Giải mã 'sự quan tâm đột ngột' của ông Trump sáp nhập Kênh đào Panama, đảo Greenland, Canada vào Mỹ

Giải mã 'sự quan tâm đột ngột' của ông Trump sáp nhập Kênh đào Panama, đảo Greenland, Canada vào Mỹ
17 giờ trướcBài gốc
Khi chỉ còn 1 tháng trước thời điểm nhậm chức, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra một loạt các phát ngôn bất ngờ về việc giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama, sở hữu đảo Greenland, và sáp nhập Canada.
Đây là một chỉ báo lớn, cho thấy rằng vị tổng thống Mỹ sắp tới có thể sẽ theo đuổi một chính sách đối ngoại vượt ra khỏi những vấn đề nóng hiện hữu và thậm chí sẽ là cả biên giới nước Mỹ.
Những tuyên bố
Chỉ trong vòng một tuần, Tổng thống đắc cử Trump đã có một loạt các phát ngôn gây bất ngờ. Mở đầu là việc ông Trump ngày 18-12 nói rằng nước Mỹ có thể sáp nhập Canada và biến quốc gia láng giềng phía bắc này thành tiểu bang thứ 51, theo đài CBC.
"Nhiều người Canada muốn Canada trở thành tiểu bang thứ 51 [của Mỹ]. Họ sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền thuế và chi phí bảo vệ quân sự. Tôi nghĩ đó là một ý tưởng tuyệt vời. Tiểu bang thứ 51!!!” - ông Trump viết trên trang mạng xã hội Truth Social.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP
Đến ngày 22-12, ông Trump tiếp tục bình luận về tình trạng của Greenland - một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch và là nơi có một căn cứ Không quân lớn của Mỹ, theo hãng tin Reuters.
"Vì mục đích an ninh quốc gia và tự do trên toàn thế giới, Mỹ cảm thấy rằng quyền sở hữu và kiểm soát Greenland là điều hoàn toàn cần thiết" - ông Trump cho hay.
Cùng ngày, tại sự kiện thường niên AmericaFest ở bang Arizona (Mỹ), tổng thống đắc cử Mỹ cũng đã đưa ra lời cảnh báo rằng sẽ lấy lại quyền kiểm soát của Mỹ đối với Kênh đào Panama.
"Chúng ta sẽ yêu cầu trả lại Kênh đào Panama cho chúng ta, toàn bộ, nhanh chóng và không cần thắc mắc" - tổng thống đắc cử Mỹ nói.
Ý đồ phía sau
CNN dẫn nguồn tin từ một số người thân cận với ông Trump rằng họ không thể xác định được nguồn gốc của sự quan tâm đột ngột mà ông Trump dành cho Kênh đào Panama, Greenland hay Canada. Theo họ, đây là những chủ đề mà ông không nêu ra trong quá trình vận động tranh cử của mình.
Nhiều người cho rằng Tổng thống đắc cử Trump đang thúc đẩy mạnh mẽ các chính sách theo hướng "Nước Mỹ trước tiên". Điều đó có nghĩa là đặt việc bảo vệ lợi ích của nước Mỹ - kinh tế hoặc các lợi ích khác - lên trên cả bạn bè và các quốc gia đồng minh của mình.
Điều này được thể hiện rõ qua các ngôn từ của ông Trump. Tổng thống đắc cử Mỹ đã cho rằng quyền sở hữu Greenland là "điều hoàn toàn cần thiết" vì "mục đích an ninh quốc gia và tự do trên toàn thế giới".
Trong lời cảnh báo về việc lấy lại Kênh đào Panama, ông Trump mô tả kênh đào này là "tài sản quốc gia quan trọng". Ông Trump cũng dựa vào nguyên nhân chính rằng chính quyền Panama "đã không đối xử công bằng" với Mỹ theo như thỏa thuận năm 1979 dưới thời Tổng thống Jimmy Carter về việc chuyển giao kênh đào từ Mỹ sang Panama.
Một phần âu tàu Miraflores thuộc hệ thống Kênh đào Panama. Ảnh: AFP
"Ý tưởng là những gì tốt cho nước Mỹ thì cũng tốt cho phần còn lại của thế giới [...] Vì vậy, ông ấy nhìn nhận một cách sáng suốt về lợi ích của nước Mỹ trong bất kỳ tình huống nào" - bà Victoria Coates, một quan chức an ninh quốc gia cấp cao trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, nhận xét.
