Bộ Tài chính vừa có văn bản số 3892/BTC-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) 3 tháng đầu năm 2025.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế từ đầu năm đến ngày 31/3, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 78.712 tỷ đồng, đạt 8,98% kế hoạch, đạt 9,53% kế hoạch Thủ tướng giao. Mức giải ngân này thấp hơn cùng kỳ năm 2024 - đạt 12,27% kế hoạch.
Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia ước giải ngân đạt 3.638,8 tỷ đồng, đạt 16,57% kế hoạch Thủ tướng giao.
Bộ Tài chính cho biết, trong 3 tháng năm nay, có 13/47 Bộ, cơ quan Trung ương và 36/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với kế hoạch Thủ tướng giao đạt trên mức bình quân chung của cả nước.
Trong đó, một số Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, đạt trên 20%, như: Đài tiếng nói Việt Nam (73,82%), Ngân hàng Chính sách xã hội (41,16%), Bộ Công an (23,73%), Hội Liên hiệp phụ nữ (20,37%); Phú Thọ (35,04%), Bắc Kạn (28,85%), Tuyên Quang (28,14%), Hà Nam (25,58%), Lào Cai (22,89%), Hà Giang (21,75%), Bình Định (20,25%).
Bên cạnh đó, vẫn còn 16 Bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương giải ngân rất thấp, dưới 5%, bao gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Công thương, TP HCM, Cần Thơ, Hà Nội, Bình Phước, Cà Mau, Quảng Ninh,..
Và 17 Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa giải ngân, bao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Kiểm toán nhà nước,...
Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Để triển khai đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt mục tiêu trên 95% kế hoạch Thủ tướng giao, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng đối với số vốn đã phân bổ.
Đối với số vốn ngân sách Trung ương chưa phân bổ chi tiết sau ngày 15/3 sẽ thực hiện thu hồi để bố trí cho các dự án cần vốn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 46 ngày 8/3 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành và địa phương cần rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai, đặc biệt đối với các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trải dài trên nhiều địa phương, thời gian thi công gấp rút, điều kiện khó khăn, thiếu thốn nguyên vật liệu... Đồng thời phải tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành đảm bảo hiệu quả công việc.
Ngoài ra, các Bộ, ngành và địa phương cần chỉ đạo chủ đầu tư ngay sau khi ký hợp đồng, phối hợp với nhà thầu để triển khai các thủ tục tạm ứng theo quy định để các nhà thầu có vốn chuẩn bị ngay các điều kiện cần thiết, vật tư, vật liệu phục vụ công tác thi công thực hiện dự án.
Từ đó, đẩy nhanh quá trình nghiệm thu và hoàn thiện hồ sơ thanh toán ngay sau khi có khối lượng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đảm bảo đến hết thời hạn thanh toán theo quy định (ngày 31/1/2026) các dự án giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2025 được giao.
Kiều Chinh