Giải 'bài toán' già hóa cán bộ thôn, bản (bài 2)

Giải 'bài toán' già hóa cán bộ thôn, bản (bài 2)
6 giờ trướcBài gốc
“Khỏe đâu đến già”
Không thể phủ nhận vai trò của đội ngũ cán bộ người cao tuổi trong thời gian qua, đó là những người giàu kinh nghiệm trong công tác, lao động, sản xuất và đời sống, đặc biệt là có uy tín trong cộng đồng thôn, bản. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận một thực tế hiện nay đội ngũ này đã cao tuổi, sức khỏe giảm sút, phần nào hạn chế đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, chính quyền cơ sở. Nhất là trong việc đổi mới, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Quàng Văn Tấn, Bí thư Chi bộ thôn Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa). Năm nay ông Tấn 66 tuổi. Dù luôn nhiệt tình với công việc nhưng do tuổi đã cao, ông mong muốn tìm được người kế cận thay mình đảm trách công việc thôn.
Ông Tấn cho biết: “Do tuổi đã cao nên khó tránh khỏi những hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ của chi bộ, địa phương, nhất là việc tiếp cận công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tôi mong muốn được nghỉ ngơi và bàn giao nhiệm vụ cho người khác trẻ tuổi, năng động, phù hợp hơn. Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ cán bộ nguồn rất ít, người trẻ tuổi thì càng khó.”
Ông Quàng Văn Tấn mong muốn tìm được người trẻ kế cận thay đội ngũ cán bộ thôn ngày càng có xu hướng già.
Theo ông Cà Văn Phiến, Chủ tịch UBND xã Tủa Thàng, những năm qua xã luôn trăn trở đội ngũ cán bộ thôn, bản trên địa bàn. Đây là lực lượng rất quan trọng, nhưng tình trạng già hóa ngày càng rõ, phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ, nhất là những công việc liên quan đến đổi mới, công nghệ thông tin, họp trực tuyến… Thời gian qua, xã đã quan tâm, định hướng việc đào tạo đội ngũ cán bộ thôn, bản là người trẻ tuổi, có năng lực, nhưng rất khó. Bởi, lực lượng trẻ đi học hành, làm kinh tế, ở địa phương chỉ còn những người già, trẻ em. Hơn nữa, đội ngũ cán bộ thôn, bản là do dân tín nhiệm bầu, nên có những người chi bộ định hướng, giới thiệu nhưng người dân không bầu cũng rất khó.
Ông Lý A Da, Trưởng bản Chuyên Gia 1, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) là một trong những người tâm huyết, trách nhiệm với công việc chung của bản. Tuy nhiên, do tuổi cao, trình độ văn hóa hạn chế (mới học lớp 3/10), nên quá trình thực hiện nhiệm vụ chung của bản gặp không ít khó khăn, nhất là việc áp dụng công nghệ thông tin, khoa học vào đời sống. Dù được người dân tín nhiệm, nhưng do hạn chế về sức khỏe nên sự năng động, sáng tạo bị hạn chế. Vì vậy, suốt nhiều năm làm trưởng bản, ông Da chủ yếu tuyên truyền lại các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân, chưa để lại nhiều dấu ấn trong việc giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Bí thư chi bộ bản Mường Nhé 2 (xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé) tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng.
Đa phần đội ngũ cán bộ cấp thôn, bản trên địa bàn tỉnh là người cao tuổi, vì vậy việc tiếp cận, áp dụng kiến thức mới, khoa học kỹ thuật hiện đại có phần hạn chế. Đội ngũ cán bộ người cao tuổi gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận công nghệ thông tin; thậm chí nhiều người chưa biết sử dụng điện thoại thông minh, máy tính. Đây là điều trăn trở của cấp ủy, chính quyền các cấp, mặc dù hàng năm các địa phương đều rà soát, đề ra giải pháp nâng cao năng lực, trách nhiệm cho đội ngũ này.
Người trẻ không mặn mà
Xác định từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ thôn, bản là giải pháp tích cực củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Tuy nhiên việc giao trọng trách “đầu tầu” cho người trẻ đang gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân là do công việc nhiều nhưng phụ cấp lại quá thấp, thậm chí không đủ tiền xăng xe đi lại.
Thời điểm xảy ra dịch Covid-19 hay gần đây chiến dịch làm căn cước công dân, định danh điện tử, đội ngũ cán bộ thôn, bản là “cánh tay” đắc lực của lực lượng y tế, công an trong thực hiện nhiệm vụ. Nếu không có lực lượng này, khó hoàn thành nhiệm vụ. Bởi với các thôn, bản dưới xuôi đường sá thuận lợi, việc tuyên truyền, vận động dễ dàng, nhưng với thôn, bản vùng cao, biên giới thì giao thông đi lại rất khó khăn, thậm chí phải đi bộ hoặc đi xe mất cả buổi sáng. Theo anh Lò Văn Vân, Trưởng bản Trại Bò, xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông), nếu không vì trách nhiệm, sự tín nhiệm của người dân thì tiền phụ cấp không đủ tiền xăng xe đi lại.
