Không lâu sau khi khán giả toàn cầu được chứng kiến hình ảnh siêu anh hùng mặc bộ giáp công nghệ cao chiến đấu, Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) bắt đầu triển khai chương trình phát triển bộ giáp chiến đấu thật sự, được kỳ vọng sẽ mang lại khả năng siêu phàm cho binh sĩ ngoài chiến trường.
Tuy nhiên, sau 6 năm nghiên cứu và thử nghiệm, chương trình mang tên Tactical Assault Light Operator Suit (TALOS) đã bị hủy bỏ vào năm 2019. Nguyên nhân chính không đến từ thiết kế hay ý tưởng, mà nằm ở thách thức công nghệ: thiếu nguồn năng lượng nhỏ gọn và đủ mạnh.
Iron Man (Người sắt) trong phim cùng tên đang giơ tay về phía trước, phát ra một luồng năng lượng từ lòng bàn tay trong tư thế sẵn sàng chiến đấu - Ảnh: Paramount
Khi Hollywood truyền cảm hứng cho quân đội
Năm 2013, Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt Mỹ (SOCOM) công bố khởi động chương trình TALOS, một dự án nhằm chế tạo bộ đồ chiến đấu có khả năng bảo vệ cao, tích hợp cảm biến, vũ khí, và công nghệ tăng cường sức mạnh vật lý cho người mặc. Dù không thừa nhận trực tiếp, nguồn cảm hứng từ hình ảnh Người Sắt của Marvel là điều ai cũng dễ dàng liên tưởng.
Mục tiêu của TALOS là cung cấp cho lực lượng đặc nhiệm - đặc biệt là các đơn vị như SEAL Team Six - một bộ giáp giúp họ tăng khả năng sống sót trong những tình huống nguy hiểm cao, như đột nhập vào các tòa nhà kiên cố trong Chiến tranh Toàn cầu chống Khủng bố (GWOT).
Tướng William McRaven, khi đó là chỉ huy SOCOM, mô tả bộ đồ như một giải pháp tích hợp toàn diện giữa giáp bảo vệ, bộ xương ngoài, hệ thống liên lạc, và cảm biến sinh lý, tất cả gói gọn trong một nền tảng di động tối ưu cho chiến trường.
Chương trình TALOS thu hút nhiều tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp quốc phòng, bao gồm Raytheon, Lockheed Martin, Revision Military, cùng với các cơ quan như DARPA và RDECOM. Tuy nhiên, cái tên gây bất ngờ nhất là Adidas. Sự xuất hiện của hãng đồ thể thao này trong danh sách đối tác khiến công chúng đặt câu hỏi về tính thực tiễn và định hướng rõ ràng của chương trình.
Với tổng ngân sách chỉ khoảng 80 triệu USD trong 4 năm, TALOS có chi phí khá “khiêm tốn” so với các dự án quốc phòng khác như máy bay F-35 hay F-22. Dẫu vậy, một số chuyên gia đã bày tỏ lo ngại rằng khoản đầu tư này không đủ để biến tham vọng thành hiện thực, nhất là khi mốc thời gian đặt ra khá ngắn - từ nguyên mẫu năm 2014 đến sản phẩm chiến đấu vào năm 2018.
TALOS có thực sự cần thiết?
Theo SOCOM, TALOS được thiết kế nhằm giải quyết các điểm yếu mà binh sĩ Mỹ gặp phải trong các chiến dịch đặc biệt, đặc biệt là khi đối mặt với hỏa lực mạnh trong không gian chật hẹp hoặc địa hình phức tạp. Bộ giáp sẽ cung cấp khả năng bảo vệ vượt trội trước đạn súng trường, mảnh đạn, đồng thời tăng cường thể lực, tốc độ, và khả năng phản ứng.
Không giống như hình ảnh đại trà trong phim, bộ giáp TALOS không dành cho toàn đội mà chỉ trang bị cho các chỉ huy trong những nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm. Điều này phản ánh chiến lược “đầu tư có mục tiêu”, tập trung nâng cao năng lực sống sót và tác chiến cho người ra quyết định trực tiếp tại hiện trường.
TALOS là tập hợp của nhiều công nghệ tiên tiến: từ giáp chống đạn, cảm biến sinh lý, cho đến hệ thống nhìn đêm, âm thanh định hướng, và bộ xương ngoài.