Bên cạnh đó, các phát ngôn của tổng thống đắc cử Mỹ còn được cho là có điểm tương đồng đáng kinh ngạc khi tập trung vào việc mở rộng ảnh hưởng của Mỹ ra toàn châu Mỹ. Các ý tưởng này mang âm hưởng hiện đại của học thuyết "Vận mệnh hiển nhiên" - một học thuyết đối ngoại của nước Mỹ trong thế kỷ 19. Theo đó, người Mỹ tin rằng nước Mỹ được trao cho một vận mệnh thiêng liêng trong việc mở rộng lãnh thổ ra khắp châu Mỹ.
Reuters trích lời hai cố vấn chính sách đối ngoại của ông Trump giấu tên rằng các phát ngôn của ông dường như đang lặp lại thuyết "Vận mệnh hiển nhiên" xuất phát từ ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các chính phủ và nền kinh tế ở Mỹ Latinh. Các cố vấn này cho rằng giải quyết ảnh hưởng của Trung Quốc cũng sẽ được ông Trump đặt làm trọng tâm trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.
Ngoài ra, ông Elliott Abrams - thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) có trụ sở tại Mỹ - cho biết vẫn có những ý đồ mang tính chiến lược đằng sau những lời tuyên bố của ông Trump. Theo ông, tuyên bố của ông Trump về việc sáp nhập Canada khiến việc áp dụng mức thuế 25% đối với hàng hóa có xuất xứ từ Canada và Mexico mà ông Trump nói trước đó nổi sóng trở lại.
"Ông Trump đang gây áp lực lên [Thủ tướng Canada Justin] Trudeau, tôi nghĩ đó là một phần của cuộc đàm phán về thuế quan [...] Tôi nghĩ bạn sẽ thấy điều tương tự với Mexico vào một thời điểm nào đó" - ông Abrams nhận xét.
Phản ứng mạnh từ các bên
Những phát ngôn của ông Trump đều vấp phải phản ứng mạnh từ các bên. Tuần rồi, lãnh đạo đảng đối lập Bảo thủ của Canada - ông Pierre Poilievre đã phản ứng những phát ngôn của ông Trump rằng Canada sẽ trở thành tiểu bang thứ 51, nói rằng điều đó sẽ "không bao giờ xảy ra", theo hãng tin CTV News.
"Tôi có sức mạnh và sự thông minh để bảo vệ đất nước này và thông điệp của tôi gửi đến Tổng thống đắc cử Trump là trước hết và quan trọng nhất, Canada sẽ không bao giờ là tiểu bang thứ 51 của Mỹ” - ông Poilievre nói.
Ngày 23-12, lãnh đạo Greenland - ông Mute Egede tuyên bố rằng hòn đảo lớn nhất thế giới này "không phải để bán và sẽ không bao giờ bị bán".
Đảo Greenland. Ảnh: GETTY IMAGES
Tổng thống Panama Jose Raul Mulino cũng đã đưa ra phản ứng trước lời chỉ trích của ông Trump rằng Panama không thể đảm bảo hoạt động của kênh đào.
"Đó là biểu hiện của sự thiếu hiểu biết nghiêm trọng về lịch sử. Kênh đào sẽ kỷ niệm 25 năm được chuyển giao cho Panama, dưới sự quản lý của Panama, vào ngày 31-12 tới" - ông Mulino nói.
Ông Mulino đồng thời nhấn mạnh kể từ khi Mỹ trao trả, thành tựu mà Panama đã đạt được trong việc phát triển kênh đào, bao gồm hoạt động mở rộng, đã "để lại lợi nhuận hàng triệu USD cho nền kinh tế quốc gia của chúng tôi".
Ông John Bolton - Cố vấn An ninh quốc gia của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên - cho rằng những tuyên bố của ông Trump đang làm mất đi cơ hội tranh luận chính đáng với các bên về mức phí mà Panama tính cho việc đi qua kênh đào, cũng như tầm quan trọng chiến lược của Greenland đối với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
TRỌNG TẤN
Nguồn PLO : https://plo.vn/giai-ma-su-quan-tam-dot-ngot-cua-ong-trump-sap-nhap-kenh-dao-panama-dao-greenland-canada-vao-my-post826696.html