Hàng gian, hàng giả không chỉ là hành vi lừa đảo kinh tế mà còn là hiểm họa âm thầm bào mòn sức khỏe, lòng tin và công bằng xã hội. Nhưng để tận “trị tận gốc” vấn nạn này, không thể chỉ trông chờ vào một lực lượng nào.
Theo các chuyên gia, cuộc chiến này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống với hành lang pháp lý chặt chẽ, công nghệ hỗ trợ, doanh nghiệp chủ động và người tiêu dùng không thờ ơ.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho rằng không thể chỉ dừng lại ở việc truy cứu trách nhiệm hay tìm nguyên nhân. Vấn nạn hàng giả đòi hỏi những giải pháp cụ thể, đồng bộ và dài hơi nếu muốn xử lý dứt điểm.
Tổ công tác kiểm tra ki-ốt kinh doanh túi xách bên trong khu chợ tại TP.HCM, qua đó thu giữ hàng loạt sản phẩm nghi giả. Ảnh: HỒNG THẮM
Dưới đây là những chia sẻ của PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan với PLO về vấn đề này.
Cần mạnh tay, đổi mới cách làm
PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM. Ảnh: DI LINH
. Phóng viên: Thưa bà, giữa một hệ thống kiểm soát tưởng như kín kẽ, vì sao hàng giả, thực phẩm kém chất lượng vẫn lọt lưới giữa hệ thống quản lý dày đặc?".
+ PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan: Hàng gian, hàng giả đang lợi dụng sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến, tâm lý chuộng giá rẻ và thói quen giao dịch không hóa đơn. Điều này dẫn đến người tiêu dùng gánh rủi ro sức khỏe, doanh nghiệp làm ăn tử tế bị chèn ép, còn ngân sách nhà nước bị thất thu.
Nguy hiểm hơn, khi hàng giả là thuốc, sữa hay thực phẩm chức năng…đó không chỉ là vi phạm pháp luật, mà là hành vi giết người hàng loạt.
Với một nước đang phát triển như Việt Nam, tình hình còn phức tạp khi sản xuất nhỏ lẻ, hàng hóa khó kiểm soát, công tác quản lý phân mảnh và không thể loại trừ khả năng có tiêu cực trong thanh kiểm tra.
Tại TP.HCM, Sở An toàn thực phẩm đã thống nhất lực lượng từ ba ngành: Y tế, nông nghiệp và công thương với hơn 200 thanh tra để quản lý hơn 296.000 hồ sơ sản phẩm. Ở các tỉnh, lực lượng còn mỏng hơn, lại hoạt động rời rạc nên hiệu quả kiểm soát càng thấp.
Mỗi năm, hàng trăm nghìn sản phẩm thực phẩm đóng gói, từ sữa đến thực phẩm chức năng được tự công bố hoặc công bố chính thức, nhưng chất lượng thực tế khó kiểm chứng do hậu kiểm yếu. Nhiều ý kiến cho rằng muốn doanh nghiệp bỏ hình thức tự công bố và duyệt hồ sơ 100%, song nếu không siết chặt hậu kiểm, biện pháp này cũng khó tạo chuyển biến. Bởi vậy, cần một cuộc cải tổ toàn diện trong phương thức kiểm tra tăng nhân lực, phân quyền rõ ràng, bổ sung kinh phí kiểm nghiệm và mở rộng quyền xử lý.
Thực tế, mức xử phạt hiện nay không thấp nhưng vấn đề phát hiện được vi phạm không hề dễ. Trong một đợt cao điểm, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM từng đề xuất xử phạt một doanh nghiệp tới 3 tỉ đồng vì dùng nguyên liệu quá hạn. Nhưng đây chỉ là số ít trong hàng trăm cơ sở vi phạm.
Với các hành vi làm giả thuốc, thực phẩm, cần xử lý hình sự, truy tố nghiêm khắc, thậm chí áp dụng mức án cao nhất thay vì chỉ dừng ở mức phạt hành chính.
Cơ quan quản lý cần mạnh tay, đổi mới cách làm, tăng tính minh bạch và hiệu quả.
Đừng để hàng giả sống khỏe trên không gian mạng
. Thưa bà, trong bối cảnh hàng giả len lỏi cả không gian số lẫn truyền thống, đâu là “chìa khóa công nghệ” để kiểm soát thị trường và bảo vệ lòng tin người tiêu dùng?.
+ Hiện nay, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cần được xem là trọng tâm. Theo đó, mỗi sản phẩm cần có mã số, số đăng ký được công khai minh bạch, có thể truy xuất nguồn gốc dễ dàng, giúp người dân và cơ quan chức năng tra cứu, truy vết thuận lợi.
