Theo các nhà phân tích, mức giá trần dầu thô mới có thể làm giảm số tiền vào ngân sách liên bang Nga 1,5 nghìn tỷ rúp (19 tỷ USD) mỗi năm, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết.
Mức giá trần mới, được đặt ở mức 47,6 USD/thùng, thấp hơn tới 15% so với giá trung bình của thị trường, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 3/9/2025, với thời gian chuyển tiếp đến ngày 17/10/2025.
Bước đi nói trên được Liên minh châu Âu đưa ra nhằm mục đích tiếp tục cắt giảm doanh thu từ hoạt động xuất khẩu dầu khí của Nga, vốn chiếm khoảng 33% ngân sách của nước này.
Gói trừng phạt mới có thể khiến Nga mất 18% doanh thu dầu khí dự kiến cho năm 2025, theo Bộ Tài chính Nga ước tính vào khoảng 8,9 nghìn tỷ rúp. Giá trần dầu thô mới làm gia tăng áp lực lên nền kinh tế, do Moskva phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng.
Vào tháng 6/2025, giá dầu thô Ural của Nga được bán với giá trung bình 59,8 USD/thùng, nhưng do các lệnh trừng phạt và hạn chế về liên quan đến vấn đề hậu cần, mức giá có thể giảm xuống còn 45 USD/thùng.
Điều này sẽ dẫn đến giảm nguồn ngoại hối và gia tăng thâm hụt ngân sách, mà theo Bộ Tài chính Nga đã lên tới 2% GDP vào năm 2024, thậm chí dự kiến sẽ tăng mạnh vào năm 2025 do gói trừng phạt mới.
Mức giá trần mới được nhất trí nhằm thay thế cho mức cố định 60 USD/thùng được áp dụng từ tháng 12/2022, vốn đã không còn hiệu lực do giá dầu thô Brent giảm xuống chỉ còn 67 USD/thùng.
Không chỉ có vậy, mức giá trần mới đối với dầu thô của Nga sẽ được xem xét lại 3 tháng một lần, đảm bảo luôn duy trì ở mức thấp hơn 15% so với giá thị trường trung bình của dầu Ural trong giai đoạn trước.
Gói trừng phạt mới cũng bao gồm lệnh cấm vận hành tuyến đường ống Nord Stream 1 và 2 nhằm ngăn chặn việc nối lại nguồn cung khí đốt cho châu Âu, đồng thời thêm hạn chế đối với 20 ngân hàng Nga bị cắt khỏi Hệ thống SWIFT.
Mới đây một nhà máy lọc dầu lớn của Ấn Độ do Tập đoàn Rosneft sở hữu một phần đã bị áp đặt lệnh trừng phạt, điều này dự báo sẽ gây khó khăn lớn cho việc xuất khẩu dầu thô sang Ấn Độ - đối tác mua dầu mỏ lớn nhất của Nga sau khi bị EU cấm vận.
Liên minh châu Âu EU đã mua 21,9 tỷ euro dầu khí của Nga vào năm 2024, nhưng xuất khẩu qua Biển Baltic và Biển Đen đã giảm 30% kể từ khi các lệnh trừng phạt được áp đặt.
Về phần Nga, Moskva luôn khẳng định các lệnh trừng phạt sẽ không có hiệu lực khi nước này đã thích ứng và luôn vượt qua, một phần nhờ xây dựng được "hạm đội bóng tối" quy mô rất lớn để đưa dầu thô đến tay khách hàng mà không chịu ảnh hưởng từ biện pháp hạn chế.
Việt Dũng
Theo Wall Street Journal