Nhưng ít ai biết rằng, loại rau gia vị dân dã này không chỉ giúp bát cháo thơm nồng mà còn là “vị thuốc tự nhiên” mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe: từ giải cảm, tiêu đờm, đến tăng cường miễn dịch và hỗ trợ thải độc cơ thể.
Vì sao tía tô tốt cho sức khỏe?
Theo Đông y, tía tô có tính ấm, vị cay, có tác dụng tán hàn, giải biểu, tiêu đờm và kích thích ra mồ hôi. Đây là loại rau thường được dùng hỗ trợ điều trị cảm lạnh, ho có đờm, viêm họng nhẹ và sốt không ra mồ hôi.
Theo nghiên cứu hiện đại, tía tô chứa nhiều tinh dầu (perilla aldehyde, limonene) cùng flavonoid, acid rosmarinic – những hợp chất có đặc tính kháng viêm, chống oxy hóa mạnh, giúp hỗ trợ hệ miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây bệnh từ môi trường.
Ngoài ra, tía tô còn giúp giảm đầy bụng, hỗ trợ tiêu hóa và thải độc gan, rất thích hợp để bổ sung vào các món cháo, súp nhẹ nhàng khi cơ thể mệt mỏi hoặc sau ốm.
Cháo tía tô – Món ăn giản dị nhưng đầy dược tính
Cháo trắng rắc tía tô là món ăn kinh điển mỗi khi trong nhà có người cảm sốt. Khi ăn nóng, mồ hôi tiết ra giúp hạ nhiệt, giảm đau đầu, nghẹt mũi và cảm giác uể oải.
Ngoài ra, có thể kết hợp:
Cháo trứng gà và tía tô: vừa bổ sung đạm nhẹ, vừa làm dịu cổ họng.
Cháo hành – tía tô: công thức “hai loại lá” giúp giải cảm, sát khuẩn đường hô hấp hiệu quả.
Cháo tía tô – gừng: hỗ trợ tiêu hóa, giữ ấm bụng, phù hợp những ngày lạnh hoặc sau khi đi mưa về.
Nên dùng lá tía tô tươi, rửa sạch, thái nhỏ và cho vào khi cháo còn nóng, tránh đun sôi quá lâu làm mất tinh dầu.
Chỉ với vài lá tía tô trong bát cháo, bạn không chỉ giúp món ăn thêm đậm đà, thơm ngát mà còn mang lại lợi ích lớn cho sức khỏe cả nhà. Đó là minh chứng rằng: đôi khi, “bài thuốc quý” không nằm trong tiệm thuốc – mà ngay trong căn bếp của bạn.
Phương Nghi (t/h)