Nga đạt thành quả lớn nhất từ đầu năm, Ukraine gồng mình vá lỗ hổng tiền tuyến

Nga đạt thành quả lớn nhất từ đầu năm, Ukraine gồng mình vá lỗ hổng tiền tuyến
8 giờ trướcBài gốc
Theo giới phân tích, mục tiêu của Nga không chỉ đơn thuần là lãnh thổ mà Moscow đang tìm cách làm suy yếu năng lực quân sự của Ukraine một cách có hệ thống, trong khi tiếp tục đẩy mạnh lực lượng của mình. Thách thức lớn nhất của Nga có thể nằm ngoài chiến tuyến giữa bối cảnh nền kinh tế nước này được cho là đang đứng trước nhiều sức ép.
Xung đột ở Ukraine. Ảnh: Reuters
Về phía Ukraine, khả năng duy trì cuộc xung đột cũng có thể phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump đưa ra những tín hiệu trái chiều liên quan đến cam kết và năng lực tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiev. Tuần trước, Tổng thống Trump tuyên bố các nước NATO sẽ mua vũ khí từ Mỹ để chuyển cho Ukraine.
Nga giành ưu thế, Ukraine vá lỗ hổng tiền tuyến
Trong 2 tháng qua, các đơn vị của Nga đã tăng cường tấn công trên nhiều mặt trận, từ vùng Sumy ở phía Bắc đến Zaporizhzhia ở phía Nam. Hiện Nga kiểm soát hơn 2/3 khu vực Donetsk - tâm điểm của cuộc giao tranh mặt đất.
Tại thành phố chiến lược Kostiantynivka, Nga đã chiếm được một khu vực sâu 16km, phần nào bao vây quân đội Ukraine từ các hướng Đông, Nam và Tây. Lần đầu tiên kể từ khi xung đột nổ ra hơn 3 năm trước, Nga đã tiến vào tỉnh Dnipropetrovsk ở miền Đông Ukraine. Binh lính Ukraine cho biết quân đội Nga thường sử dụng 2 chiến thuật chính để tiến quân là dùng máy bay không người lái, pháo và bom lượn trước khi tấn công như vũ bão vào tiền tuyến của đối phương. Ukraine đáp trả bằng cách cử các đơn vị tinh nhuệ được trang bị máy bay không người lái tới để vá lỗ hổng trên tiền tuyến. Tuy nhiên, các đợt tấn công dồn dập đang gây sức ép lớn lên quân đội Ukraine vốn đã lép vế về quân số.
Những đợt tiến công này giúp Nga đạt được thành quả lớn nhất về lãnh thổ trong tháng 6. Theo Deep State - một tổ chức Ukraine chuyên theo dõi xung đột qua hình ảnh UAV và mạng lưới quân sự, Nga đã kiểm soát hơn 550km vuông lãnh thổ của Ukraine trong tháng 6, so với 450 km vuông trong tháng 5.
Dù vậy, cần đặt những con số này trong bối cảnh Nga chỉ đang chiếm được dưới 0,1% lãnh thổ Ukraine mỗi tháng. Với tốc độ đó, Moscow sẽ mất nhiều năm để chiếm toàn bộ 4 vùng lãnh thổ mà nước này tuyên bố sáp nhập vào năm 2022.
Ngoài chiến tuyến, Nga đang gia tăng sức ép lên các thành phố của Ukraine bằng các cuộc tập kích bằng máy bay không người lái được sản xuất hàng loạt. Trong những tuần gần đây, Nga đã triển khai số lượng UAV kỷ lục nhắm vào Ukraine. Tuần trước, Không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng 728 máy bay không người lái và mồi nhử chỉ trong một đêm. Các chuyên gia nhận định, với đà mở rộng năng lực sản xuất, Nga có thể sớm thực hiện các đợt tập kích với quy mô hơn 1.000 UAV mỗi lần vào mùa thu. Thủ đô Kiev là mục tiêu chính trong các đợt tập kích dữ dội gần đây.
Ngoài UAV, Nga còn sử dụng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Dù Ukraine có nhiều hệ thống phòng không, thậm chí dùng cả lưới đánh cá để chặn UAV nhưng chỉ duy nhất hệ thống Patriot của Mỹ có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Sau nhiều lần thay đổi lập trường của chính quyền ông Trump, từ tạm ngưng viện trợ quân sự rồi lại chuyển sang hình thức bán vũ khí cho các đồng minh châu Âu để họ viện trợ lại cho Ukraine, nhiều người Ukraine vẫn tỏ ra thận trọng dù có chút hy vọng vào sự hỗ trợ từ Washington.
Một số nước NATO đã đề xuất mô hình Mỹ bán vũ khí cho đồng minh, sau đó các đồng minh sẽ chuyển số vũ khí đó cho Ukraine. Cách làm này vừa mang lại lợi ích tài chính cho Mỹ, vừa giúp ông Trump tránh bị cáo buộc can dự trực tiếp vào cuộc xung đột. Tuần trước, ông Trump khẳng định sẽ thực hiện chiến lược này.
Mục tiêu của Điện Kremlin
Một số nhà quan sát cho rằng, mục tiêu của Nga không chỉ dừng lại ở việc kiểm soát một số vùng lãnh thổ tại Ukraine.
“Điều Nga muốn là làm suy yếu tiềm lực quân sự của Ukraine”, nhà phân tích quân sự độc lập Valery Shiryaev nhận định. Điện Kremlin nhiều lần tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự cho đến khi buộc được Kiev chấp nhận các điều kiện hòa bình của Nga, trong đó bao gồm: công nhận các vùng lãnh thổ Nga tuyên bố sáp nhập, cắt giảm quy mô quân đội Ukraine, đưa tiếng Nga thành ngôn ngữ chính thức và cam kết trung lập - đồng nghĩa với việc không gia nhập NATO.
Ukraine từ chối nhượng bộ những yêu cầu này. Tuy nhiên, trong vòng đàm phán gần đây tại Istanbul, lần đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa hai bên kể từ đầu xung đột, phái đoàn Nga vẫn thể hiện rõ quyết tâm theo đuổi các mục tiêu của Moscow đến cùng.
Mới đây, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 20/7 cho biết Nga sẵn sàng đàm phán hòa bình với Ukraine, nhưng việc đạt được các mục tiêu vẫn là ưu tiên hàng đầu. Tuyên bố này được đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra thời hạn 50 ngày buộc Moscow phải tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn với Ukraine nếu không sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn.
Phát biểu với báo chí, ông Dmitry Peskov cho biết: “Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần bày tỏ mong muốn đưa giải pháp hòa bình để sớm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine. Đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nỗ lực và không hề dễ dàng. Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là đạt được các mục tiêu. Mục tiêu của chúng tôi rất rõ ràng”.
Ông Peskov và các quan chức Nga khác đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc của Ukraine và các đối tác phương Tây cho rằng Nga đang cố tình trì hoãn các cuộc đàm phán hòa bình.
Kiều Anh/VOV.VN Theo: New York Times, PBS
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nga-dat-thanh-qua-lon-nhat-tu-dau-nam-ukraine-gong-minh-va-lo-hong-tien-tuyen-post1216271.vov