Một lô hàng bị vi phạm ảnh hưởng đến cả ngành hàng
Trong những tháng đầu năm 2025, hoạt động xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam gặp không ít trở ngại khi nhiều lô hàng bị Trung Quốc, EU cảnh báo do không đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín cũng như thương hiệu nông sản Việt trên thị trường quốc tế. Những sự cố này đã kéo theo hệ quả rõ rệt: tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 5 tháng sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, xuất khẩu rau quả tháng 6 ước đạt 750 triệu USD, lũy kế 6 tháng đầu năm 2025 đạt trên 3 tỉ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2025 đạt khoảng 2,24 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, mặt hàng sầu riêng từng đạt giá trị xuất khẩu khoảng 3,2 tỷ USD trong năm 2024 ghi nhận mức giảm mạnh nhất.
Riêng trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng chỉ đạt 183 triệu USD, giảm 60,9% so với cùng kỳ. Tại thị trường Trung Quốc (chiếm trên 90% sản lượng sầu riêng xuất khẩu giá trị xuất khẩu) giảm tới 75,5%. Nguyên nhân được xác định là do một số lô hàng sầu riêng bị phát hiện chứa dư lượng kim loại nặng là Cadimi, Vàng O vượt ngưỡng cho phép theo quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả giảm mạnh
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên, cho biết: “Phản ứng từ phía Trung Quốc rất quyết liệt. Thay vì kiểm tra xác suất như trước đây, hiện nay họ kiểm tra 100% các lô hàng sầu riêng từ Việt Nam. Ngoài ra, nhiều mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói bị tạm đình chỉ, một số phòng xét nghiệm trong nước không còn được công nhận”.
Không dừng lại ở thị trường Trung Quốc, các thị trường khó tính như Liên minh châu Âu (EU) cũng bắt đầu đưa ra cảnh báo liên quan đến chất lượng nông sản Việt Nam. Thông tin từ Văn phòng SPS Việt Nam (Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật) cho biết, ngoài sầu riêng, nhiều lô hàng mít và thanh long cũng bị Trung Quốc cảnh báo vì không đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật.
Những vi phạm chủ yếu liên quan đến tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, chất bảo quản hoặc quy trình sơ chế, đóng gói chưa đạt yêu cầu. Đáng chú ý, 3 lô hàng thanh long xuất khẩu sang thị trường châu Âu, cụ thể là Pháp và Hà Lan, cũng vừa bị phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép.
Kiểm soát chất lượng là điều kiện bắt buộc
Trong bối cảnh xuất khẩu nông sản Việt Nam liên tục đối mặt với các cảnh báo kỹ thuật từ nhiều thị trường quốc tế, việc kiểm soát chất lượng vùng trồng và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đang trở thành yếu tố mang tính sống còn đối với toàn ngành rau quả.
Theo ông Ngô Xuân Nam , Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, để duy trì và mở rộng vị thế tại các thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, châu Âu hay Hàn Quốc, nông sản Việt cần minh bạch hơn trong truy xuất nguồn gốc, từ khâu canh tác đến thu hoạch, sơ chế và vận chuyển. “Các thị trường hiện nay không chỉ yêu cầu về hình thức, mẫu mã sản phẩm mà đặc biệt quan tâm đến quy trình sản xuất phía sau sản phẩm đó. Nếu không đảm bảo an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật, việc bị trả hàng hay đình chỉ xuất khẩu là khó tránh khỏi”, ông Nam nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nam, việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, sạch, bền vững là xu hướng tất yếu. Các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng an toàn sinh học, cùng với ứng dụng công nghệ vào theo dõi quy trình trồng trọt và bảo quản là những yếu tố giúp tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm. Ngoài ra, đầu tư vào chế biến sâu không chỉ giúp kéo dài thời gian bảo quản mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng, trách nhiệm không chỉ nằm ở doanh nghiệp mà cần sự phối hợp chặt chẽ từ các địa phương trong việc trực tiếp quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói và hướng dẫn người dân sản xuất. Các địa phương cần chủ động rà soát, kiểm tra định kỳ vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu. Đồng thời tổ chức phổ biến đầy đủ các quy định của nước nhập khẩu cho người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để tránh vi phạm do thiếu thông tin.
Trước những vi phạm tái diễn, Bộ NN&MT đã có chủ trương tạm ngừng xuất khẩu đối với những mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói không đáp ứng yêu cầu. Đây là động thái mạnh nhằm siết lại kỷ cương trong chuỗi sản xuất và xuất khẩu. Đồng thời, Bộ cũng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hệ thống kho lạnh, trung tâm logistics, cơ sở sơ chế hiện đại nhằm nâng cao năng lực bảo quản, đảm bảo chất lượng sản phẩm trong suốt quá trình vận chuyển đến thị trường tiêu thụ.
Trong khi đó, các đối thủ như Thái Lan, Philippines, Peru... đang đẩy mạnh đầu tư vào chất lượng, thương hiệu và truy xuất nguồn gốc để chinh phục người tiêu dùng quốc tế, việc kiểm soát chất lượng không còn là lựa chọn, mà là điều kiện bắt buộc để ngành rau quả Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững và giữ vững thị phần trên bản đồ nông sản thế giới.
Vân Hồng/VOV.VN