Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky vừa tiến hành cuộc cải tổ nội các quy mô lớn nhất kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm 2022, theo tờ The Kyiv Independent.
Thủ tướng Denys Shmyhal chính thức từ nhiệm sau hơn 5 năm tại vị, kéo theo sự giải thể toàn bộ nội các. Người thay thế ông là bà Yulia Svyrydenko, 39 tuổi, một gương mặt trẻ nhưng quen thuộc trong giới hoạch định chính sách quốc tế, đặc biệt ở Washington.
Tân Thủ tướng Ukraine - bà Yulia Svyrydenko (trước) và Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky. Ảnh: AFP
Cùng lúc, ông Shmyhal được đề cử làm Bộ trưởng Quốc phòng, trong khi hàng loạt vị trí khác trong chính phủ cũng được hoán đổi hoặc bổ nhiệm mới. Đáng chú ý, 3 bộ Kinh tế, Nông nghiệp và Môi trường được hợp nhất, do ông Oleksii Sobolev - cấp phó thân cận của bà Svyrydenko - đứng đầu.
Ngoài ra, Bộ Chính sách Xã hội được đổi tên và mở rộng chức năng, một số bộ trưởng bị điều chuyển hoặc mất chức, còn cựu Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov nhiều khả năng sẽ được cử làm Đại sứ tại Mỹ.
Đây không chỉ là một cuộc điều chỉnh nhân sự thông thường, mà là thông điệp rõ ràng của Kiev về ưu tiên hiện tại: siết chặt nội bộ, tăng cường sản xuất vũ khí trong nước và củng cố quan hệ chiến lược với Mỹ - đặc biệt với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ba trọng tâm chính
Trước Quốc hội, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh rằng Ukraine “cần nhiều sức mạnh của chính mình hơn” trong bối cảnh thế giới ngày càng bị phân tán bởi hàng loạt xung đột, theo hãng tin Reuters.
Khoảng 40% vũ khí trên tiền tuyến hiện do Ukraine tự sản xuất, và ông Zelensky muốn nâng con số này lên cao hơn nữa. Việc bổ nhiệm cựu Thủ tướng Denys Shmyhal - một nhà kỹ trị có nền tảng tài chính - làm Bộ trưởng Quốc phòng được xem là bước đi chiến lược nhằm siết chặt quản lý và nâng hiệu quả chi tiêu quốc phòng.
Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh ngân sách quốc phòng năm 2025 chiếm tới 26% GDP (khoảng 53 tỉ USD), nhưng bộ này lại bị chỉ trích là thiếu hiệu quả, tổ chức lỏng lẻo và dễ xảy ra sai phạm trong mua sắm. Theo chuyên gia Hlib Vyshlinsky, Bộ này “gần như thiếu quản lý hệ thống ngay từ đầu chiến tranh”.
Bên cạnh quốc phòng, bài toán ngân sách ngày càng khó giải buộc Kiev phải tái cấu trúc nền kinh tế.
Năm 2026, Ukraine dự kiến cần thêm khoảng 40 tỉ USD viện trợ từ bên ngoài, trong khi nguồn lực quốc tế có dấu hiệu thu hẹp. Việc đưa bà Yuliia Svyrydenko - người từng lãnh đạo Bộ Kinh tế và là kiến trúc sư của nhiều thỏa thuận chiến lược với Mỹ - lên làm Thủ tướng cho thấy rõ ưu tiên của Kiev: phục hồi kinh tế, giảm phụ thuộc và duy trì dòng viện trợ.
Bà Svyrydenko là người đứng sau thỏa thuận khoáng sản chiến lược Mỹ-Ukraine, mở đường cho Washington tiếp cận tài nguyên hiếm và lập quỹ tái thiết chung. Việc bà nắm giữ vai trò điều hành chính phủ là thông điệp rõ ràng về cam kết thúc đẩy nội lực kinh tế song song với gắn kết các đối tác phương Tây.
