Giải mã 'từ điển' Gen Z: Thế hệ cợt nhả là gì mà 'rần rần' mạng xã hội những ngày qua?

Giải mã 'từ điển' Gen Z: Thế hệ cợt nhả là gì mà 'rần rần' mạng xã hội những ngày qua?
19 giờ trướcBài gốc
"Thế hệ cợt nhả" rần rần mạng xã hội
Minh Hằng, 23 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, kể rằng trong các cuộc họp căng thẳng, cô thường chọc cười sếp bằng cách gọi người quản lý của mình là “sư phụ” thay vì “trưởng phòng”. Cô nàng giải thích: “Nói vậy không phải để thiếu tôn trọng mà để tạo không khí thoải mái, khiến mọi người bớt căng thẳng. Điều đó giúp mình sáng tạo tốt hơn.”
Minh Hằng "đu" trend "thế hệ cợt nhả". (Ảnh: NVCC)
Không riêng gì Minh Hằng, nhiều bạn trẻ hiện nay cũng đang sử dụng phong cách giao tiếp hài hước, gần gũi với cấp trên lẫn đồng nghiệp. Cụm từ “thế hệ cợt nhả” được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok với hàng ngàn bình luận, video thể hiện cách Gen Z kết nối với môi trường làm việc bằng thái độ tích cực.
Lê Minh Phương (22 tuổi, Hà Nội) chia sẻ rằng, cô và đồng nghiệp thường xuyên sử dụng những câu nói đùa để giảm căng thẳng trong quá trình làm việc. “Mình và các bạn cùng chỗ làm hay đùa vui với sếp khi thảo luận hoặc tâm sự với nhau. Có những lần sếp hiểu ý, hùa theo thì cả nhóm đều cảm thấy thoải mái, vui vẻ hơn. Nhưng cũng có lúc sếp ngớ ra, không hiểu, và bọn mình phải giải thích lại,” Phương cười nói.
Cô nàng nhớ lại lần công ty ra mắt sản phẩm mới, trong một buổi họp căng thẳng, cả nhóm bất ngờ đùa: “Em thấy sản phẩm chưa đủ ‘wow’, chưa đủ thuyết phục, sếp nên về làm lại đi!” Câu nói nửa đùa nửa thật khiến sếp ngạc nhiên một lúc, nhưng may mắn là sếp chỉ cười rồi tổng hợp ý kiến của mọi người thay vì phản ứng gay gắt.
Minh Phương thường xuyên "cợt nhả" với sếp. (Ảnh: NVCC)
“Đôi khi, những câu đùa như vậy giúp không khí làm việc trở nên thoải mái hơn, mọi người cũng cảm thấy tự tin hơn khi đưa ra ý kiến của mình,” Phương chia sẻ.
Thú vị hơn cả là câu chuyện của Ngọc Tuyên, 26 tuổi, nhân viên IT tại một công ty công nghệ ở Hà Nội. Tuyên tự nhận mình là thành viên "nòng cốt" của "thế hệ cợt nhả" với châm ngôn làm việc cực kỳ "bá đạo": “Bật sếp trước, bật khóc sau”.
Tuyên giải thích: “Mình thường hay thẳng thắn góp ý các ý tưởng của sếp nếu thấy chưa hợp lý. Đôi khi mình cũng dùng những câu đùa để phản biện, tạo cảm giác không quá căng thẳng. Nhưng sau đó, nếu mọi chuyện không ổn thỏa, mình lại phải lặng lẽ ngồi sửa lỗi, vừa làm vừa rầu rĩ.”
Cách làm việc của Tuyên, theo nhiều đồng nghiệp, vừa “hỗn” lại vừa thú vị. Dù vậy, chính sự cởi mở và dám nghĩ, dám nói của anh chàng đã giúp nhóm phát triển nhiều ý tưởng sáng tạo:
“Mình nghĩ nếu cứ răm rắp làm theo mọi chỉ đạo mà không dám bày tỏ ý kiến thì công việc sẽ trở nên nhàm chán và kém hiệu quả,” Tuyên bộc bạch.
