Hình minh họa
Theo AFP, phát thải rò rỉ là thách thức lâu dài đối với ngành dầu khí. Chúng có thể xảy ra ở tất cả các giai đoạn trong chuỗi giá trị hydrocarbon. Tại giếng khoan, khí có thể thoát ra qua lớp vỏ trong quá trình vận hành hoặc qua đất sau khi giếng đã hoàn thành. Trong quá trình vận chuyển, khí có thể thoát ra ở các đầu van hoặc các vết rò rỉ nhỏ trong ống dẫn. Nhóm khí này bao gồm sự phát thải không chủ ý của các khí như methane (CH4) và carbon dioxide (CO2) qua các vết rò rỉ, việc xả khí không kiểm soát, sự cố thiết bị hoặc trong các hoạt động bảo trì. Mức độ phức tạp và quy mô của các hoạt động dầu khí, kết hợp với các nguồn phát thải đa dạng (chẳng hạn như đầu giếng, đường ống và bể chứa), khiến quá trình nhận diện, giám sát và quản lý các phát thải càng trở nên khó khăn.
Trước đây, các yếu tố chính thúc đẩy việc giảm phát thải chủ yếu xoay quanh việc tối đa hóa sản lượng và đảm bảo an toàn. Giờ đây, nhận thức ngày càng tăng về cơ chế của biến đổi khí hậu đang gia tăng áp lực lên các quy định nhằm giảm thiểu phát thiểu rò rỉ cho quá trình khử carbon và đạt được các mục tiêu bền vững môi trường toàn cầu.
Các yếu tố môi trường
Bất chấp sự phát triển nhanh chóng của các nguồn năng lượng thay thế, nhiên liệu từ hóa thạch như khí tự nhiên vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong nhiều năm tới. Phát thải rò rỉ là một thách thức nghiêm trọng và nếu không được giải quyết, vấn đề này sẽ làm giảm vai trò của khí tự nhiên trong hệ thống năng lượng tương lai.
Methane – thành phần chính của khí tự nhiên – là tác nhân chính dẫn đến hiện tượng ấm lên toàn cầu. Khi methane rò rỉ vào bầu khí quyển, nó tạo ra hiệu ứng khí nhà kính mạnh mẽ, góp phần vào sự tăng nhiệt độ toàn cầu, khiến băng tan, mực nước biển dâng cao và các hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan. Thực tế, tiềm năng khí nhà kính của methane gấp 86 lần so với CO2 trong khoảng thời gian 20 năm.
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, phân đoạn sản xuất (bao gồm thăm dò, khai thác ngoài khơi, thu hồi và phát triển) chiếm 60% tổng lượng phát thải methane từ ngành dầu khí. Dù vẫn còn nhiều cơ hội để cải thiện, nhưng giảm thiểu tác động môi trường không phải là lý do duy nhất cho mục tiêu khắc phục phát thải rò rỉ.
Vận hành và tài chính
Khí rò rỉ đại diện cho sản lượng bị thất thoát, điều này có thể chuyển thành tổn thất tài chính. Nghiên cứu chỉ ra rằng ngành dầu khí thượng nguồn có thể tiết kiệm hơn 30 tỷ USD nếu có thể ngăn chặn việc phát thải rò rỉ. Để đặt vấn đề này vào bối cảnh ngành dầu khí thượng nguồn, phát thải rò rỉ có chi phí cao hơn toàn bộ GDP của các quốc gia như Campuchia, Zimbabwe, hoặc Jamaica. Điều này cho thấy việc cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và ngăn chặn lãng phí sản lượng sẽ góp phần thúc đẩy lợi nhuận.
Trong chuỗi giá trị rộng lớn hơn, việc giải quyết phát thải rò rỉ cũng có thể giải quyết mối quan ngại của các nhà đầu tư rằng độ tin cậy của khí tự nhiên đang bị xói mòn, góp phần vào các rủi ro liên quan đến giấy phép hoạt động tốn kém. Người tiêu dùng khí tự nhiên, lo lắng về dấu chân carbon của chính họ, cũng có thể yên tâm rằng ngành công nghiệp đang làm tất cả những gì có thể để chịu trách nhiệm về môi trường và giúp duy trì thị phần lâu dài.
