Giá vàng ghi nhận chuỗi tăng kỷ lục
Theo báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), diễn biến của giá vàng thế giới trong 6 tháng đầu năm 2025 đáng ghi nhớ nhất trong nhiều năm gần đây.
Giá vàng thế giới lập kỷ lục mới 26 lần trong 6 tháng đầu năm nay. Ảnh: Kitco
Trong nửa đầu năm nay, giá vàng thế giới đã chứng kiến mức tăng ấn tượng khi nhảy vọt tới 26%. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2025, giá vàng thế giới đã có 26 lần lập kỷ lục mới trong khi con số này của toàn bộ năm 2024 là 40 lần.
Các chuyên gia của WGC cho biết, đà tăng kỷ lục của giá kim loại quý đến từ nhiều yếu tố, bao gồm đồng USD suy yếu, bối cảnh địa chính trị và vĩ mô toàn cầu có nhiều biến động, nhu cầu đầu tư vàng toàn cầu ở mức cao.
Theo phân tích của WGC, nhu cầu vàng của tất cả các thành viên thị trường đều tăng cao. Báo cáo của WGC nêu rõ: “Nhu cầu từ các sàn giao dịch, quỹ đầu tư các loại hình đều gia tăng mạnh. Giá trị giao dịch vàng hàng ngày trong nửa đầu năm 2025 đạt đến 329 tỷ USD, cao thứ 2 trong lịch sử. Các ngân hàng trung ương tiếp tục đẩy mạnh mua vàng dự trữ dù rằng mức mua không đạt ngưỡng cao như các quý trước”.
WGC nhấn mạnh sự suy yếu của đồng USD trong nửa đầu năm 2025 cũng tác động rất lớn đến diễn biến giá vàng thế giới. Cụ thể, tính từ tháng 1-tháng 6/2025, đồng USD đã hạ giá sâu nhất kể từ năm 1973.
Sự suy yếu của đồng bạc xanh cũng được phản ánh qua hiệu suất thấp của trái phiếu kho bạc Mỹ, vốn từng được coi là biểu tượng của sự an toàn tài chính hơn một thế kỷ qua. Tuy nhiên, dòng vốn vào trái phiếu Mỹ đã chững lại trong tháng 4 do bất ổn từ chính sách thuế quan của Mỹ gia tăng.
“Ngược lại, nhu cầu đối với vàng qua các quỹ ETF tăng mạnh trong nửa đầu năm, với dòng vốn vào từ tất cả các khu vực. Đến cuối tháng 6/2025, giá vàng tăng mạnh cùng làn sóng tìm nơi trú ẩn của nhà đầu tư đã giúp tổng tài sản quản lý (AUM) của các quỹ ETF vàng toàn cầu tăng 41% lên 383 tỷ USD. Tổng lượng vàng nắm giữ của các quỹ ETF vàng toàn cầu tăng 397 tấn (tương đương 38 tỷ USD), lên 3.616 tấn, ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 8/2022”, báo cáo của WGC cho hay.
Các kịch bản cho giá vàng trong 6 tháng tới
Theo dự báo của WGC, giá vàng thế giới có thể tăng lên ngưỡng 4.000USD/ounce vào thời điểm cuối năm 2025 hoặc cũng có thể để mất phần lớn thành quả tăng trong năm nay, tùy thuộc vào việc các yếu tố địa chính trị và vĩ mô biến động như thế nào.
Dựa trên nghiên cứu những yếu tố hiện tại, WGC đưa ra một số kịch bản diễn biến giá vàng thế giới: “Nếu các chuyên gia kinh tế và thành viên thị trường dự đoán đúng, giá vàng thế giới có thể sẽ tiếp tục tăng nhẹ, khả năng leo dốc khoảng 5% trong nửa cuối năm 2025”.
Tuy nhiên, các chuyên gia WGC cảnh báo thông thường nền kinh tế hiếm khi diễn biến đúng theo kỳ vọng. Nếu diễn biến kinh tế và tài chính xấu đi, áp lực lạm phát gia tăng, bất ổn địa chính trị căng thẳng hơn, giá vàng có thể tăng thêm từ 10 đến 15%.
Trong trường hợp diễn biến địa chính trị và kinh tế, thương mại trên toàn cầu giảm căng thẳng đáng kể, giá vàng thế giới có thể sụt từ 12- 17% thành quả tăng đã có trong năm 2025.
Các chuyên gia WGC lưu ý: “Nửa cuối năm 2025 giống như chiếc bập bênh, khi giới đầu tư bị giằng co giữa hy vọng và lo ngại. Dù lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, các rủi ro về biến động của đồng USD, tăng trưởng và địa chính trị vẫn còn rất lớn”.
Đồng quan điểm với WGC, Ngân hàng Thương mại Hoàng gia Canada (CIBC) mới đây nhận định giá vàng đang bước vào “hiệp hai” của chu kỳ tăng và có thể đạt 3.600 USD/ounce vào cuối năm nay.
Trong báo cáo công bố ngày 16/7, CIBC đã nâng mạnh dự báo trung bình giá vàng năm 2025 lên 3.339 USD/ounce, tăng hơn 19% so với dự báo đưa ra vào tháng 12 năm ngoái. Các chuyên gia của CIBC cho rằng động lực giúp giá kim loại quý sẽ được duy trì trong bối cảnh chính sách thuế quan toàn cầu còn nhiều bất ổn.
“Phân tích kỹ thuật cho thấy vàng đang nằm trong kênh tăng giá dài hạn, với ngưỡng hỗ trợ từ 3.000-3.175 USD/ounce và có thể tiến tới vùng 3.700-3.800 USD trong các đợt tăng tiếp theo”, báo cáo của CIBC cho hay.
CIBC cũng dự báo giá vàng sẽ tiếp tục duy trì quanh ngưỡng 3.600 USD/ounce trong năm 2026, trước khi giảm về mức 3.000 USD vào năm 2027, thời điểm kỳ vọng kinh tế toàn cầu ổn định hơn và lãi suất có thể tăng trở lại.
Một trong những động lực chính hỗ trợ đà leo dốc của giá vàng là xu hướng phi đô la hóa (de-dollarization) tăng mạnh trong năm nay, theo báo cáo của WGC và CIBC. Khi các ngân hàng trung ương tìm cách giảm dần tỷ trọng tài sản định giá bằng USD trong dự trữ ngoại hối, vàng nổi lên như một lựa chọn thay thế chiến lược.
Bên cạnh đó, một yếu tố khác khiến nhu cầu mua vàng tiếp tục tăng trong dài hạn là nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu hạ lãi suất. Theo CIBC, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, cùng với giá năng lượng giảm, sẽ buộc Fed phải nới lỏng chính sách trong những tháng còn lại của năm 2025. “Chúng tôi tin rằng việc Fed cắt giảm lãi suất trong năm 2025 chỉ còn là vấn đề thời điểm và tốc độ, chứ không còn là câu hỏi liệu có cắt hay không”, các nhà phân tích của CIBC cho hay.
Nguyễn Phương