Giá cà phê hôm nay 16/4/2025
Giá cà phê thế giới tăng 6 phiên liên tiếp, kéo giá trong nước tăng mạnh.
Giá cà phê trong nước đã tăng tới 7.000 đồng/kg tính từ đầu tuần, hiện giao dịch trong khoảng 131.300 - 132.200 đồng/kg.
Thị trường cà phê thế giới bắt đầu có tín hiệu tăng tốt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố miễn thuế đối với một số mặt hàng. Tuy nhiên, tTrong bối cảnh những lo ngại về thuế quan tạm lắng xuống, các nhà đầu tư tập trung trở lại vào tình trạng nguồn cung eo hẹp. Đồng thời, thị trường được thúc đẩy thêm bởi sự sụt giảm của chỉ số đồng USD xuống mức thấp nhất trong 3 năm.
Thị trường cà phê đã có chuỗi 6 phiên tăng giá liên tiếp kể từ khi Tổng thống Mỹ ngày 9/4 tuyên bố tạm hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày và giữ nguyên mức thuế 10%.
Trong khi đó, số liệu thị trường cho thấy, xuất khẩu robusta từ Brazil, quốc gia cung cấp cà phê lớn thứ hai thế giới, đã giảm khoảng 84% trong tháng 3/2025 so với cùng tháng năm ngoái. Bên cạnh đó, lượng cà phê chứng nhận trong kho ICE giảm xuống mức thấp nhất trong 1,5 tháng qua.
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC) cho hay, lượng mưa thấp hơn mức bình thường tại Brazil đã hỗ trợ giá cà phê sau khi Cơ quan Khí tượng Brazil Somar Meteorologia cho biết, khu vực trồng cà phê arabica lớn nhất Brazil là Minas Gerais chỉ nhận được 17,9 mm mưa trong tuần kết thúc vào ngày 12/4, tương đương 89% mức trung bình lịch sử.
Vụ thu hoạch cà phê robusta tại Brazil sắp bắt đầu và các giao dịch sớm của loại cà phê này đang bắt đầu gia tăng trên thị trường nội địa, với khối lượng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tháng mới. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn lo ngại rằng một cuộc chiến thương mại toàn cầu có thể làm suy yếu tăng trưởng kinh tế .
Giá cà phê trong nước hôm nay 16/4 tiếp tục điều chỉnh tăng 2.700 - 3.000 đồng/kg tùy từng địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VNĐ/kg
(Nguồn: giacaphe.com)
Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 15/4, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London kỳ hạn giao hàng tháng 5/2025 tăng 110 USD, giao dịch tại 5.373 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 7/2025 tăng 101 USD, giao dịch tại 5.340 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York giảm, kỳ hạn giao hàng tháng 5/2025 tăng 9 Cent, giao dịch tại 369,40 Cent/lb. Kỳ hạn giao tháng 7/2025 tăng 8,65 Cent giao dịch tại 367,15 Cent/lb. Khối lượng giao dịch cao.
Giá nông sản hôm nay 16/4: Giá cà phê tăng mạnh liên tiếp, Giá tiêu chạm mốc 160.000 đồng/kg, Giá heo đi lên trên cả ba miền.
Giá tiêu hôm nay 16/4/2025
Giá tiêu trong nước đồng loạt tăng, gần chạm mốc 160.000 đồng/kg.
Giá tiêu thế giới mới nhất được cập nhật từ Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế ngày 16/4 như sau (1 USD = 26,000 VNĐ)
Thông tin tích cực từ chuyến đàm phán của Việt Nam tới Mỹ tiếp tục giúp thị trường hồi phục.
Trong chuyến công tác của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tại Mỹ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung đề xuất Bộ Nông nghiệp Mỹ miễn trừ thuế cho một số mặt hàng nông thủy sản thiết yếu, không cạnh tranh trực tiếp, trong đó có hồ tiêu.
Tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 158.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, Đồng Nai, Bình Phước giá tiêu hôm nay ở mức 155.500 đồng/kg, tăng lần lượt 1.000 - 1.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu hôm nay ở mức 156.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg.
Giá heo hôm nay 16/4/2025
Giá heo trong nước tăng trên cả ba miền dao động trong khoảng 68.000 - 75.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Bắc (Bắc Giang, Hưng Yên, Nam Định, Yên Bái) giá heo hơi hôm nay tiếp tục tăng nhẹ tại nhiều địa phương, dao động trong khoảng 68.000 - 70.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Trung Tây Nguyên ổn định hơn, nhưng vẫn ghi nhận một số điểm tăng nhẹ so với hôm qua, thu mua trong khoảng 69.000 – 73.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Nam hôm nay quay đầu tăng tại nhiều địa phương, sau một giai đoạn tạm chững lại, hiện giao dịch trong khoảng 73.000 – 75.000 đồng/kg.
Thông tin thị trường
Bộ Công Thương vừa công bố danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Cụ thể, danh sách gồm 18 sản phẩm gồm gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng (hardwood plywood) xuất khẩu sang Mỹ.
Tình trạng “hàng ngoại đội lốt hàng Việt” là thực tế đang diễn ra thời gian qua. Các chuyên gia cảnh báo, nhiều loại nông sản không rõ nguồn gốc đang được bán với tên gọi sản phẩm đặc trưng của Việt Nam như nho Ninh Thuận, khoai tây Đà Lạt, cải mầm đá Sapa... Thủ đoạn thường thấy là trà trộn nông sản nhập khẩu với hàng Việt hoặc dán nhãn hàng Việt để đánh lừa người tiêu dùng.
Nhằm tăng cường hiệu quả kiểm soát gian lận xuất xứ, bảo vệ thương hiệu hàng Việt, Bộ Công Thương đã ban hành văn bản số 2515/BCT-XNK ngày 11/4/2025 về việc quản lý nguyên liệu nhập khẩu dùng để sản xuất hàng xuất khẩu. Trong đó, Bộ đề nghị các hiệp hội ngành hàng phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý để cập nhật thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất phù hợp.
Doanh nghiệp cũng được khuyến cáo phải đảm bảo nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, tuân thủ yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của thị trường nhập khẩu. Việc chủ động lựa chọn nhà cung ứng, kiểm soát chất lượng từ đầu vào là yếu tố then chốt để hàng hóa Việt Nam giữ vững uy tín.
Đặc biệt, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tăng cường giám sát, xử lý hành vi vận chuyển hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam qua biên giới. Đồng thời, siết chặt việc cấp C/O cho các loại hàng hóa có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Ban Chỉ đạo 389 cũng đề nghị tiếp tục rà soát những quy định còn bất cập về xác định xuất xứ hàng hóa để kịp thời sửa đổi, bổ sung. Điều này sẽ góp phần tạo ra một khung pháp lý chặt chẽ hơn, hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn chân chính và bảo vệ thương hiệu quốc gia trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt.
Gia An