Theo định nghĩa truyền thống, “cợt nhả” thường được hiểu là hành động trêu đùa một cách không đứng đắn hoặc thiếu nghiêm túc. Tuy nhiên, cách mà Gen Z sử dụng cụm từ này hoàn toàn khác. Với Gen Z, “cợt nhả” là phong cách giao tiếp vui vẻ, thoải mái, đôi khi là vô tư nhằm tạo ra không khí dễ chịu trong công việc và cuộc sống.
Minh Phương cho rằng "cợt nhả" chỉ đơn giản là cách thể hiện sự hài hước, sự thoải mái và sáng tạo trong giao tiếp:
“Bọn mình không nghiêm trọng hóa mọi thứ, điều đó giúp làm việc hiệu quả hơn. Cũng vì thế mà bọn mình tự gọi mình là ‘thế hệ cợt nhả', phong cách giao tiếp vui vẻ, thoải mái, đôi khi là vô tư nhằm tạo ra không khí dễ chịu trong công việc và cuộc sống.
Những hội nhóm về thế hệ cợt nhả có số lượng thành viên "khủng". (Ảnh: Chụp màn hình)
Trên mạng xã hội, các hội nhóm như "Khi thế hệ cợt nhả đi làm" thu hút hàng chục ngàn thành viên. Các bài đăng chia sẻ về cách giao tiếp vui vẻ, sáng tạo tại công sở nhận được hàng ngàn lượt tương tác.
Góc nhìn của chuyên gia
Chia sẻ với PV Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Nam Anh, chuyên gia tâm lý tại Đại học California, Davis, Mỹ, cho biết rằng hiện tượng "thế hệ cợt nhả" thực chất là một biểu hiện tự nhiên trong quá trình phát triển và tìm kiếm bản sắc cá nhân của Gen Z.
“Gen Z lớn lên trong thời đại mà công nghệ và mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và thể hiện bản thân. Việc sử dụng sự hài hước để giao tiếp không chỉ là cách giúp các bạn cảm thấy thoải mái, mà còn thể hiện sự linh hoạt trong việc thích nghi với những thay đổi nhanh chóng của môi trường xã hội hiện đại,” ông Nam Anh nhận định.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Nam Anh. (Ảnh: NVCC)
Chuyên gia cho rằng, không nên đánh đồng sự hài hước của Gen Z với thái độ thiếu nghiêm túc. Thực tế, đây là một cách để họ giảm thiểu căng thẳng, giải tỏa áp lực từ cuộc sống và công việc.
“Việc tự gọi mình là ‘thế hệ cợt nhả’ thực chất là một cách tự trào, giúp các bạn trẻ cảm thấy được đồng cảm và thấu hiểu hơn. Điều này không có nghĩa là các bạn thiếu trách nhiệm hay không coi trọng công việc. Trái lại, sự hài hước chính là một công cụ mạnh mẽ giúp họ duy trì động lực và sự sáng tạo,” ông Nam Anh giải thích thêm.
Theo chuyên gia, sự hài hước trong giao tiếp mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là trong việc xây dựng mối quan hệ tích cực và giảm thiểu căng thẳng. Tuy nhiên, ông khuyến cáo rằng, Gen Z cần học cách điều chỉnh phong cách của mình sao cho phù hợp với từng tình huống cụ thể:
“Không phải lúc nào sự hài hước cũng là tốt. Trong các cuộc họp nghiêm túc hoặc những tình huống đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, việc sử dụng phong cách ‘cợt nhả’ có thể gây ra hiểu lầm hoặc khiến người khác cảm thấy không được tôn trọng. Điều quan trọng là các bạn trẻ cần học cách linh hoạt, biết khi nào nên thể hiện sự vui vẻ, và khi nào cần thể hiện sự nghiêm túc,” ông Nam Anh khẳng định.
Hiếu Nguyễn
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/giai-ma-tu-dien-gen-z-the-he-cot-nha-la-gi-ma-ran-ran-mang-xa-hoi-nhung-ngay-qua-post1730712.tpo