Giai điệu đi cùng năm tháng

Giai điệu đi cùng năm tháng
5 giờ trướcBài gốc
Dù tuổi đã cao nhưng nhạc sĩ Bửu Thiết vẫn miệt mài sáng tác các ca khúc về tình yêu quê hương, đất nước
Giai điệu “dệt” ký ức dân tộc
Đến thời điểm hiện tại, nhạc sĩ Bửu Thiết đã sáng tác hơn 200 ca khúc, thơ, văn xuôi và có nhiều nhạc phẩm được phát sóng tại các hội diễn, cuộc thi trong tỉnh Long An và toàn quốc. Từ vai trò Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh đến Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh, ông miệt mài với sứ mệnh kết nối văn hóa dân tộc và âm nhạc đương đại. Không cần phô trương kỹ thuật cũng chẳng cần lớp lang cầu kỳ, âm nhạc của Bửu Thiết dung dị nhưng càng nghe lại càng thấy thấm đẫm một tình yêu quê hương.
Một trong những ca khúc xuất sắc nhất của nhạc sĩ Bửu Thiết là Tiếng sáo mênh mông được trao giải Tư toàn quốc năm 1998 trong cuộc vận động sáng tác 50 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Ca khúc mở đầu bằng Văn học - Nghệ Thuật 40 Ngọc Hân những hình ảnh đầy chất thơ: “Nghe như sóng vỗ từ dòng sông, nghe như có bước người ruổi dong, từ ruộng thơm phù sa, từ cơn lũ qua xôn xao tiếng sáo dập dìu bay!”. Âm thanh của sáo, mùi ruộng phù sa - biểu tượng cho ký ức, tình yêu và hoài niệm được lồng ghép khéo léo trong không gian chiến tranh khốc liệt: “Hiên ngang giữa chiến trường sục sôi/ Căng đôi mắt với trời lửa khói lóa... chớp trái bom...”. Ca từ đậm chất thơ nhưng không bay bổng vô nghĩa, đó là tiếng vọng từ cuộc chiến, từ những bước chân người lính vượt đồng ruộng, để lại sau lưng “mùa bom bão” và “lời ru phơi giữa đồng”.
Nếu Tiếng sáo mênh mông là tiếng gọi vọng từ những tháng năm đạn bom thì Kể chuyện bà má Tầm Vu lại là hồi ức sâu lắng của nhạc sĩ, gắn liền với tình yêu dành cho mảnh đất "chôn nhau cắt rốn" và hình ảnh người má Nam Bộ tảo tần, bất khuất trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Kể chuyện Bà Mà Tầm Vu là một trong những ca khúc nhạc sĩ Bửu Thiết tâm đắc nhất
“Má Tầm Vu đương (ơ) cái nóp, cái nóp ngoài ba mươi năm trên ruộng đồng cấy mướn cày thuê chăn trâu bên vàm sông”. Ở đây, hình ảnh “cái nóp” - vật dụng gắn liền với người phụ nữ nông dân Nam Bộ - xuất hiện lặp đi lặp lại như mô-típ biểu tượng, gợi lên cả một đời lam lũ. Cách viết của ông không sa vào bi kịch, mà lồng ghép chất tự sự qua từng câu chuyện nhỏ, từng lời dặn dò của người mẹ: “Má nói: “Nè con! Năm nay con đã lớn! Vào bộ đội tiếp bước cùng mẹ cha””, giai điệu nhịp hành khúc nhẹ (quassi marcia) kết hợp với những nốt nhạc ngắt gọn, khỏe khoắn khiến hình ảnh người mẹ hiện lên không chỉ trong dáng vẻ tảo tần mà còn đầy kiêu hãnh như một trụ cột tinh thần của kháng chiến.
Những giai điệu về tình yêu quê hương hiện hữu như tiếng gọi quê nhà, cần được lưu giữ và ngân lên mãi giữa dòng chảy thời gian.
“Gói” tình yêu quê hương vào lời ca
Sinh ra và lớn lên tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, nhạc sĩ Giản Thanh Trọng Vinh mang nặng tình cảm với quê hương qua từng khung cảnh đời thường và ký ức tuổi thơ. Bắt đầu sáng tác từ năm 2015, anh đến với âm nhạc bằng sự lắng nghe và chiêm nghiệm. Tuy là người con của vùng đồng bằng nhưng những sáng tác của anh lại thường gắn với biển cả bởi trong âm nhạc của nhạc sĩ Trọng Vinh, biển là nơi lưu giữ khát vọng, bản sắc và nỗi nhớ nước non.
