng/kg.
Thời gian qua, giá cà phê biến động với biên độ rất lớn khiến cho việc đoán giá và cả xu hướng trở nên bất khả thi.
Theo nhận định của chuyên gia, trong ngắn hạn, giá cà phê có thể tiếp tục chịu áp lực giảm do các yếu tố sau: Brazil, quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, đang bước vào vụ thu hoạch mới với sản lượng dự báo tăng cao. Trong khi đó, lượng cà phê Arabica và Robusta tồn kho đang ở mức cao, đặc biệt tại các cảng xuất khẩu lớn, cho thấy nguồn cung chưa thực sự bị thắt chặt. Nhà đầu tư cũng đang thận trọng trước những biến động kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng thương mại và biến động tỷ giá.
Bích Hồng - Hương Thủy/BNEWS/TTXVN