Giá tiêu hôm nay 8/7: Vì sao doanh nghiệp Việt tăng cường nhập khẩu tiêu?

Giá tiêu hôm nay 8/7: Vì sao doanh nghiệp Việt tăng cường nhập khẩu tiêu?
7 giờ trướcBài gốc
Giá tiêu hôm nay ngày 8/7/2025 tại thị trường trong nước
Tham khảo giá tiêu hôm nay ngày 8/7/2025 tại thị trường trong nước (Nguồn: Tạp chí Công Thương tổng hợp)
Giá tiêu hôm nay tại một số vùng trồng trọng điểm đồng loạt tăng so với hôm qua. Qua đó, giữ mặt bằng giá tiêu trong nước ở mức từ 140.000 - 144.000 đồng/kg.
Tại khu vực Tây Nguyên, giá tiêu hôm nay tại tỉnh Đắk Lắk (mới) đi ngang so với hôm qua hiện ở mức 144.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại tỉnh Gia Lai (mới) tăng 1.000 đồng/kg so với ngày hôm qua hiện ở mức 140.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại tỉnh Đắk Nông (cũ, nay sáp nhập thành tỉnh Lâm Đồng) tăng 1.000 đồng/kg so với hôm qua, ở mức 140.000 đồng/kg.
Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu hôm nay ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ, nay sáp nhập thành TP. Hồ Chí Minh) hiện ở mức 142.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với ngày hôm qua.
Trong khi đó, giá tiêu hôm nay tại tỉnh Đồng Nai (mới) tăng 1.000 đồng/kg so với hôm qua ở mức 141.000/kg.
Ngoài ra, giá tiêu hôm nay tại Bình Phước (cũ, nay sáp nhập thành tỉnh Đồng Nai) tăng 1.000 đồng/kg so với hôm qua hiện ở mức 141.000 đồng/kg.
Lưu ý: Các giá trên chỉ mang tính chất tham khảo, mức giá thực tế sẽ có sự chênh lệch theo từng địa phương, phương thức vận chuyển, phương thức thanh toán, khối lượng giao dịch… Quý độc giả vui lòng liên hệ đến các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh hồ tiêu gần nhất để được tư vấn cụ thể.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã nhập khẩu 28.296 tấn hồ tiêu các loại, với tổng kim ngạch đạt 174,1 triệu USD. Trong đó, tiêu đen chiếm 23.537 tấn, tiêu trắng đạt 4.759 tấn. So với cùng kỳ năm 2024, lượng nhập khẩu tăng mạnh 57,2%, trong khi kim ngạch tăng đột biến đến 150,1%. Điều đáng chú ý là mặc dù Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn hàng đầu thế giới, nhưng việc gia tăng nhập khẩu hồ tiêu cho thấy một xu hướng chiến lược mới từ các doanh nghiệp nội địa.
Một trong những lý do hàng đầu khiến các doanh nghiệp phải đẩy mạnh nhập khẩu hồ tiêu là do sản lượng trong nước sụt giảm nghiêm trọng trong thời gian gần đây. Ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, diện tích canh tác thu hẹp và giá vật tư nông nghiệp tăng cao đã khiến năng suất hồ tiêu tại các vùng trồng trọng điểm như tỉnh Gia Lai (mới), tỉnh Đắk Lắk (mới), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ, nay sáp nhập thành TP. Hồ Chí Minh) giảm đáng kể. Nhiều nông hộ đã chuyển đổi cây trồng, dẫn đến việc không đảm bảo được nguồn cung ổn định phục vụ sản xuất và xuất khẩu.
Để duy trì hoạt động chế biến và đáp ứng các đơn hàng đã ký với đối tác nước ngoài, các doanh nghiệp buộc phải tìm đến nguồn nguyên liệu từ các quốc gia khác. Việc nhập khẩu không chỉ là giải pháp tạm thời mà còn được xem là hướng đi chiến lược trong bối cảnh chuỗi cung ứng hồ tiêu toàn cầu đang có nhiều thay đổi.
Hiện nay, Brazil, Campuchia và Indonesia là ba quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Việt Nam. Cụ thể, lượng nhập khẩu từ Brazil đạt 14.904 tấn, tăng mạnh 105,8% so với cùng kỳ năm trước; từ Campuchia đạt 6.257 tấn, tăng nhẹ 0,7%; và từ Indonesia đạt 5.574 tấn, tăng 86,4%.
Brazil hiện là một trong những nước có giá hồ tiêu cạnh tranh nhất thế giới, nhờ sản xuất quy mô lớn và chi phí đầu vào thấp. Chất lượng tiêu Brazil cũng phù hợp với tiêu chuẩn sơ chế và chế biến của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong sản xuất tiêu xay, tiêu trắng hoặc hỗn hợp gia vị.