Anh Lò Văn Vân, Trưởng bản Trại Bò, xã Keo Lôm (thứ tư từ phải sang), phối hợp với công an tuyên truyền người dân giữ gìn an ninh trật tự.
Chính vì phụ cấp ít, không đảm bảo chi phí sinh hoạt gia đình nên đội ngũ trẻ không mấy mặn mà tham gia công việc ở thôn, bản. Như trường hợp anh Thào A Lử (SN 1990, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa) được chính quyền địa phương, người dân đánh giá cao về năng lực, trình độ và trách nhiệm công việc. Anh Lử được vận động, khuyến khích tham gia công việc trưởng thôn trên địa bàn xã, tuy nhiên, anh từ chối với lý do bận làm kinh tế.
Ông Hoàng Hải Giang, Phó phòng Nội vụ huyện Tủa Chùa cho biết: Hiện nay việc tìm bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản khá khó khăn, chưa nói đến việc trẻ hóa đội ngũ. Người trẻ không muốn tham gia do họ rời địa phương đi học, đi làm, ít tham gia vào các hoạt động ở thôn, bản. Vì vậy, đội ngũ cán bộ thôn, bản ở hầu hết là người cao tuổi, ở khu vực thị trấn chủ yếu là cán bộ về hưu. Huyện trăn trở, tìm nhiều cách để vận động, đào tạo, hỗ trợ đội ngũ trẻ tuổi, có năng lực tham gia các công việc ở thôn, bản nhưng rất khó.
Ở nông thôn đã vậy, khu vực thành phố, thị trấn thì việc tìm cán bộ tổ dân phố có tuổi đời trên dưới 30 có lẽ “đỏ con mắt” vẫn chưa thấy. Như tại thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo), những năm qua công việc của các khối dân cư hầu như 100% do những người cao tuổi, về hưu làm, không có lực lượng trẻ tuổi tham gia.
Phụ cấp thấp, chưa đảm bảo thu hút, giữ chân được người trẻ. Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định, đối với chức danh bí thư chi bộ, trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố được hưởng mức phụ cấp 1,35 lần so với mức lương cơ sở/người/tháng (đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh - trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã ở khu vực biên giới); hưởng mức phụ cấp 1,25 lần so với mức lương cơ sở/người/tháng (đối với những thôn, bản, tổ dân phố thuộc các xã, phường, thị trấn còn lại).
Ông Giàng A Dì, Phó Bí thư Đảng ủy xã Sính Phình (ở giữa) trao đổi với cán bộ xã về chế độ với cán bộ cơ sở.
Ông Giàng A Dì, Phó Bí thư Đảng bộ xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa) cho biết: Trên địa bàn xã những năm gần đây xuất hiện tình trạng đội ngũ cán bộ thôn, nhất là trưởng thôn bỏ công tác vì mức phụ cấp thấp, để đi làm kinh tế. Như trường hợp của anh Giàng A Trao, trưởng thôn 2, đã bỏ chức trưởng thôn từ tháng 4/2024 để đi làm kinh tế. Vì vậy, bí thư chi bộ phải kiêm thêm nhiệm vụ trưởng thôn. Mặc dù xã đã tuyên truyền, vận động, nhưng vì điều kiện kinh tế nên anh Trao vẫn quyết định nghỉ công tác đi làm ăn.
Ngoài phụ cấp thấp thì tại các thôn, bản, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, còn nhiều trường hợp người dân không tín nhiệm, bầu người trẻ tuổi tham gia công việc của thôn, bản. Bởi theo họ, người trẻ dù năng động, nhiệt tình với công việc, nhưng mức độ am hiểu, kinh nghiệm về phong tục tập quán không bằng những người cao tuổi. Người dân lấy ví dụ như việc làm lý, cúng cơm, cúng bản của dân tộc Thái, Mông là một trong những nghi lễ quan trọng, thường do trưởng bản, người có uy tín là người đứng đầu thực hiện, trong khi đội ngũ trẻ tuổi không thay thế được. Còn đối với khu vực thị trấn, thành phố thì dân cư chủ yếu đảng viên, cán bộ, tri thức cao, vì vậy nếu đội ngũ trẻ tuổi làm bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố lãnh đạo, chỉ đạo các đảng viên khác sẽ rất khó khăn, nhiều người không chấp nhận. Vì vậy, hầu hết tổ dân phố vẫn chủ yếu do những người nhiều tuổi gánh vác công việc chung.
Bài 3: Tạo “sức bật” từ đội ngũ cán bộ trẻ
Bài, ảnh: Văn Tâm
Nguồn Điện Biên Phủ : http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/218518/giai-%E2%80%9Cbai-toan%E2%80%9D-gia-hoa-can-bo-thon-ban-bai-2