Cán bộ thú y lấy mẫu lợn bị ốm để xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Trị, từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên vào ngày 15/5 tại xã Kim Phú, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục bùng phát và lan rộng tại nhiều thôn, xã trên địa bàn.
Tính đến ngày 15/7, xảy ra tại 44 thôn/11 xã (chủ yếu trên địa bàn của tỉnh Quảng Bình cũ), gồm: Kim Phú, Tân Thành, Phong Nha, Quảng Trạch, Tân Gianh, Đồng Lê, Tuyên Sơn, Tuyên Lâm, Trung Thuần, Hòa Trạch và Cồn Tiên, buộc phải tiêu hủy 1.757 con lợn với tổng trọng lượng hơn 100 tấn. Trong đó, xã Kim Phú đã qua 21 ngày không phát sinh ca bệnh mới.
Hiện còn 10 xã có dịch đều chưa qua 21 ngày, riêng tại xã Quảng Trạch dịch bệnh xảy ra ở 127 hộ, tại 11/13 thôn và đang có nguy cơ lây lan trên diện rộng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Trị phối hợp Ủy ban nhân dân các xã thực hiện quyết liệt các biện pháp như: cấp phát 2.350 lít hóa chất cho các địa phương có dịch tiêu độc khử trùng; chỉ đạo xử lý ổ dịch, tiêu hủy kịp thời số lợn nhiễm bệnh; giám sát đàn lợn tại thôn, xóm; kiểm soát chặt hoạt động giết mổ, buôn bán thịt lợn; đồng thời cử các cán bộ chuyên môn phối hợp cùng địa phương dập dịch.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu hụt lực lượng thú y cơ sở. Sau ngày 1/7, phần lớn cán bộ bán chuyên trách tại xã đã nghỉ công tác theo chủ trương chung, trong khi các địa phương chưa được bố trí nhân sự thay thế. Điều này gây cản trở lớn trong công tác phát hiện, xử lý và dập dịch kịp thời.
Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Môi trường kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị cho phép các xã tiếp tục sử dụng lực lượng thú y cơ sở hiện có đến hết tháng 5/2026; đồng thời đề xuất xây dựng cơ chế hợp đồng, hỗ trợ phụ cấp và bố trí ngân sách phù hợp nhằm thiết lập bộ máy nhân sự phụ trách thú y ở cơ sở để nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh, góp phần phát triển chăn nuôi ở các địa phương trong tỉnh.
HƯƠNG GIANG