Giải mã 3 bảo vật quốc gia lưu giữ tại Hoàng thành Thăng Long

Giải mã 3 bảo vật quốc gia lưu giữ tại Hoàng thành Thăng Long
2 ngày trướcBài gốc
Sưu tập đầu phượng thời Lý
Sưu tập đầu phượng thời Lý, thế kỷ XI - XII được đề nghị công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2024 là những khối tượng tròn với nhiều kích thước khác nhau. Đầu phượng thể hiện phượng ở tư thế chuyển động. Bờm chuyển động mạnh với nhiều khúc uốn lượn, hướng về phía trước. Mỏ dài, má phình rộng, mào hình lá đề lệch, hướng về phía trước. Mắt to tròn và nổi rõ, lông mày dài thành dải bay ngược lên trên; tai to, rộng được tạo thế uốn lượn theo chuyển động của mào và bờm.
Sưu tập đầu phượng thời Lý, thế kỷ XI-XII.
Sưu tập Đầu phượng Hoàng thành Thăng Long được làm bằng đất nung, xương đất mịn cho thấy đất sét được dùng làm nguyên liệu đã được ủ và xử lý kỹ trước khi đưa vào đắp tạo hình. Toàn bộ hoa văn được khắc bằng tay.
Sưu tập Đầu phượng Hoàng thành Thăng Long thời Lý là những hiện vật tiêu biểu, đặc sắc phát hiện trong lòng đất Khu di tích khảo cổ tại 18 Hoàng Diệu thuộc khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần. Đây không chỉ là hiện vật gốc mà nó còn là những tư liệu quan trọng có giá trị cho việc nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc thời Lý thế kỷ XI - XII.
Bình Ngự dụng, thời Lê Sơ, thế kỷ XV
Bình Ngự dụng Hoàng thành Thăng Long có hình dáng, cấu trúc và một số họa tiết trang trí tạo hình ảnh như một con rồng ẩn mình trong bình, trong đó vòi bình là đầu của con rồng. Đầu rồng được thể hiện ở tư thế ngẩng cao với sừng và bờm được đắp nổi, tả thực. Bờm trên đầu được thể hiện ở thế bay về phía sau và tỏa rộng ra các phía. Quai bình được thể hiện như một phần của thân rồng với vây giương cao. Bốn chân rồng được đắp ở hai bên vai bình, mỗi bên hai chân.
Bình Ngự dụng, có thể là loại bình đựng rượu dùng trong các buổi yến tiệc lớn
Bình Ngự dụng thời Lê sơ được phát hiện trong các hố khai quật tại Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội thuộc Khu trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê. Bình được phát hiện tại vị trí có địa tầng ổn định và tin cậy.
Bình Ngự dụng được phát hiện là một trong những tư liệu quan trọng chứng minh cho trình độ phát triển cao của kỹ nghệ sản xuất gốm sứ Đại Việt thời Lê sơ. Đây cũng là minh chứng cho thấy sự phong phú và đa dạng của đồ dùng, vật dụng được sử dụng trong sinh hoạt của Hoàng thành Thăng Long thời Lê sơ.
Bên cạnh những vật dụng cao cấp phổ biến như bát, đĩa,… việc tìm thấy các loại hình đồ dùng, vật dụng cao cấp khác như bình, lọ chính là dữ liệu giúp chúng ta hình dung được đời sống cung đình thời Lê sơ. Bình Ngự dụng Hoàng thành Thăng Long, thời Lê sơ có thể là loại bình đựng rượu dùng trong các buổi yến tiệc lớn với nhiều người tham dự. Từ đây chúng ta có thể hình dung sự phong phú về đời sống văn hóa trong cung đình.
Sưu tập gốm Trường Lạc, thời Lê Sơ
Sưu tập chén, bát, đĩa đồ gốm Trường Lạc, thời Lê sơ, Hoàng thành Thăng Long gồm 36 hiện vật với nhiều kích thước khác nhau, bao gồm: 9 chiếc chén, 6 chiếc bát, 20 chiếc đĩa và 01 mảnh thân đĩa. Đây là những hiện vật được tạo tác hoàn toàn thủ công do vậy, đó là sản phẩm đơn chiếc và độc bản, không có hiện vật nào hoàn toàn giống với hiện vật này.
Sưu tập gốm Trường Lạc thời Lê sơ.
Với chất lượng, hoa văn trang trí Bộ sưu tập được đề cử còn có giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hóa. Hiện vật ghi 2 chữ Trường Lạc, chữ được ghi trong lòng chén, bát hoặc đĩa, tức là vị trí trang trọng, dễ nhìn, dễ thấy; chữ viết đẹp, được viết dưới men. Các chữ này dường như đều được viết sau khi nung, nó như một cách đánh dấu sở hữu. Mảnh đĩa có chữ Trường Lạc cung là một tư liệu quan trọng cho thấy, chữ Trường Lạc ở đây là tên của một cung điện - cung Trường Lạc.
Từ những dữ liệu có được, có thể khẳng định, Sưu tập chén, bát, đĩa gốm Trường Lạc là những đồ dụng của cung Trường Lạc, một cung điện quan trọng trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ thế kỷ XV-XVI. Với giá trị như vậy, các hiện vật này là những tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu và làm rõ công năng, quá trình tồn tại và thay đổi của các cung điện trong hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ nói riêng; cấu trúc và cách thức vận hành của các cung, điện,… với tư cách là một tổ chức trong kinh thành Thăng Long thời Lê sơ nói chung. Tất cả các vấn đề này đều đang là những khoảng trống lịch sử rất lớn của Thăng Long cần được giải đáp.
Việt Hà
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/giai-ma-3-bao-vat-quoc-gia-luu-giu-tai-hoang-thanh-thang-long-10297704.html