Một dự án bất động sản đang được nhà đầu tư triển khai thi công xây dựng. (Ảnh: TTXVN)
Với việc cải thiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cùng chính sách ưu đãi thuế, thủ tục hành chính đang được số hóa và đơn giản hóa… nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản Việt Nam trong quý 1/2025 đạt được kết quả nổi bật, cả về tốc độ tăng trưởng và chất lượng dòng vốn.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý 1/2025, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, đã trải qua những biến động đáng chú ý.
Cụ thể, tổng giá trị phát hành mới đạt 25.130 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Sự sụt giảm này nguyên nhân chủ yếu được nhận định là do thiếu các hoạt động phát hành riêng lẻ.
Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành ra công chúng đạt 23.130 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ, cao nhất trong 5 năm qua, nhờ đóng góp của các ngân hàng và công ty chứng khoán là chủ yếu.
Trong phần còn lại của năm 2025, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 181.892 tỷ đồng, trong đó nhóm bất động sản chiếm 53,1% với 96.527 tỷ đồng. Trong quý 1/2025, có 3 trường hợp chậm trả lãi mới với giá trị 4.854 tỷ đồng, chủ yếu từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản và xi măng.
“Số liệu cho thấy sự phục hồi nhưng còn dè dặt trong phát hành mới, tổng giá trị phát hành mới toàn thị trường đạt 25.130 tỷ đồng, nhưng phần bất động sản chỉ chiếm khoảng 30,3%. Dù có sự cải thiện về phát hành ra công chúng (tăng 68% so với cùng kỳ) nhưng hầu hết các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa sẵn sàng quay lại huy động vốn mạnh mẽ qua trái phiếu như các năm trước đây,” ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đánh giá.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), đến hết tháng 3/2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 2,39 tỷ USD, chiếm 21,8% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 44,1% so với cùng kỳ.
Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược, nằm ở trung tâm Đông Nam Á, gần các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, có nguồn nhân lực trẻ, năng động, có khả năng học hỏi và thích nghi công nghệ nhanh và chi phí lao động thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực (Trung Quốc, Thái Lan)... và hiện nay vẫn được các nhà đầu tư đánh giá thời gian qua đã không ngừng cải thiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp...
Để hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất với chính sách ưu đãi thuế, thuê đất dài hạn, thủ tục hành chính đang được số hóa và đơn giản hóa...
“Nguồn vốn FDI vào bất động sản Việt Nam trong quý 1/2025 đạt được kết quả nổi bật, cả về tốc độ tăng trưởng và chất lượng dòng vốn. Đây là một dấu hiệu tích cực phản ánh niềm tin của nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam, đồng thời là động lực quan trọng cho phục hồi và phát triển hạ tầng đô thị, công nghiệp và du lịch,” ông Dũng nhìn nhận.
Dẫn chứng như Dự án Tổ hợp Sân golf và Khách sạn tại Hưng Yên, dự án bao gồm hai hệ thống sân golf 54 lỗ, mạng lưới khách sạn, khu nghỉ dưỡng và khu dân cư hiện đại, có tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD; Dự án Tháp Phương Trạch tại Hà Nội, chủ đầu tư là liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), có quy mô gồm tòa tháp cao 600m với 108 tầng, dự kiến trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam, là trung tâm của dự án thành phố thông minh rộng 272ha tại huyện Đông Anh, tổng vốn đầu tư khoảng 1,55 tỷ USD cho hạ tầng và đất đai.../.
(Vietnam+)