Trong khi đó, tiêu Indonesia được đánh giá cao bởi mùi thơm đậm, vị cay rõ rệt, rất thích hợp để phục vụ thị trường châu Âu và Bắc Mỹ, những nơi yêu cầu cao về hương vị và chất lượng đồng đều. Việc nhập khẩu từ Campuchia, quốc gia láng giềng có lợi thế về khoảng cách địa lý còn giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí logistics, chủ động hơn trong khâu vận chuyển và tồn kho.
Một lý do quan trọng khác là việc nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến sâu và tái xuất khẩu hồ tiêu nhằm gia tăng giá trị. Thay vì chỉ xuất khẩu tiêu thô như trước đây, các doanh nghiệp hiện nay hướng đến các sản phẩm chế biến như tiêu trắng, tiêu nghiền, tinh dầu hồ tiêu, gia vị hỗn hợp,...
Trong bối cảnh giá hồ tiêu toàn cầu đang ở mức cao, đặc biệt là tại các thị trường như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc nhu cầu tiêu thụ gia tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải đẩy nhanh tốc độ thu mua và chế biến để kịp tiến độ giao hàng. Tuy nhiên, khi nguồn cung trong nước không đủ, nhập khẩu trở thành giải pháp bắt buộc nhằm đảm bảo cam kết với đối tác quốc tế, tránh trễ đơn hàng và phạt hợp đồng.
Ngoài ra, do giá hồ tiêu trên thị trường quốc tế liên tục biến động, nhiều doanh nghiệp lựa chọn chiến lược nhập khẩu chủ động để ổn định chi phí đầu vào, tránh phụ thuộc vào giá trong nước vốn đang có xu hướng tăng nhanh.
Việc nhập khẩu hồ tiêu từ nhiều quốc gia khác nhau cũng giúp các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung, tránh rơi vào tình trạng bị động khi một thị trường gặp vấn đề. Đây là yếu tố quan trọng trong quản trị rủi ro chuỗi cung ứng, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các yếu tố địa chính trị có thể tác động đến ngành nông sản toàn cầu bất cứ lúc nào.
Việc gia tăng nhập khẩu hồ tiêu trong thời gian gần đây không đơn thuần là vì thiếu hụt nguồn nguyên liệu trong nước, mà còn là một phần trong chiến lược phát triển dài hạn của các doanh nghiệp Việt Nam. Tận dụng cơ hội từ giá cả, chất lượng tiêu nhập khẩu và nhu cầu thị trường tăng cao, các doanh nghiệp đang hướng tới mô hình sản xuất linh hoạt, kết hợp giữa nguồn cung nội địa và quốc tế, đồng thời đẩy mạnh chế biến sâu và xuất khẩu giá trị cao. Đây được xem là bước chuyển mình tích cực, góp phần nâng cao vị thế ngành hồ tiêu Việt Nam trên bản đồ thương mại toàn cầu.
Giá tiêu hôm nay 8/7 tại thị trường thế giới
(Nguồn: Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế)
Trên thị trường thế giới, dựa trên báo giá của các doanh nghiệp xuất khẩu và giá xuất cảng tại các nước, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) đã cập nhật giá tiêu các loại giao dịch trên thị trường quốc tế trong ngày 8/7 (theo giờ Hà Nội) như sau:
Giá tiêu đen Lampung của Indonesia đi ngang so với ngày hôm qua đạt 7.385 USD/tấn. Ngoài ra, giá tiêu trắng Muntok giữ nguyên so với ngày hôm qua đạt 10.167 USD/tấn.
Giá tiêu đen ASTA 570 của Brazil giảm 0,40% so với hôm qua ở mức 6.220 USD/tấn.
Giá tiêu đen ASTA của Malaysia giữ nguyên so với hôm qua hiện ở mức 8.900 USD/tấn. Ngoài ra, giá tiêu trắng ASTA của nước này ổn định so với hôm qua đạt 11.750 USD/tấn.
Giá tiêu các loại của Việt Nam ổn định so với ngày hôm qua. Trong đó, giá tiêu đen của Việt Nam loại 500 gr/l t đạt 6.240 USD/tấn; loại 550 gr/l đạt 6.370 USD/tấn.
Tương tự, giá tiêu trắng của Việt Nam đi ngang so với hôm qua so với hôm qua đạt 8.950 USD/tấn.
Đạt Trịnh
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/gia-tieu-hom-nay-8-7--vi-sao-doanh-nghiep-viet-tang-cuong-nhap-khau-tieu-142572.htm