Giấc mơ giữa dòng

Giấc mơ giữa dòng
4 giờ trướcBài gốc
Cuộc sống trên sông nước không chỉ là công việc kiếm sống, đó là một hành trình đầy cảm xúc, chứa đựng tình yêu thương và ý chí kiên cường của những người phụ nữ. Họ mạnh mẽ như sóng nước xô bờ, âm thầm và bền bỉ vượt qua mọi thử thách.
Ngoài nấu ăn, chị Nguyễn Thị Yến (xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa) còn phụ giúp chồng sửa chữa, sơn phết sà lan
Chẳng ai chọn gắn bó đời mình với con nước nếu không vì duyên số. Đó cũng là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Yến (SN 1979, ngụ xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa), theo nghề chạy ghe chở gạo từ gia đình chồng. Bằng tình yêu và sự kiên trì, chị vẫn quyết tâm bám trụ. “Tôi lấy chồng là theo luôn nghề của chồng, chẳng dám nghĩ nhiều đến vất vả, gian nan, chỉ mong làm chỗ dựa vững chắc để chồng an tâm mưu sinh” - chị Yến trải lòng.
Chị Yến nối nghiệp nhà chồng, tiếp tục nghề chạy sà lan. Cha chồng từng chỉ cho chị cách nắm biết con nước, đậy bạt che kín hàng hóa giữa nắng mưa để bảo vệ từng chuyến hàng như ngày trước ông chèo ghe mui trần, cực khổ biết bao. Từ chiếc ghe nhỏ chỉ 180 tấn, giờ đây, vợ chồng chị lái sà lan 1.300 tấn, vận chuyển gạo, bã đậu nành từ miền Tây lên TP.HCM. Ban đầu, chị cũng cảm thấy khó chịu khi sống trong không gian chật hẹp trên sà lan, nhất là nhớ nhà quay quắt trong những chuyến đi dài đằng đẵng. Nhưng rồi, qua từng con nước, chị dần yêu cái nghề gian nan mà đầy trải nghiệm. Chị có cơ hội đi đến những vùng đất mới, gặp những con người xa lạ mà thân thương. Dẫu vất vả nhưng chị nhận ra rằng “nghiệp” này cũng mang lại nhiều niềm vui riêng cho mình.
Chạy sà lan không chỉ là việc điều khiển vô lăng mà còn cần hiểu biết về con nước. Chị Yến sau 20 năm bám sông, thấm thía cái khổ của nghề. Chị nhớ những đêm thức trắng vì thuận nước là phải đi ngay, không dám lỡ nhịp. “Nước mà đứng lại, mình phải chờ, mà chờ thì chẳng biết đến bao giờ" - chị Yến nói.
Công việc này còn phải nhạy bén trong nắm biết thủy triều, thời tiết và cách điều khiển qua từng khúc sông. Trong mỗi hành trình, chị đều ghi lại từng hàng đáy, từng chiếc phao ở từng con sông để sà lan dễ dàng di chuyển. Chị Yến chia sẻ: “Không chỉ biết lái, còn phải canh thời điểm nước ròng, nước lớn và xử lý khéo khi gặp sóng lớn để sà lan không chao đảo”. Đêm nào cũng thức khuya, chỉ còn lại tiếng máy sà lan và tiếng sóng vỗ khiến giấc ngủ của chị trở nên xa xỉ vô cùng.
Thân em như con nước ròng
Thương chồng cũng phải nương dòng mà đi,
Câu thơ ấy cũng vận vào cuộc đời chị Nguyễn Thị Hiền (SN 1984, ngụ xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An). Cuộc đời chị gắn với dòng sông không phải từ sở thích mà từ duyên nghiệp của chồng. Ngày trước, anh chị chạy ghe kiếm sống, rồi khi cuộc sống khá hơn, năm 2019, vợ chồng chị mới đóng sà lan để chở được nhiều gạo hơn cho buôn lái. Chị Hiền tâm sự: “Ngày trước dễ kiếm lời, giờ người ta chạy sà lan nhiều, mình chỉ sống nhờ vài mối quen, còn người kêu thì còn chạy, hết người gọi thì dừng".
Chạy sà lan giúp vợ chồng chị nuôi sống gia đình nhưng cũng đồng nghĩa với việc xa cách các con. Hai người con nhỏ đành gửi lại ông bà ngoại nuôi nấng. Mỗi năm, chị chỉ về thăm con được đôi lần và những lần ấy đều đầy nước mắt: “Mỗi lần về, con lại đòi theo lên sà lan, mà mẹ đi thì con khóc hoài” - chị Hiền nghẹn ngào nhớ lại. Mưu sinh trên sông nước đã thành "nghiệp" và phải xa con khiến lòng người mẹ như chị Hiền day dứt khôn nguôi.
Nghề chạy sà lan đòi hỏi nhiều công sức, không chỉ trong việc lái và vận hành mà còn ở khâu bảo trì và dọn dẹp. Để tiết kiệm chi phí, chị Hiền thường tự sơn phết, bảo dưỡng sà lan. Quá trình này gồm làm sạch lớp vỏ sà lan khỏi những vết bám gỉ sét do thời tiết và nước sông gây ra rồi sơn lại để bảo vệ tàu khỏi hư hỏng. Công việc này đòi hỏi sức lực và kiên nhẫn vì diện tích sà lan rất lớn.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hiền (xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An) luôn vui vẻ dù cuộc sống mưu sinh sông nước đầy khó khăn
Sau mỗi chuyến chở hàng, đặc biệt là những mặt hàng như bã đậu nành hay cám, bụi bẩn thường bám đầy hầm. Chị Hiền phải thường xuyên dọn dẹp hầm sà lan để chuẩn bị cho chuyến hàng kế tiếp. Hầm được quét sạch, bảo đảm chất lượng và an toàn cho chuyến hàng mới. Việc này đòi hỏi không chỉ sức lực mà còn cẩn thận, tỉ mỉ. Những lúc mệt nhoài sau công việc, chị vẫn giữ nụ cười, cho rằng “dãi nắng dầm mưa” là chuyện thường tình của nghề sông nước, miễn còn sức khỏe thì còn làm.
Nhiều người cho rằng cuộc sống lênh đênh sông nước là vô định nhưng chị Hiền và chị Yến đã chứng minh điều ngược lại. Xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn, họ đã xây dựng con đường thành công từ những chuyến ghe chở hàng, rồi đến những chiếc sà lan vững chãi. Mỗi chuyến đi không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình mà còn tạo ra cơ hội việc làm cho những người xung quanh.
Dẫu phải xa gia đình, dãi nắng dầm mưa, họ vẫn kiên trì theo đuổi nghiệp sông nước với niềm tin vào một tương lai tươi sáng. Qua từng con nước, chị Hiền và chị Yến không chỉ vận chuyển hàng hóa mà còn chở theo ước mơ và hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình.
Nghề chạy sà lan không chỉ là công việc mưu sinh mà còn là sự kiên cường và lòng nhiệt huyết, lặng lẽ chảy theo dòng sông, mang theo bao tâm huyết và tình yêu thương./.
Du Nhiên
Nguồn Long An : https://baolongan.vn/giac-mo-giua-dong-a184765.html