Cùng với đó, cần siết chặt quản lý kinh doanh online nơi đang trở thành "thiên đường" của hàng giả, thông qua livestream, hàng xách tay, bán hàng đa cấp… Việc quảng cáo cũng cần kiểm soát chặt, chỉ cho phép khi đã được thẩm định và chứng nhận nội dung. Về lâu dài, cần xây dựng văn hóa quảng cáo lành mạnh, chấm dứt việc thao túng lòng tin người tiêu dùng.
Chúng ta không thể tiếp tục chống hàng giả theo kiểu phong trào, cao điểm rồi bỏ ngỏ. Phải sửa luật, bổ sung chế tài cụ thể cho các hoạt động kinh doanh online, livestream, quảng cáo...
Việc xây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử an toàn, minh bạch và hiệu quả là một quá trình dài hơi, đòi hỏi đầu tư công nghệ, nâng cao ý thức người dùng và trách nhiệm xã hội từ phía doanh nghiệp.
Song song với các giải pháp quản lý, người tiêu dùng dù là nạn nhân trực tiếp nhưng lại ít được bảo vệ một cách đầy đủ. Nhiều người vẫn chọn mua hàng vì giá rẻ, vì lời giới thiệu hoặc tin vào quảng cáo, nhưng lại không giữ hóa đơn, không biết cách khiếu nại hay đòi quyền lợi khi gặp sự cố.
Do đó, cần nâng cao ý thức tiêu dùng, khuyến khích mua sắm tại địa chỉ uy tín, có hóa đơn và chính sách bảo hành rõ ràng. Đồng thời, cần hoàn thiện khung pháp lý để đảm bảo quyền được bồi thường cho người tiêu dùng nếu bị thiệt hại bởi hàng giả.
ÔngNGUYỄN MINH ĐỨC , Phó tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam:
Ứng dụng công nghệ để kiểm soát hàng giả
Trước tình trạng hàng gian, hàng giả len lỏi trên các sàn thương mại điện tử, việc kiểm soát phải bắt đầu từ giải pháp công nghệ. Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò quan trọng.
Chân dung ông Nguyễn Minh Đức, Phó tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam.
Các nền tảng thương mại điện tử hoàn toàn có thể phát triển công nghệ AI được huấn luyện chuyên biệt theo thị trường Việt Nam. AI sẽ hiểu được đặc điểm hàng hóa trong nước, đồng thời nắm rõ các quy định pháp luật hiện hành.
Công nghệ này cho phép hệ thống tự động nhận diện các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm như hàng giả, hàng nhái ngay khi người bán đăng tải. Những sản phẩm đáng ngờ sẽ bị tạm ngừng hiển thị để chờ đội ngũ kiểm duyệt xác minh, yêu cầu người bán bổ sung hồ sơ nếu cần thiết. Điều này giúp sàng lọc trước khi sản phẩm xuất hiện trước mắt người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, giải pháp công nghệ cần song hành với việc củng cố trách nhiệm pháp lý của sàn thương mại điện tử. Nghị định 85/2021 đã quy định rõ phải xây dựng cơ chế đảm bảo cho sàn thương mại điện tử rằng các sản phẩm được giao dịch là hợp pháp.
Các sàn thương mại điện tử hiện nay đã triển khai cơ chế cho phép người tiêu dùng báo cáo vi phạm, khóa sản phẩm có dấu hiệu giả mạo. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu chế tài cụ thể xử phạt người bán khi phát hiện hàng giả đây là khoảng trống cần lấp đầy.
Dù chưa có quy định xử phạt trực tiếp, nhưng Nghị định 85 đã xác lập nguyên tắc liên đới nếu người tiêu dùng bị thiệt hại do mua nhầm hàng giả, sàn có thể bị yêu cầu bồi thường. Đây chính là động lực để các sàn đầu tư mạnh hơn vào cơ chế kiểm duyệt và xác thực thông tin sản phẩm.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp công nghệ trong nước đã phát triển các giải pháp như blockchain, AI, PQ (Private QR code) để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, việc triển khai vào thực tế vẫn còn khó khăn, đặc biệt là với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chi phí đầu tư hạ tầng, xây dựng quy trình, tuyển dụng nhân sự để vận hành hệ thống là rào cản lớn. Các doanh nghiệp chỉ sẵn sàng triển khai nếu xem đây là lợi thế cạnh tranh tức giúp tăng uy tín, doanh thu và sức cạnh tranh của gian hàng.
Người tiêu dùng cần được trang bị kỹ năng nhận diện rủi ro, tra cứu thông tin nhà bán và lựa chọn kênh mua hàng an toàn. Các chương trình tập huấn quy mô lớn sẽ giúp họ kiểm tra chéo nguồn gốc sản phẩm và nhận biết đơn vị bán uy tín.
DI LINH
TRẦN MINH