Phó Tổng thống Mỹ JD Vance trong chuyến đi tới Greenland, lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch, ngày 28/3. (Nguồn: Pool)
Trong cuộc phỏng vấn với NBC News hôm 29/3, Tổng thống Trump nhắc lại ý định kiểm soát Greenland. Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố nước Mỹ sẽ “100% có được Greenland” và khẳng định có thể thực hiện điều đó “mà không cần vũ lực” nhưng “không loại trừ bất kỳ phương án nào”.
Trước đó, ngày 24/3, ông Trump từng khẳng định tham vọng biến đảo Greenland thành một phần lãnh thổ của Mỹ với lý do “an ninh quốc tế”. Ngày 26/3, ông tiếp tục nhấn mạnh rằng “nước Mỹ cần Greenland” và “chúng ta phải có được nó”.
Dấu hiệu cho thấy sự quyết tâm của Washington càng rõ nét khi Phó Tổng thống J.D. Vance dẫn đầu một phái đoàn Mỹ, bao gồm Cố vấn An ninh quốc gia Mike Waltz, đến thăm hòn đảo này vào ngày 28/3. Phát biểu trước binh sĩ Mỹ tại căn cứ quân sự Pituffik, ông Vance nhấn mạnh Washington cần kiểm soát Greenland “để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga”. Ông cũng chỉ trích cách quản lý của Đan Mạch, cho rằng Greenland sẽ an toàn hơn dưới sự kiểm soát của Mỹ.
Những động thái của Washington đã vấp phải phản đối mạnh mẽ từ Đan Mạch và Greenland. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tuyên bố phát biểu của Phó Tổng thống Vance là “không chính xác”. Thủ hiến Greenland Jens-Frederik Nielsen thì khẳng định: “Greenland không thuộc về bất kỳ ai. Chúng tôi tự quyết định tương lai của mình”.
Quan điểm này phản ánh mong muốn duy trì quyền tự trị của Greenland, đặc biệt khi hòn đảo đã được trao quyền tự trị vào năm 2009 và có quyền tuyên bố độc lập thông qua một cuộc trưng cầu dân ý.
Vài ngày sau chuyến thăm của Phó Tổng thống Vance, Thủ tướng Mette Frederiksen cũng bay đến Greenland ngày 2/4, bắt đầu chuyến thăm kéo dài 3 ngày. Tuyên bố với báo giới tại thủ phủ Nuuk của Greenland ngay sau khi hạ cánh, nữ Thủ tướng khẳng định, “Mỹ sẽ không tiếp quản Greenland. Greenland thuộc về người dân Greenland”.
Cho dù ủng hộ Greenland “trong một tình huống rất, rất khó khăn”, bà Frederiksen cam kết sẽ làm mọi cách có thể để đảm bảo quyền bình đẳng cho người Greenland và người Đan Mạch trong lãnh thổ Đan Mạch.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tại Greenland ngày 2/4. (Nguồn: AP)
Greenland có diện tích khoảng 2,16 triệu km² nhưng chỉ có khoảng 57.000 cư dân. Hòn đảo này không chỉ có vị trí chiến lược giữa Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương mà còn sở hữu nguồn tài nguyên phong phú như vàng, bạc, đồng, uranium và các nguyên tố đất hiếm quan trọng cho ngành công nghiệp hiện đại. Dù vậy, khoảng 80% bề mặt đảo luôn bị phủ băng dày.
Hòn đảo này từng là thuộc địa của Vương quốc Na Uy từ năm 1261 và được chuyển giao cho Đan Mạch khi vương quốc này tách thành hai quốc gia Đan Mạch và Na Uy năm 1814. Năm 1953, Copenhagen thông qua Hiến pháp xác định Greenland là một tỉnh của Đan Mạch. Sau cuộc trưng cầu ý dân năm 1978, Quốc hội Đan Mạch thông qua Luật số 577 trao cho Greenland quyền tự trị và chịu kiểm soát một phần từ Copenhagen về chính sách đối ngoại.
Mỹ đã có sự hiện diện quân sự tại Greenland từ lâu. Ngày 9/4/1941, Mỹ đã ký kết một thỏa thuận với Đan Mạch để vùng lãnh thổ Greenland trở thành “lãnh thổ được Mỹ bảo hộ”. Sau đó, để duy trì chủ quyền của mình ở Greenland, Copenhagen đã ký một hiệp định quốc phòng với Mỹ vào ngày 27/4/1951, cho phép Washington đặt các căn cứ quân sự tại đảo.
Một trong những căn cứ quan trọng nhất là Pituffik, nơi đặt hệ thống radar và trạm giám sát chiến lược của Mỹ.Theo ông Per Erik Solli thuộc Viện quan hệ quốc tế quốc gia Na Uy (NUPI), “bất kỳ tên lửa hoặc máy bay nào đến từ khu vực Á - Âu muốn nhằm vào nước Mỹ đều phải bay qua Bắc Cực, nên có thể bị phát hiện sớm từ căn cứ Pituffik”. Điều này lý giải vì sao Washington luôn coi Greenland là một phần quan trọng trong chiến lược phòng thủ của mình.
Tham vọng kiểm soát Greenland của Mỹ không đơn thuần là một toan tính kinh tế mà còn liên quan chặt chẽ đến chiến lược quân sự và cạnh tranh địa chính trị. Tuy nhiên, vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Đan Mạch và chính người dân Greenland, liệu Washington có thể hiện thực hóa tham vọng này hay không còn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Nhất Phong