Giải mã quyết định tổ chức bầu cử Hạ viện sớm của tân Thủ tướng Shigeru Ishiba

Giải mã quyết định tổ chức bầu cử Hạ viện sớm của tân Thủ tướng Shigeru Ishiba
3 giờ trướcBài gốc
Tại sao cần bầu cử sớm?
Ngày 27/9, một cựu binh trong chính trường Nhật Bản, Shigeru Ishiba, 67 tuổi, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, đã trở thành chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) cầm quyền. Trước đó, ông đã 4 lần tranh cử cho vị trí lãnh đạo đảng (2008, 2012, 2018 và 2020), và đây là lần thứ 5, như chính ông đã nói, là “trận chiến cuối cùng” cho chức vụ này và là đỉnh cao của sự nghiệp chính trị kéo dài 38 năm. Ông Shigeru Ishiba đứng thứ hai trong vòng bỏ phiếu nội bộ đầu tiên, nhưng vẫn đánh bại Bộ trưởng An ninh Kinh tế Sanae Takaichi ở vòng thứ hai.
Cựu Thủ tướng và lãnh đạo LDP, Fumio Kishida, quyết định không tham gia bầu cử, nhận trách nhiệm về cuộc khủng hoảng kéo dài đang bao trùm đảng, vốn là kết quả của một loạt vụ bê bối. Việc từ chức, kỷ luật và giải thể hệ thống phe phái không cải thiện được tình hình - xếp hạng của chính phủ tiếp tục giảm nhanh chóng; vào tháng 7 năm 2024, nội các của Thủ tướng Kishida chỉ nhận được sự ủng hộ của 15,5% người dân nước này.
Shigeru Ishiba, ngay sau khi được bầu làm lãnh đạo đảng LDP, đã tuyên bố sẽ bắt đầu các cuộc bầu cử sớm vào Hạ viện. Cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 27/10, vừa tròn 1 tháng sau khi ông Ishiba được bầu làm lãnh đạo đảng cầm quyền. Phe đối lập gọi cuộc bầu cử là một nỗ lực nhằm che đậy dấu vết của đảng cầm quyền.
Vào ngày 1/10, Shigeru Ishiba được Quốc hội Nhật Bản xác nhận làm Thủ tướng mới. 8 ngày sau đó, ông chính thức giải tán Quốc hội - mà theo ấn phẩm Nikkei nhận định là chưa có tiền lệ trong lịch sử hậu chiến của đất nước. Vào ngày 10/10, Thủ tướng Shigeru Ishiba xuất hiện lần đầu trên sân khấu chính sách đối ngoại, tham gia hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào và vào ngày 15/ 10, mở một chiến dịch tranh cử mới ở Nhật Bản. LDP và các đảng đối lập sẽ cạnh tranh để giành 465 ghế tại Hạ viện, bao gồm các khu vực bầu cử có một ghế đại biểu và đại diện theo tỷ lệ. Tính đến nay, đã có tổng cộng 1.338 người dự kiến tranh cử với tư cách ứng cử viên, bao gồm 1.108 người ở khu vực bầy cử một ghế và 230 người ở khu vực bầu cử đại diện theo tỷ lệ.
Thủ tướng Shigeru Ishiba cho biết, ông muốn giành được sự tin tưởng của cử tri trước khi bắt tay vào chương trình nghị sự của mình, trong đó điểm nổi bật nhất bao gồm việc tạo ra một NATO mới ở châu Á, hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới và bãi bỏ luật yêu cầu cả hai vợ chồng phải cùng có họ, mặc dù chưa nhận được sự ủng hộ trong nội bộ đảng. Theo ông Ishiba, “việc giải thể này là một bước tiến tới sự hồi sinh của Nhật Bản”.
Rõ ràng, mục đích của ông Ishiba là tận dụng xếp hạng cá nhân cao của mình, cũng như thu hẹp cơ hội của các lực lượng đối lập, đặc biệt đối thủ chính của LDP, Đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản, nơi cũng đang có những thay đổi nhân sự cấp cao nhằm thể hiện tham vọng tại cuộc bầu cử lần này. Việc tân Thủ tướng đưa ra quyết định bầu cử sớm khó có thể khiến phe đối lập hài lòng, bởi lẽ gần như họ không có cơ hội cho chiến dịch tranh cử hiệu quả và thảo luận sâu rộng về tương lại của đất nước.
