Giá dầu thế giới
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22-5, giá dầu tiếp tục giảm khi các nhà đầu tư cân nhắc thông tin OPEC+ đang thảo luận về việc tăng sản lượng trong tháng 7, làm dấy lên lo ngại cung vượt cầu.
Giá dầu tiếp tục giảm đầu phiên giao dịch ngày 23-5. Ảnh minh họa: Reuters
Giá dầu Brent giảm 47 cent, tương đương 0,72%, xuống mức 64,44 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 37 cent, tương đương 0,6%, xuống mức 61,2 USD/thùng.
Theo Bloomberg News, OPEC+ đang thảo luận có nên tiếp tục tăng mạnh sản lượng tại cuộc họp vào ngày 1-6 hay không. Bài báo trích dẫn nguồn tin từ các đại biểu cho biết, một trong những phương án là tăng 411.000 thùng/ngày vào tháng 7.
"Sự đồn đoán về OPEC+ là yếu tố lớn nhất hiện nay", John Kilduff, đối tác tại Again Capital ở New York nhận xét. Theo ông, quyết định của OPEC+ sẽ có sức nặng khá lớn và việc Kazakhstan không thực hiện được cam kết trong tháng trước càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Trong tháng 5, sản lượng dầu của Kazakhstan đã tăng 2% dù OPEC+ yêu cầu quốc gia Trung Á này phải giảm sản lượng.
OPEC+ có kế hoạch tăng tốc sản lượng và có thể đưa trở lại thị trường 2,2 triệu thùng/ngày trong tháng 11. Tổ chức này đang trong quá trình tháo gỡ lệnh cắt giảm sản lượng và đã quyết định “bơm” thêm dầu cho thị trường trong tháng 5 và tháng 6.
Theo nhà phân tích Harry Tchiliguirian tại Onyx Capital Group, thị trường đang phản ứng với bằng chứng cho thấy OPEC đang từ bỏ chiến lược bảo vệ giá để giành thị phần. Còn theo nhà phân tích Helima Croft của RBC Capital, mức tăng 411.000 thùng/ngày có khả năng cao nhất.
Giá dầu cũng đã giảm trong phiên giao dịch, chịu tác động bởi báo cáo tồn kho dầu và nhiên liệu của Mỹ bất ngờ tăng khi lượng dầu thô nhập khẩu đạt mức cao nhất trong 6 tuần và nhu cầu xăng cùng sản phẩm chưng cất giảm. Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu tăng 1,3 triệu thùng lên 443,2 triệu thùng, ngược so với dự kiến giảm 1,3 triệu thùng của các nhà phân tích.
Tồn kho dầu của Mỹ bất ngờ tăng là một trong những yếu tố đẩy giá dầu trượt dốc. Ảnh minh họa: Future Bridge
Emril Jamil tại LSEG Oil Research nhận xét, tồn kho dầu của Mỹ bất ngờ tăng gây áp lực giảm giá, đặc biệt giá dầu WTI. Điều này có thể khuyến khích Mỹ xuất khẩu nhiều hơn sang châu Âu và châu Á.
Hạn chế đà trượt dốc của giá dầu là thông tin giấy phép hoạt động của Công ty dầu khí Mỹ Chevron tại Venezuela sẽ hết hạn vào ngày 27-5.
Theo nhà phân tích cấp cao Phil Flynn của Price Futures Group, tin tức nói trên có thể làm thay đổi cuộc chơi. Nhưng trước những lần gia hạn trong quá khứ, “thị trường vẫn chưa bị thuyết phục”.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 23-5 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 19.122 đồng/lít.
Xăng RON 95-III không quá 19.532 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 17.405 đồng/lít.
Dầu hỏa không quá 17.314 đồng/lít.
Dầu mazut không quá 16.512 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 22-5. Do giá xăng dầu thế giới tuần trước tăng, nhưng giảm trong các phiên giao dịch vừa qua nên giá xăng dầu trong nước cũng đã được điều chỉnh trái chiều với giá xăng giảm nhẹ, giá dầu tăng nhẹ. Giá xăng E5 RON 92 giảm 58 đồng/lít, xăng RON 95-III giảm 62 đồng/lít, dầu diesel tăng 177 đồng/lít, dầu hỏa tăng 88 đồng/lít và dầu mazut tăng 352 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ tiếp tục không trích lập, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.
MAI HƯƠNG