NATO trước nỗi lo Mỹ sẽ rời đi
Sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, các nhà lãnh đạo của Latvia, Estonia và Phần Lan đã thúc giục liên minh châu Âu (EU) ngừng "các cuộc tranh luận bất tận" về cách đối phó với mối đe dọa an ninh, đồng thời cho rằng đã đến lúc tăng cường phòng thủ cho EU. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ rút khỏi nhiều vai trò quốc tế sau khi ông Trump trở lại nhiệm sở, bao gồm cắt giảm tài trợ cho nhiều tổ chức khu vực và trên thế giới, cũng như không còn can dự tới cuộc xung đột Nga-Ukraine.
“Điều rõ ràng có thể nhận thấy là chúng tôi vẫn chưa sẵn sàng cho việc Mỹ sẽ rời đi”, Tổng thống Latvia Edgars Rinkevics nói.
Thủ tướng Estonia Kristen Michal cho biết: “Chúng ta phải tăng cường năng lực phòng thủ trong bối cảnh xung đột có thể lan rộng đến châu Âu”.
Thủ tướng Estonia Kristen Michal. Ảnh: Alde Party
Ba nước Latvia, Estonia và Phần Lan là những thành viên duy nhất của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có chung đường biên giới với Nga. Đường biên giới này kéo dài hơn 1.900 km từ mũi phía Bắc của Phần Lan xuống góc Đông Nam của Latvia. Một phần biên giới của Latvia cũng giáp với Belarus - quốc gia đồng minh có mối quan hệ gắn kết với Nga.
Phần Lan, Estonia và Latvia cũng nằm trong số những nước chi tiêu nhiều nhất cho quốc phòng trong khối NATO. Estonia chi 3,4 % GDP cho quốc phòng, đứng thứ hai trong liên minh sau Ba Lan. Latvia xếp thứ tư với mức chi là 3,15% GDP, trong khi Phần Lan cũng vượt qua mức chi 2% GDP theo quy định của NATO.
NATO yêu cầu mọi quốc gia thành viên phải chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng, tuy nhiên, hiện chỉ có 2/3 các nước trong khối đạt được con số này. Đây thực sự là con số đáng báo động, bởi theo dự kiến, Nga sẽ chi 6,3% GDP cho quốc phòng trong quý đầu tiên của năm 2025.
Hồi tháng 5/2022, Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO, chấm dứt nhiều thập kỷ giữ thế trung lập. Điều này đã đóng góp đáng kể vào năng lực của liên minh quân sự này, do việc kết nạp thêm hai thành viên Bắc Âu làm tăng gấp đôi biên giới chung của NATO với Nga.
Quân đội Phần Lan là một trong những lực lượng lớn nhất châu Âu, bao gồm 280.000 binh sĩ "có thể được huy động và ‘trang bị vũ khí đến tận răng’ trong một tuần", theo lời Tổng thống Alexander Stubb. Gần 1/5 trong số 5,5 triệu dân của nước này được huấn luyện bài bản thông qua chương trình nghĩa vụ quân sự chung.
Khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào đầu năm 2022, Phần Lan tăng cường đầu tư cho an ninh, với chi phí quốc phòng mỗi năm tăng trung bình khoảng 0,9% GDP. Helsinki cũng đã hoàn tất cam kết chi tiêu quân sự lớn nhất của mình, mua 64 máy bay chiến đấu F-35A với chi phí ước tính 7,5 tỷ bảng Anh.
NATO khó lấp đầy “khoảng trống” của Mỹ
Nền tảng của việc tăng cường chi tiêu quốc phòng của châu Âu là sự ủng hộ dành cho đối với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, quan điểm của ông Trump dường như trái ngược hẳn với các đồng minh của Mỹ, khi Tổng thống đắc cử đang nỗ lực thúc đẩy một hiệp ước hòa bình, thay vì nghiêng về bất kỳ phía nào trong hai bên tham chiến. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Ukraine sẽ buộc phải nhượng lại một phần lãnh thổ để nhanh chóng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn với Nga.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận rằng quân đội Ukraine hiện không đủ sức mạnh để giành lại lãnh thổ đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga, bao gồm bốn khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, cũng như bán đảo Crimea. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Kiev cũng đề cập đến "áp lực ngoại giao" là cách duy nhất để đảm bảo lãnh thổ nước này được toàn vẹn, đồng thời khẳng định cần có sự hậu thuẫn của cả châu Âu và Mỹ để ngăn chặn các cuộc tấn công khác của Nga trong tương lai.
Tổng thống Rinkevics thừa nhận rằng năng lực quân sự của lực lượng Ukraine “vẫn chưa đủ mạnh”, dù Latvia đã cung cấp chương trình đào tạo cho các quân nhân Kiev, kết hợp với Estonia và Phần Lan. Bên cạnh đó, ông Rinkevics cũng nêu ra một vấn đề khác là ngành công nghiệp quốc phòng hiện tại của châu Âu không thể đáp ứng nhu cầu về vũ khí của Kiev.
“Chúng tôi đã cung cấp cho Ukraine những gì chúng tôi có thể, nhưng hiện tại, chúng tôi đã ở giới hạn cuối cùng”, ông Rinkevics nói.
Nhu cầu tăng cường đầu tư cho quốc phòng của châu Âu đã có từ trước khi ông Trump tái đắc cử, nhưng sự trở lại cựu Tổng thống Mỹ này đã nêu bật tình trạng yếu kém về mặt vũ trang của nhiều quốc gia thành viên NATO, đặc biệt là ở nửa phía tây châu Âu.
Tổng thống Latvia Edgars Rinkevics. Ảnh: NBC News
Vào đầu năm 2024, ông Trump tuyên bố ông sẽ khuyến khích Nga "làm bất cứ điều gì họ muốn" với các thành viên NATO không đóng góp “công bằng” cho liên minh quân sự phương Tây này. Tuyên bố của ông đã gây ra nhiều tranh cãi tại thời điểm đó, bởi Điều 5 trong Hiệp ước về Liên minh châu Âu yêu cầu các quốc gia phải có trách nhiệm bảo vệ lẫn nhau khi bất kỳ thành viên nào bị tấn công, thay vì ngược lại.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Phần Lan Alexander Stubb lại ca ngợi những gì mà ông mô tả là "áp lực" từ ông Trump, đồng thời đề cao vai trò của Mỹ trong khối liên minh quân sự NATO.
“Các quốc gia cần phải khắc phục tình trạng thâm hụt chi cho quốc phòng không đủ theo cam kết”, ông Stubb nhấn mạnh. “Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ giữ được NATO nếu thiếu Mỹ”.
Dù không có nhà lãnh đạo châu Âu nào tin rằng ông Trump sẽ rút khỏi NATO, bất chấp thái độ hoài nghi lâu nay của ông đối với liên minh này, vẫn có những mối lo ngại rằng chính quyền Mỹ tiếp theo sẽ chuyển hướng chú ý sang Trung Quốc và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo các chuyên gia, nếu Mỹ chuyển nguồn lực và sự tập trung quá nhanh sang khu vực này mà không cho châu Âu thời gian để trở nên độc lập hơn, các nước này sẽ gặp khó khăn trong việc tự giải quyết các vấn đề an ninh.
Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo The Independent