Giá xăng dầu hôm nay 7/1, giá dầu “dậm chân tại chỗ” đầu phiên giao dịch ngày 7/1, chờ thêm các tin tức tác động. (Nguồn: Reuters)
Giá xăng dầu hôm nay 7/1
Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần (ngày 6/1), giá dầu giảm nhẹ, cắt đứt chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp. Sự trượt dốc này của giá dầu chịu tác động bởi một số tin tức kinh tế bi quan từ Mỹ và Đức bất chấp yếu tố hỗ trợ giá đến từ sự yếu của đồng USD và dự báo nhu cầu sưởi ấm tăng do bão mùa đông.
Giá dầu Brent giảm 21 cent, tương đương 0,3%, xuống mức 76,3 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 40 cent, tương đương 0,5%, xuống mức 73,56 USD/thùng.
Bất chấp sự sụt giảm trong phiên, cả hai mặt hàng dầu chuẩn vẫn ở trong vùng quá mua về mặt kỹ thuật trong ngày thứ 3 liên tiếp.
Tuần trước, ngày 3/1, giá dầu Brent đã đạt mức cao nhất kể từ ngày 14/10/2024 và giá dầu WTI đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 11/10/2024, được hỗ trợ bởi kỳ vọng các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ hơn sẽ giúp phục hồi nền kinh tế đang suy yếu của Trung Quốc.
Các nhà phân tích tại Tập đoàn Eurasia chuyên về tư vấn cho biết: Thị trường dầu mỏ bước vào năm 2025 với các yếu tố cơ bản về cung và cầu cân bằng, nhưng giá cả được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị kéo dài. Theo họ, trong năm nay, thị trường dầu mỏ có thể sẽ tiếp tục chứng kiến mức tăng trưởng nhu cầu thấp, có thể bị vượt qua bởi nguồn cung mới, đặc biệt là từ Mỹ và có khả năng là từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC.
Theo Reuters, giá dầu đã mất đà, từ bỏ mức tăng đầu phiên và lao dốc sau dữ liệu kinh tế từ Mỹ và Đức. Dữ liệu từ Cục Thống kê Dân số thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho thấy trong tháng 11-2024, đơn đặt hàng mới đối với hàng hóa sản xuất tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã giảm 0,4% sau khi tăng 0,5% hồi tháng 10 do nhu cầu máy bay thương mại yếu trong khi chi tiêu của doanh nghiệp cho thiết bị dường như đã chậm lại trong quý IV/2024.
Trong khi đó, tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, lạm phát giá tiêu dùng hằng năm trong tháng 12 tăng lên mức 2,9%, cao hơn 0,3% so với mức dự báo của các nhà phân tích và hơn 0,5% mức lạm phát của tháng trước đó. Lạm phát tăng cao là do giá thực phẩm tăng cao và giá năng lượng giảm ít hơn so với những tháng trước.
Để kiềm chế lạm phát cao, các ngân hàng trung ương thường tăng lãi suất và điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và nhu cầu năng lượng.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 7/1 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 20.057 đồng/lít.
Xăng RON 95-III không quá 20.746 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 18.755 đồng/lít.
Dầu hỏa không quá 18.834 đồng/lít.
Dầu mazut không quá 16.099 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 2/1. Do giá xăng dầu thế giới tuần trước và những phiên giao dịch vừa qua liên tục tăng, giá xăng dầu trong nước cũng được điều chỉnh tăng. Giá xăng E5 RON 92 tăng 240 đồng/lít, xăng RON 95-III tăng 199 đồng/lít, dầu diesel tăng 125 đồng/lít, dầu hỏa tăng 126 đồng/lít, dầu mazut tăng 129 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ không trích lập, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.
(tổng hợp)
Ngọc Hà