Giờ đây, khi hào quang ban đầu dần lắng xuống, câu hỏi đặt ra là làm sao tiếp lửa cho “giấc mơ World Cup” không tắt. Điều này đòi hỏi sự nhìn lại nghiêm túc những thành quả và hạn chế trong hai năm qua, đồng thời đề ra chiến lược đầu tư dài hơi nhằm duy trì động lực phát triển cho bóng đá nữ Việt Nam.
Đội tuyển nữ cần được đầu tư mạnh mẽ để có thể tái lập kỳ tích năm 2023. Ảnh: VFF
Nhìn lại hành trình lịch sử và thực tại
World Cup 2023 là dấu mốc không thể nào quên, tuyển nữ Việt Nam lần đầu tiên tham dự giải đấu bóng đá nữ lớn nhất hành tinh. Dù rơi vào bảng đấu tử thần với Mỹ, Bồ Đào Nha và Hà Lan, các cô gái Việt Nam đã thể hiện tinh thần quả cảm đáng khâm phục.
Trận thua 0-3 trước đương kim vô địch Mỹ ở ngày ra quân 22.7.2023 không khiến người hâm mộ thất vọng. Trái lại, màn trình diễn quả cảm, trong đó có pha cản phá phạt đền của thủ môn Kim Thanh trước ngôi sao Alex Morgan đã làm dậy sóng truyền thông quốc tế.
Dù kết thúc giải với ba trận toàn thua, không ghi được bàn nào và thủng lưới 12 lần, thầy trò HLV Mai Đức Chung vẫn nhận được sự ngưỡng mộ và ủng hộ lớn từ cộng đồng. “Tham dự World Cup đã là một kỳ tích. Chúng tôi không ngại đối đầu với bất kỳ ai”, HLV Mai Đức Chung phát biểu khi trở về từ Australia.
Sau World Cup, đội tuyển nữ tiếp tục chinh chiến tại ASIAD 19 và vòng loại Olympic Paris 2024. Nhưng do khoảng cách trình độ, các cô gái áo đỏ không thể tạo nên bất ngờ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn giữ ngôi số 1 Đông Nam Á theo bảng xếp hạng FIFA cuối năm 2023, dù khoảng cách với Philippines, Thái Lan đang bị thu hẹp rõ rệt.
Đặc biệt, sau khi HLV Mai Đức Chung chia tay đội tuyển vào cuối năm 2023, bóng đá nữ Việt Nam bước vào giai đoạn chuyển giao. Lực lượng trẻ dần được đôn lên, nhưng còn thiếu kinh nghiệm. Một số trụ cột như Huỳnh Như, Tuyết Dung do gánh nặng tuổi tác cũng dần bước sang bên kia sườn dốc sự nghiệp.
Trong hai năm qua, dù VFF có nhiều nỗ lực nhưng Giải VĐQG nữ vẫn chỉ có 8 đội bóng thuộc 6 địa phương tham dự, đá tập trung, không có lên - xuống hạng, thiếu sự cạnh tranh và sức hút. Một số CLB như Sơn La, Thái Nguyên gặp khó về tài chính, thậm chí suýt phải giải thể. Khán đài giải nữ vẫn thưa vắng khán giả, truyền thông chưa mặn mà. Bất chấp kỳ tích World Cup, phần lớn cầu thủ nữ dù thu nhập đã được cải thiện nhưng đời sống vẫn khó khăn, sự nghiệp ngắn.
Sau ánh hào quang tại World Cup, các cô gái vàng của chúng ta trở về với guồng quay tập luyện thầm lặng, thi đấu ở các giải Đông Nam Á hay vòng loại châu lục vốn không được chú ý bằng.
Sự kỳ vọng từ công chúng từng dâng cao sau chiến tích World Cup, có nguy cơ phai nhạt nếu bóng đá nữ không tiếp tục gặt hái thành tích nổi bật. Đây là một thực trạng đòi hỏi những người làm bóng đá phải trăn trở: Làm thế nào để “giữ lửa” đam mê và sự ủng hộ dành cho bóng đá nữ Việt Nam?