Ngoài hai trụ cột trên, đợt cải tổ nội các còn cho thấy rõ tính toán chính trị đối ngoại của ông Zelensky, đặc biệt với Mỹ, theo tạp chí Foreign Policy.
Việc lựa chọn Svyrydenko - người có nhiều kinh nghiệm làm việc với chính giới Mỹ - làm Thủ tướng, dự kiến cử bà Olha Stefanishyna làm Đại sứ tại Washington, cho thấy Kiev đang chủ động điều chỉnh đội ngũ để khôi phục lòng tin từ đảng Cộng hòa.
Trước đó, Đại sứ Oksana Markarova từng làm phật ý nhiều nghị sĩ khi chỉ mời các thành viên đảng Dân chủ trong một chuyến thăm nhà máy sản xuất vũ khí tại bang chiến trường Pennsylvania.
Giới quan sát cho rằng Kiev đang nỗ lực “ghi điểm” với Tổng thống Trump để đảm bảo viện trợ lâu dài, nhất là khi chính ông Trump mới đây tuyên bố kế hoạch để các đồng minh châu Âu chi hàng tỉ USD mua vũ khí Mỹ, trong đó có hệ thống Patriot, gửi cho Ukraine.
Lễ thượng cờ nhân Ngày Quốc kỳ tại Quảng trường Hiến pháp, trước tòa nhà Quốc hội Ukraine. Ảnh: TRUNG TÂM BÁO CHÍ QUỐC HỘI UKRAINE
Có phải "bình mới, rượu cũ"?
Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến cho rằng cuộc cải tổ lần này chưa thật sự tạo ra một làn gió mới. Dù có sự thay đổi về vị trí, phần lớn gương mặt trong nội các mới đều là những người đã quen thuộc trong bộ máy.
“Chúng tôi chưa rõ động cơ thực sự đằng sau những thay đổi này” - nghị sĩ đối lập Ukraine Mykola Kniazhytskyi nói. Một số nhà quan sát khác cho rằng Tổng thống Zelensky vẫn đang dựa vào nhóm cố vấn thân tín, thay vì mở rộng nội các với những nhân vật độc lập hơn.
Trước đây, nội các của ông Shmyhal cũng từng bị chỉ trích vì bác một đề cử nhân sự vào vị trí an ninh kinh tế, dù người này nhận được sự ủng hộ từ quốc tế. Thêm vào đó, các vụ bê bối tham nhũng gần đây (như việc một phó thủ tướng bị bắt vì nhận hối lộ 345.000 USD hồi tháng trước) đã làm dấy lên thêm nghi ngại về mức độ minh bạch và năng lực điều hành của đội ngũ mới.
Trong bối cảnh Ukraine vẫn đang trong tình trạng thiết quân luật và chưa thể tổ chức bầu cử, việc tìm ra những gương mặt mới hội đủ năng lực chuyên môn và có sự chấp nhận rộng rãi trong xã hội là điều không dễ dàng.
Chuyên gia xã hội học Anton Grushetskyi nhận định: “Người dân mong muốn có thay đổi chính trị, nhưng trong thời chiến thì sự ổn định vẫn là ưu tiên hàng đầu”.
Theo giới quan sát, cuộc cải tổ nội các lần này của Ukraine là một phép thử cân bằng giữa yêu cầu về đổi mới - ổn định - và chiến lược đối ngoại.
Dù chưa thể làm hài lòng tất cả, nó phản ánh những nỗ lực thực tế của chính quyền Kiev trong việc điều chỉnh hướng đi giữa bối cảnh chiến tranh khốc liệt, khủng hoảng tài chính và thế giới nhiều biến động.
Thành bại của nội các mới sẽ phụ thuộc vào việc họ có đủ năng lực và chính danh để thực thi những cải cách sâu rộng, khôi phục niềm tin xã hội và duy trì dòng chảy viện trợ trong thời gian tới hay không.
DƯƠNG KHANG