Do đó, các yếu tố vận hành và tài chính có mối liên hệ trực tiếp với uy tín của các nhà điều hành và ngành dầu khí nói chung. Việc thể hiện cam kết bảo vệ môi trường thông qua việc giảm thiểu phát thải khí thất thoát sẽ giúp nâng cao uy tín, tạo dựng lòng tin và thiện chí giữa các bên liên quan, bao gồm các nhà đầu tư, khách hàng và cộng đồng địa phương.
Các yếu tố an toàn
Phát thải rò rỉ có thể gây ra nhiều rủi ro sức khỏe nghiêm trọng đối với người lao động và cộng đồng xung quanh. CO2 có mặt trong không khí và không gây hại cho sức khỏe ở nồng độ thấp. Chúng không phải là khí dễ cháy và không hỗ trợ sự cháy. Tuy nhiên, tiếp xúc với một lượng đủ lớn có thể gây nhức đầu, chóng mặt và mất ý thức. Vì CO2 nặng hơn không khí, tai nạn do ngạt thở là mối nguy cơ thực tế khi nồng độ khí cao xâm nhập vào các không gian kín như bể chứa, hố gas hoặc hầm chứa và thay thế oxy. CO2 cũng có thể tích tụ ngoài trời trong các rãnh hoặc hố sau khi rò rỉ hoặc xả áp suất, nơi CO2 lạnh hơn không khí xung quanh.
Các rủi ro an toàn liên quan đến methane có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào khí này được khai thác, sản xuất hoặc sử dụng. Giống như CO2, khí methane nồng độ cao có thể làm giảm lượng oxy để thở. Các triệu chứng bao gồm thay đổi tâm trạng, nói ngọng, vấn đề về thị lực, mất trí nhớ, nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa và mặt đỏ ửng. Trong những trường hợp nghiêm trọng, tiếp xúc với methane có thể ảnh hưởng đến hô hấp và nhịp tim, dẫn đến vấn đề về thăng bằng, tê liệt và mất ý thức. Liều lượng cao hoặc thời gian tiếp xúc lâu có thể gây tử vong. Ngoài ra, tiếp xúc với methane hóa lỏng được xả dưới áp suất có thể gây bỏng lạnh trên da hoặc mắt. Vì vậy, giảm thiểu phát thải khí thất thoát giúp đảm bảo môi trường làm việc an toàn hơn và giảm thiểu các mối nguy hại sức khỏe tiềm ẩn. Điều này giúp cải thiện sức khỏe và hiệu quả công việc của người lao động vì sẽ có ít giờ làm việc bị mất do bệnh tật.
Về mặt pháp lý
Ngành dầu khí thượng nguồn không xa lạ gì với việc tuân thủ các quy định pháp lý, cũng như các hậu quả tài chính và pháp lý liên quan. Ngoài các quy định về giấy phép hoạt động và quy định an toàn, các quy định và chính sách môi trường nghiêm ngặt hiện đang được áp dụng, khiến việc giảm thiểu phát thải khí rò rit trở thành một phần quan trọng trong bất kỳ chiến lược kế hoạch và vận hành thượng nguồn nào.
Một trong những thay đổi pháp lý gần đây nhất là việc sửa đổi Đạo luật Không khí Sạch của Mỹ (IRA Mục 60113), đưa ra mục 136 về “chương trình khuyến khích giảm phát thải methane và chất thải cho các hệ thống dầu khí và khí tự nhiên”. Mục 136 đã phân bổ 1,55 tỷ USD để cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho việc giám sát và giảm thiểu methane. Mục tiêu nhằm khuyến khích chủ sở hữu và người vận hành các cơ sở dầu khí báo cáo trung thực hơn về lượng khí thải nhà kính để có dữ liệu tốt hơn cho quá trình nghiên cứu, đổi mới, giảm ô nhiễm không khí.
Mục 136 cũng thiết lập ngưỡng phát thải methane cho các cơ sở sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu trữ dầu khí và trao cho Người quản lý EPA quyền áp dụng và thu các khoản tiền phạt khi vượt quá ngưỡng này. Phí phát thải methane bắt đầu từ mức 900 USD/tấn methane phát thải vượt ngưỡng quy định vào năm 2024 và tăng lên 1.200 USD vào năm 2026.
Anh Thư
AFP