Giáp bảo vệ: TALOS sử dụng vật liệu tiên tiến như polyethylene siêu nhẹ, chất lỏng biến đổi lưu biến - có khả năng chuyển từ lỏng sang rắn trong vài mili giây khi chịu tác động. Loại “giáp lỏng” này được MIT nghiên cứu và phát triển.
Bộ khung xương ngoài: Hệ thống này nhằm hỗ trợ vận động và giảm sức nặng khi mang theo trang bị nặng tới 30 - 40kg. Các phiên bản ban đầu là toàn thân, nhưng sau được rút gọn thành bộ phận hỗ trợ phần thân dưới, dễ tháo rời khi vào chiến đấu.
Cảm biến sinh lý: Theo dõi nhịp tim, nhiệt độ, mức độ hydrat hóa và vị trí cơ thể theo thời gian thực. Trong trường hợp bị thương, hệ thống có thể triển khai sơ cứu tự động như bọt cầm máu hay cung cấp oxy.
Nhận thức tình huống: TALOS tích hợp camera 360 độ, hệ thống quan sát đêm, kết nối với máy bay không người lái, cung cấp góc nhìn chiến trường toàn diện cho người mặc.
Mục tiêu cuối cùng là biến người lính trở thành một nền tảng cảm biến di động, vừa có khả năng tự vệ cao, vừa hỗ trợ chỉ huy hiệu quả hơn trên chiến trường hiện đại.
Điểm yếu "chí tử": Nguồn năng lượng
Dù đầy hứa hẹn, TALOS vấp phải một trở ngại công nghệ không thể vượt qua: nguồn điện. Để vận hành đầy đủ, bộ đồ cần nguồn năng lượng có thể duy trì tối thiểu 12 giờ hoạt động ở mức công suất 12 kilowatt - một yêu cầu rất cao với công nghệ pin hiện tại.
Trong phim Iron Man, vấn đề này được giải quyết gọn gàng nhờ “lò phản ứng hồ quang”- một thiết bị hoàn toàn hư cấu. Nhưng trong thế giới thực, giải pháp tương đương vẫn chưa thể khả thi. Đây là nguyên nhân chính khiến chương trình TALOS bị hủy bỏ vào năm 2019.
Mặc dù chương trình đã kết thúc, nhiều công nghệ phụ trợ từ TALOS vẫn tiếp tục phát triển độc lập và được tích hợp vào các nền tảng hiện có.
Giáp polyethylene nhẹ hiện đang được thử nghiệm tại một số đơn vị đặc nhiệm, cho thấy tiềm năng vượt trội khi nhẹ hơn 25% mà vẫn tăng diện tích bảo vệ hơn 40% so với áo giáp tiêu chuẩn. Hệ thống giám sát sinh lý đang được lắp đặt trên thiết bị chiến đấu nhằm tăng cường khả năng chăm sóc y tế tiền tuyến.
Bộ khung xương ngoài phần thân dưới, ví dụ như ONYX và FORTIS của Lockheed Martin, đang được kiểm tra trong môi trường thực tế để hỗ trợ hành quân dài ngày. Ngoài ra, nhà sáng lập Oculus - Palmer Luckey - với công ty quốc phòng Anduril cũng tuyên bố đang phát triển một bộ giáp ngoài chiến đấu đơn giản, chi phí thấp hơn nhưng hiệu quả cao hơn TALOS.
Trong khi Mỹ chưa hoàn thiện bộ giáp chiến đấu lý tưởng, các quốc gia khác cũng không đứng yên. Trung Quốc gần đây đã trình làng một mẫu bộ giáp ngoài trong nước phát triển, dù còn cồng kềnh. Nga cũng được cho là đang nghiên cứu công nghệ tương tự để trang bị cho lực lượng đặc nhiệm của họ.
Cuộc đua công nghệ quân sự đang dần chuyển hướng từ không chỉ sức mạnh hỏa lực, mà còn là sự kết hợp giữa con người và máy móc - nơi những “siêu chiến binh” với thiết bị hỗ trợ có thể thay đổi cục diện chiến trường. Dù TALOS thất bại trong vai trò một siêu giáp như trong phim ảnh, nhưng các thành phần cốt lõi của nó vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong làn sóng công nghệ quân sự tiếp theo.
Hoàng Vũ