Cần được nuôi dưỡng từ gốc rễ
Để giấc mơ World Cup không trở thành ngôi sao băng vụt tắt, bóng đá nữ Việt Nam cần được nuôi dưỡng từ gốc rễ. Theo chuyên gia Phan Anh Tú, bài toán lớn nhất là hệ thống đào tạo bài bản, vấn đề con người và tiềm lực kinh tế. Hiện cả nước mới có khoảng vài trăm cầu thủ nữ thi đấu chuyên nghiệp, tập trung ở chưa tới 10 địa phương. So với các nền bóng đá phát triển, con số ấy là quá nhỏ để duy trì đội tuyển cạnh tranh ở cấp độ châu lục.
Về giải pháp, VFF đã đề xuất ba hướng ưu tiên: Mở rộng phong trào bóng đá nữ tại các địa phương; nâng tầm giải VĐQG và xây dựng hệ thống đào tạo trẻ liên tục từ U13 đến U20. Một số trung tâm như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Thái Nguyên đã có tín hiệu tích cực. Đặc biệt, các lò đào tạo có sự đầu tư của doanh nghiệp như T&T ở Thái Nguyên đang mở ra hướng đi khả thi.
Thực tế cho thấy, khi có tài trợ và mô hình chuyên nghiệp, bóng đá nữ có thể cất cánh. Ví dụ, cầu thủ Huỳnh Như sau khi sang Bồ Đào Nha thi đấu cho Lank FC đã trưởng thành vượt bậc, nhiều nguồn tin cho biết, cô nhận mức lương khoảng 1.500 euro/tháng cao hơn mặt bằng chung trong nước gấp nhiều lần. Song, những trường hợp như vậy còn rất hiếm.
Một hướng đi khác là tận dụng sự hỗ trợ quốc tế. UEFA đang phối hợp với VFF để phát triển bóng đá nữ Việt Nam thông qua các dự án đào tạo, truyền thông và tổ chức giải. Đồng thời, các đội U17, U20 nữ được đưa đi tập huấn, thi đấu quốc tế nhiều hơn để tích lũy kinh nghiệm.
Tuy nhiên, để tiếp tục mơ World Cup, bóng đá nữ Việt Nam cần một “hệ sinh thái” thực sự, nơi từ CLB, giải trẻ đến giải VĐQG đều vận hành chuyên nghiệp, bài bản. Một đề xuất được nhiều chuyên gia ủng hộ là yêu cầu mỗi CLB nam V.League thành lập đội bóng nữ, giống mô hình châu Âu. Khi đó, cầu thủ nữ mới có đủ đất diễn, cạnh tranh, sinh kế và cả tương lai. Tuy nhiên việc duy trì kinh phí để nuôi nhiều đội nam tại V.League còn đang gặp khó nên đề xuất này chưa biết đến bao giờ mới thực hiện được.
Cuối cùng, không thể thiếu vai trò của truyền thông và người hâm mộ. Câu chuyện của các cô gái Việt Nam tại World Cup 2023 từng truyền cảm hứng lớn cho cả xã hội. Nếu được kể tiếp, nuôi dưỡng bằng sự quan tâm, cổ vũ và đầu tư thực chất giấc mơ ấy hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
World Cup 2023 là kỳ tích lịch sử, nhưng hai năm sau, thách thức đặt ra cho bóng đá nữ Việt Nam vẫn còn đó, thậm chí lớn hơn. Bởi giữ được lửa mới là khó nhất. Thay vì chỉ nhìn lại, đã đến lúc chúng ta hành động thực sự từ hệ thống đào tạo, chính sách tài trợ, cơ chế giải đấu, đến thay đổi nhận thức xã hội về vai trò và giá trị của thể thao nữ. Nếu không muốn World Cup chỉ là giấc mơ thoáng qua, bóng đá nữ Việt Nam cần thêm một lần mạnh mẽ vượt lên…
NGUYỆT LAM