Gia tăng ca mắc liên cầu lợn, Huế đưa ra các phương án 'cần làm ngay'

Gia tăng ca mắc liên cầu lợn, Huế đưa ra các phương án 'cần làm ngay'
6 giờ trướcBài gốc
Gia tăng ca mắc liên cầu lợn
Theo Sở Y tế TP Huế, từ đầu năm đến ngày 14/7, trên địa bàn ghi nhận 37 trường hợp mắc liên cầu lợn. Trong đó, chỉ 4 ngày trở lại đây ghi nhận thêm 4 ca, bệnh nhân ở độ tuổi từ 51 - 90, trú tại các phường An Cựu, Phong Điền và xã Bình Điền.
Trong tất cả ca bệnh, có 1 trường hợp tử vong, 3 ca bệnh nặng và 14 ca xuất viện. Các bệnh nhân đều được điều trị theo kháng sinh đồ, một số trường hợp cho thấy triệu chứng giảm rõ rệt chỉ sau vài ngày điều trị.
PGS.TS Trần Kiêm Hảo chia sẻ tại buổi tập huấn kiểm soát và điều trị bệnh liên cầu lợn cho cán bộ y tế. Ảnh: Phương Huy.
PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế TP Huế cho biết, trước diễn biến của bệnh liên cầu lợn, ngành y tế tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về nguyên nhân, đường lây truyền, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa đến với người dân.
Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn kiểm soát và điều trị bệnh liên cầu lợn cho lực lượng y tế cơ sở nhằm cập nhật kiến thức chuyên môn, nâng cao năng lực trong việc khoanh vùng, xử lý ca bệnh để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
"Chúng tôi tăng cường, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở y tế từ tuyến xã, phường đến bệnh viện nhằm đảm bảo công tác xử lý dịch tễ, điều trị hiệu quả cho người bệnh", PGS.TS Trần Kiêm Hảo nói.
Lãnh đạo Sở Y tế khuyến cáo người dân tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan y tế, tuyệt đối không sử dụng thịt lợn không rõ nguồn gốc, chưa được nấu chín kỹ và cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến hằng ngày để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Tăng cường phòng bệnh
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Huế cho biết, mặc dù những ngày qua xuất hiện các ca mắc liên cầu lợn nhưng ngành Chăn nuôi và Thú ý vẫn đảm bảo hoạt động vận chuyển, mua bán thịt lợn sạch. Theo đó, đơn vị phối hợp với các ngành chức năng và địa phương tăng cường kiểm tra tại các điểm giết mổ, vận chuyển, buôn bán thịt để kiểm soát nguồn lợn bệnh.
Ngành Chăn nuôi và Thú y kiểm tra tại trang trại chăn nuôi. Ảnh N.V.H.
Người đứng đầu Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Huế khuyến cáo người dân nâng cao ý thức tiêu dùng, trong đó lựa chọn thịt rõ nguồn gốc, có dấu kiểm dịch. Không sử dụng thịt không rõ xuất xứ, chế biến kỹ và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, người dân có thể phân biệt lợn khỏe mạnh và lợn bệnh thông qua một số đặc điểm nhận biết. Cụ thể, đối với lợn khỏe, khi mổ ra màu sắc thịt sắc đỏ tươi, mỡ trắng sáng, không mùi hôi, hoi, da không có đốm, các vết khác thường.
Đối với lợn bệnh, thịt có màu lạ như thâm xám, đỏ thâm, xanh nhạt, nếu chạm tay thấy nhớt đó là lợn ôi hoặc đã mắc bệnh. Ngoài ra, người dân có thể kiểm tra độ đàn hồi của thịt, lấy ngón tay ấn vào miếng thịt không bị lõm, không bị dính hay rỉ nước thì đó là lợn khỏe mạnh.
Liên quan vấn đề này, ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Huế có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh ở động vật, chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh.
Ngoài ra, tuyên truyền đến tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ tuân thủ quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến để bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau ca giết mổ.
Lãnh đạo UBND TP Huế yêu cầu tăng cường kiểm tra về thú y, an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ động vật. Chấn chỉnh, xử lý nghiêm việc giết mổ lợn bệnh, lợn chết do dịch bệnh và không được nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ. Chuyển hồ sơ vụ vi phạm sang cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu tội phạm hình sự...
Hoàng Dũng
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/gia-tang-ca-mac-lien-cau-lon-hue-dua-ra-cac-phuong-an-can-lam-ngay-169250714190009662.htm