Ông Lực thông tin, một khảo sát mới nhất của một tổ chức chuyên nghiên cứu về bất động sản cho thấy, giá bất động sản ở Việt Nam so với thu nhập trung bình của người dân phải mất khoảng 23,5 năm thu nhập mới mua được một căn nhà giá trung bình, so với bình quân của thế giới là 14,5 năm.
“Chỉ số tăng giá bất động sản từ năm 2019 đến nay của Việt Nam tăng nhanh đặc biệt là nhà ở và đất nền”, ông Lực nói.
Giá chung cư tăng chưa có dấu hiệu dừng lại (ảnh: Như Ý).
Thời gian vừa qua, nhiều người cho rằng, thị trường bất động sản thiếu nguồn cung thì thiếu vốn. Tuy nhiên, ông Lực khẳng định, không thiếu nguồn vốn để cung cấp cho thị trường bất động sản. Nguồn vốn ngân hàng cho bất động sản vẫn tăng 9,15% trong 9 tháng đầu năm. Trong đó, cho vay chủ đầu tư tăng 16%, cho vay mua nhà chỉ tăng 4,6%. Như vậy, nguồn vốn đang tập trung ở chủ đầu tư thay vì người dân mua nhà.
Từ thực tế này, ông Lực đã đưa ra nhiều giải pháp cho thị trường bất động sản để hạ nhiệt giá nhà. Trong đó, ông lưu ý cần tăng nguồn cung, trong đó có nguồn cung nhà ở xã hội.
“Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ sớm đưa gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng đã đề nghị, bước đầu khoảng 60.000 tỷ; trong đó Trung ương là 30.000 tỷ đồng, chủ yếu dưới dạng phát hành trái phiếu Chính phủ. Còn địa phương khoảng 30.000 tỷ đồng. Đặc biệt, cần tháo gỡ nhanh những dự án bất động sản, đất đai còn vướng mắc hoặc bỏ hoang trong nhiều năm qua. Nếu giải quyết được vấn đề này, lượng cung bất động sản sẽ cực lớn”, ông Lực nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Lực cho rằng, hiện có nhiều thông tin, số liệu khác nhau về bất động sản, nên kiến nghị phải sớm thiết lập một cơ sở dữ liệu về đất đai, bất động sản, nhà ở.
Ông Lực nói thêm, Luật Kinh doanh Bất động sản đã yêu cầu Nhà nước phải can thiệp nếu giá bất động sản tăng 20% một quý. Vừa rồi, giá đã tăng nhiều hơn 20% nên thời gian tới, Nhà nước sẽ tiếp tục can thiệp để giá bất động sản phù hợp, bền vững hơn cho cả người mua lẫn người bán.
Sóng tăng giá nhà đất Hà Nội "không hồi kết"
Kể từ đầu năm 2024 đến nay, bất động sản Hà Nội liên tục sốt nóng ở tất cả các phân khúc gồm chung cư, nhà đất đến biệt thự, liền kề. Không chỉ các khu vực trung tâm mà sức nóng cũng lan dần sang các thị trường quận, huyện vùng ven đô khi nguồn cung khan hiếm. Đặc biệt, thời gian gần đây, loại hình đất đấu giá đất vùng ven Hà Nội cũng đang thu hút sự quan tâm lớn với giá trúng cao ngất ngưởng.
Khởi đầu chu kỳ tăng giá là phân khúc chung cư. Theo báo cáo tiêu điểm thị trường BĐS Hà Nội quý III của Công ty TNHH CBRE (Việt Nam), bình quân giá bán sơ cấp căn hộ tại Hà Nội đã lên ngưỡng gần 70 triệu đồng/m2, chỉ còn kém thị trường TP HCM khoảng 3%.
Chuyên gia CBRE Việt Nam cũng nhận định "lần đầu tiên trong lịch sử, giá chung cư Hà Nội tăng nhanh chỉ trong thời gian ngắn như vậy". Cùng với chung cư, giá đất nền, biệt thự, liền kề tại Hà Nội cũng leo thang. Trong quý III, giá nhà liền thổ tại Hà Nội đã tăng gần 27% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 235 triệu đồng/m2. Giá chuyển nhượng cũng tăng gần 7% theo năm, đạt gần 170 triệu đồng/m2. Nền giá cao và liên tục tăng "phi lý" cũng là rào cản lớn với các nhà đầu tư có khẩu vị dài hạn.
Ông Lê Đình Chung - thành viên Tổ công tác Nghiên cứu thị trường Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, trong quý IV/2024, chỉ số giá bình quân của các dự án trong tập mẫu mà đơn vị này nghiên cứu tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM lần lượt ghi nhận mức tăng 72,4%, 49,9% và 34,3% so với thời điểm quý 2/2019. Căn hộ tại Hà Nội liên tục dẫn đầu tốc độ tăng trưởng về giá bán qua các kỳ.
Không chỉ giá bán căn hộ, năm 2024 cũng là năm chứng kiến nhiều kỷ lục về đất đấu giá được xác lập. Có thể kể đến một địa phương vùng ven Hà Nội, đất đấu giá đã đạt 186 triệu đồng/m2, mức giá này gần như chưa từng có trong giai đoạn trước đây.
Ngọc Mai