Tại các cuộc tranh luận quốc hội trước khi bị giải tán, phe đối lập cáo buộc LDP đang cố che đậy dấu vết của vụ bê bối tham nhũng bằng cách tổ chức bầu cử sớm. Trong khi đó, Thủ tướng Shigeru Ishiba đáp trả bằng cách hứa rằng nếu LDP thắng cử, ông sẽ không can thiệp vào việc nối lại các cuộc điều tra tham nhũng.
Liên minh cầm quyền được dự đoán sẽ tiếp tục giành chiến thắng
Tại Hạ viện trước khi bị giải tán, đảng LDP cầm quyền có 256 ghế, đối tác của họ trong liên minh cầm quyền là Đảng Komeito, 32 ghế. Các đảng đối lập có 190 ghế, 99 ghế trong số đó do Đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản nắm giữ. Để kiểm soát Quốc hội, các đảng cần có ít nhất 233 ghế và giành được đa số trong mỗi ủy ban của Quốc hội. Đây được coi là mục tiêu khá dễ dàng vì liên minh cầm quyền trước đây nắm giữ 288 ghế trước khi Hạ viện giải tán. Kể từ khi xuất hiện vào năm 1955, LDP đã lãnh đạo đất nước gần như liên tục, ngoại trừ 2 giai đoạn là 1993 - 1996 và 2009 - 2012.
Trong cuộc họp báo ngày 14/10, ông Ishiba thừa nhận cuộc bầu cử sắp tới sẽ vô cùng khó khăn với đảng LDP cầm quyền. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, bất chấp những tổn thất đáng kể về uy tín và danh tiếng, LDP vẫn là lực lượng chính trị có ảnh hưởng lớn nhất ở Nhật Bản. Tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Shigeru Ishiba, mặc dù thấp đối với một chính phủ mới thành lập, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với chính phủ trước đó - 42%, theo dữ liệu mới nhất từ hãng tin Kyodo.
Đảng LDP cũng tự tin dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử. Theo cuộc thăm dò của Kyodo, 26,4% số người được hỏi cho biết sẽ bỏ phiếu cho LDP và 6,4% cho đối tác liên minh của LDP. Đảng Dân chủ Lập hiến nhận được sự ủng hộ của 12,4% số người được hỏi, con số dành cho các đảng đối lập khác thậm chí còn thấp hơn. Trong khi đó, 1/3 số người được hỏi vẫn chưa quyết định họ sẽ bỏ phiếu cho ai. Nhưng điều này được đánh giá sẽ không giúp ích được gì nhiều cho phe đối lập, bởi nhiều cử tri nhiều khả năng sẽ không đến các điểm bỏ phiếu (năm 2021 tỷ lệ cử tri đi bầu là dưới 60%).
Trong khi đó, tờ Japan Times đưa tin, nhận thấy cơ hội mong manh của mình, lãnh đạo Đảng Dân chủ Lập hiến (CDP) Noda Yoshihiko cố gắng đàm phán với các lực lượng đối lập khác, Đảng Đổi mới Nhật Bản và Đảng Dân chủ nhân dân, để đề cử các ứng cử viên chung, nhưng không thành công. Thực tế là cả hai đảng này đã chọn ứng cử viên của mình ngay cả trước khi Thủ tướng Shigeru Ishiba kêu gọi bầu cử sớm, cũng như những khác biệt về chính trị và ý thức hệ lâu đời giữa 3 đảng chính trị. Kết quả là, ở nhiều khu vực bầu cử, Đảng Dân chủ Lập hiến sẽ phải đối đầu không chỉ với LDP, mà còn với các đại diện của phe đối lập khác; điều này vô hình chung lại củng cố cơ hội chiến thắng cho đảng cầm quyền.
Rõ ràng, cơ hội chiến thắng của LDP trong cuộc bầu cử sớm sắp tới là rất lớn, song liệu LDP có thể một mình giành được đa số trong Hạ viện, tức là vượt qua 233 số ghế, hay có thể vượt qua kết quả của chính mình vào 3 năm trước hay không vẫn là câu hỏi khó giải đáp.
Hùng Anh (CTV)
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/giai-ma-quyet-dinh-to-chuc-bau-cu-ha-vien-som-cua-tan-thu-tuong-shigeru-ishiba-227849.htm