Gia tăng mức độ tuân thủ pháp luật hải quan

Gia tăng mức độ tuân thủ pháp luật hải quan
2 giờ trướcBài gốc
Tạo thuận lợi thương mại, giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế
Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan nhằm góp phần hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp trong việc nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật hải quan của doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; ý thức tự nguyện tuân thủ pháp luật trong cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, góp phần tạo thuận lợi thương mại, giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm chi phí cho doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.
Theo đó, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục hải quan; hạn chế rủi ro; chủ động có biện pháp phòng, tránh vi phạm pháp luật hải quan. Tăng cường mối quan hệ đối tác tin cậy giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp, làm cơ sở tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp; đồng thời, giúp cơ quan hải quan sử dụng hiệu quả nguồn lực và bảo đảm hiệu lực công tác quản lý.
Doanh nghiệp sẽ hưởng nhiều lợi ích khi chủ động tuân thủ pháp luật hải quan. Ảnh: HQ
Tổng cục Hải quan đặt mục tiêu, trên 80% doanh nghiệp tham gia Chương trình tăng mức tuân thủ hoặc giữ nguyên mức độ tuân thủ Mức 2, Mức 3 (theo quy định tại Thông tư số 81/2019/TT-BTC ngày 15.11.2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan, Thông tư số 06/2024/TT-BTC ngày 29.1.2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 81/2019/TT-BTC).
Sau 5 năm thực hiện Chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan của doanh nghiệp, phấn đấu tăng tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ Mức 2, Mức 3 đạt trên 20% tổng số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo đó, yêu cầu đặt ra là Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan được triển khai đồng bộ, thống nhất trong toàn ngành hải quan từ cấp Tổng cục đến cấp Cục Hải quan và cấp Chi cục Hải quan. Cơ bản các hoạt động triển khai được thực hiện trên nền tảng số, đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số công tác nghiệp vụ của ngành hải quan.
Cảnh báo rủi ro cho doanh nghiệp
Để thực hiện hiệu quả Chương trình, cơ quan Hải quan thực hiện các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ trả lời vướng mắc, cung cấp thông tin, cảnh báo rủi ro cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động xuất nhập khẩu nhằm mục đích giúp doanh nghiệp chủ động phòng, tránh các vi phạm, tự nguyện nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật hải quan đối với doanh nghiệp tham gia Chương trình.
Về phạm vi thực hiện, cơ quan hải quan thực hiện hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ đối với doanh nghiệp thành viên các nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý rủi ro, tuân thủ pháp luật hải quan và thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo quy định của pháp luật. Trong khuôn khổ Chương trình, cơ quan hải quan không thực hiện việc hỗ trợ, hướng dẫn, cung cấp thông tin đối với vụ việc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo đang điều tra, khởi tố, thanh tra theo quy định của pháp luật. Chương trình tổ chức tổng kết 1 năm/lần để đo lường, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu và phương hướng triển khai những năm tiếp theo.
Trong khuôn khổ Chương trình, cơ quan Hải quan triển khai theo thời điểm, giai đoạn cụ thể phù hợp với nguồn lực và yêu cầu nghiệp vụ của cơ quan hải quan theo các hình thức ký kết Biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp tham gia Chương trình để thống nhất các nội dung hợp tác, hỗ trợ, những nội dung doanh nghiệp cần chủ động triển khai, phòng, tránh vi phạm pháp luật hải quan, từ đó nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật.
Tổ chức các chương trình quan hệ đối tác, chương trình phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan chức năng, tổ chức liên quan, doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu để trao đổi cung cấp thông tin, hỗ trợ các hoạt động nâng cao tuân thủ, phòng, tránh vi phạm pháp luật hải quan. Đồng thời, tổ chức các hội nghị, hội thảo, chương trình tập huấn, đào tạo để doanh nghiệp chủ động nâng cao tuân thủ pháp luật, phòng tránh các nguy cơ, rủi ro về vi phạm pháp luật hải quan.
Hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ cho doanh nghiệp thành viên có thể thực hiện bằng điện thoại, thư điện tử hoặc bằng văn bản tùy yêu cầu của doanh nghiệp và tính chất vụ việc. Kết quả thực hiện các hoạt động được ghi nhận, báo cáo đầy đủ để đảm bảo việc theo dõi, đánh giá chất lượng Chương trình.
Theo Tổng cục Hải quan, trong quá trình thực hiện Chương trình, các hoạt động của cơ quan Hải quan và doanh nghiệp thành viên tham gia phải bảo đảm tuân thủ các quy trình, quy định của pháp luật. Các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình không gây phát sinh thủ tục hành chính, không gây thiệt hại và phát sinh công việc không cần thiết cho doanh nghiệp. Trong 24 giờ, kể từ khi cơ quan hải quan tiếp nhận yêu cầu, đề nghị hỗ trợ của doanh nghiệp thành viên, thông tin sẽ được chuyển đến các đơn vị nghiệp vụ để nghiên cứu xử lý và trả lời theo chức năng, nhiệm vụ.
Bạch Hạc
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/gia-tang-muc-do-tuan-thu-phap-luat-hai-quan-post399259.html