Nhạc sĩ Giản Thanh Trọng Vinh (bìa phải, hàng đầu) tích cực tham gia các hoạt động của Chi hội Âm nhạc tỉnh
Có lẽ đến hiện tại, Đêm phương Nam nghe tiếng sóng biển Đông là một trong những tác phẩm thành công nhất của nhạc sĩ Trọng Vinh khi giành giải Ba trong cuộc thi Sáng tác ca khúc Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020. Giai điệu mở đầu chậm rãi, tha thiết, dẫn dắt người nghe vào không gian phương Nam đêm thanh gió lộng: “Đêm phương Nam, nghe gió hát vi vu bên dòng sông mênh mông đầy thơ mộng”. Âm nhạc ở đây không đơn thuần là mô tả còn khắc họa tiếng gió, tiếng lúa, ánh trăng hòa quyện với tiếng đàn ai réo rắt bên tai, tạo nên hiệu ứng hình - thanh cộng hưởng.
Tuy nhiên, cao trào cảm xúc thật sự nằm ở đoạn: “Trường Sa ơi! Nghe từng cơn sóng dữ! Vỗ vào bờ như vào trái tim tôi”. Hình ảnh “cơn sóng dữ” vỗ vào bờ chính là phép ẩn dụ cho nỗi đau âm ỉ về chủ quyền biển, đảo. Nhạc sĩ Trọng Vinh để tiếng lòng trỗi dậy trong từng nốt nhạc, từng lời hát. “Hoàng Sa ơi! Đêm từng đêm khắc khoải” - câu hát bật ra như một tiếng gọi cháy bỏng mà lặng sâu, xót xa. Đặc biệt, việc lặp lại điệp khúc: “Đêm phương Nam, nghe tiếng sóng Trường Sa... Đêm phương Nam, sóng trong lòng hay tiếng sóng biển Đông” như một khúc hồi âm khẳng định vị trí bất biến của biển, đảo trong trái tim của những người con Lạc Hồng.
Với nhạc sĩ Trọng Vinh, tình yêu biển đảo và quê hương Cần Giuộc là những cảm hứng sáng tác bất tận của anh
Nếu Đêm phương Nam nghe tiếng sóng biển Đông nhắc đến vấn đề biển, đảo thì Về miền hạ nghe em lại là khúc dân ca trữ tình ngọt ngào, chất chứa niềm thương nỗi nhớ của tác giả với quê hương Cần Giuộc. Mở đầu bài hát là một hình ảnh giản dị mà đầy gợi cảm: “Về miền hạ nghe em, có con sông chảy ra biển rộng/ Thương lắm con đò trong nắng chiều đưa khách qua sông”. Giai điệu mềm mại như dòng sông hiền hòa, kết hợp với nhịp 6/8 trữ tình, khiến bài hát như một dòng kể chuyện ngọt ngào.
Câu hát: “Về Cần Giuộc quê anh, đã bao năm đồng chua nước mặn/ Văn tế lưu truyền qua bao đời” vừa là tư liệu văn hóa, vừa là biểu tượng của niềm tự hào địa phương. Nhạc sĩ Trọng Vinh khéo léo đưa vào đó hình ảnh “nghĩa sĩ”, “ông cha”, “bến sông xưa” - tất cả tạo nên một không gian đa tầng cảm xúc, vừa riêng tư, vừa cộng đồng. Đặc biệt, đoạn cao trào: “Cần Giuộc anh hùng! Hò ơi!” với hô xướng dân ca Nam Bộ, đẩy cảm xúc lên tột đỉnh, như một lời hiệu triệu từ quá khứ khiến người nghe không chỉ xúc động mà còn muốn gìn giữ, tiếp bước.
Trong thời đại nền âm nhạc chứng kiến nhiều đổi thay, những sáng tác như Tiếng sáo mênh mông, Kể chuyện bà má Tầm Vu, Đêm phương Nam nghe tiếng sóng biển Đông hay Về miền hạ nghe em vẫn lặng lẽ tồn tại, như những mạch ngầm văn hóa âm ỉ chảy trong tâm hồn người Việt. Những giai điệu về tình yêu quê hương hiện hữu như tiếng gọi quê nhà, cần được lưu giữ và ngân lên mãi giữa dòng chảy thời gian./.
Ngọc Hân
Nguồn Long An : https://baolongan.vn/giai-dieu-di-cung-nam-thang-a194369.html