Giải pháp hòa bình sẽ không chấm dứt xung đột Nga-Ukraine?

Giải pháp hòa bình sẽ không chấm dứt xung đột Nga-Ukraine?
3 giờ trướcBài gốc
Chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Warsaw ngày 12/12 tiếp tục nối dài cuộc thảo luận về chính sách hỗ trợ Ukraine với Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, trong bối cảnh quốc gia này sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) vào tháng tới. Bên lề chuyến thăm, Điện Elysee nhấn mạnh rằng "lập trường của Pháp là hỗ trợ Ukraine trong thời gian dài và mạnh mẽ nhất có thể”, nhằm nâng cao vị thế của Kiev trên bàn đàm phán khi “thời điểm đến”.
Hai nhà lãnh đạo cũng cân nhắc về khả năng có một lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu tại Ukraine trong trường hợp Moscow và Kiev đồng thuận đi đến một lệnh ngừng bắn, mặc dù ông Tusk nhận định rằng hiện tại điều này vẫn chưa thể diễn ra.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) gặp Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk (Phải). Ảnh: The Defense Post
Cùng lúc cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Ba Lan và Pháp đang diễn ra ở Warsaw, ông Mark Rutte đã có bài phát biểu quan trọng đầu tiên kể từ khi tiếp nhiệm vị trí Tổng thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông Rutte cảnh báo rằng cuộc chiến ở Ukraine đang có nguy cơ lan rộng và các quốc gia thành viên NATO chưa chuẩn bị đủ cho kịch bản nổ ra xung đột trong tương lai với Nga.
Cảnh báo của ông Rutte không phải là không có cơ sở. Trong năm 2023, chỉ có 23 trong số 32 đồng minh NATO đạt được mục tiêu chi tiêu quốc phòng là 2% GDP được đặt ra trong thỏa thuận chung. Con số này vẫn chưa đủ để đảm bảo an toàn cho không gian xuyên Đại Tây Dương.
Những cánh cửa đối thoại kể trên đều dang dẫn đến bàn đàm phán, nơi phương Tây hy vọng Nga-Ukraine sẽ sớm đạt được thỏa thuận hòa bình để chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, giải pháp này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với Kiev.
Giải pháp đàm phán đi kèm rủi ro
“Đàm phán” đã trở thành từ khóa xuyên suốt trong các cuộc thảo luận liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện nay. Nga đã cho thấy dấu hiệu xuống thang và sẵn sàng tham gia vào một cuộc đàm phán do Mỹ khởi xướng, trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng để ngỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ tạm thời để đổi lấy cái mà ông gọi là “sự đảm bảo an ninh tuyệt đối” từ NATO.
Thông điệp từ Warsaw rất rõ ràng, đó là châu Âu sẽ không chỉ thúc đẩy một cuộc đàm phán hòa bình mà còn trao cho Ukraine khả năng “đàm phán từ vị thế mạnh mẽ”. Vị thế này sẽ đi kèm nguồn tài trợ lớn hơn từ các nước phương Tây, giúp Ukraine co kéo thêm thời gian với Nga trên tiến tuyến.
Đầu tháng 11, Na Uy vừa công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 118,8 triệu USD cho Ukraine, tập trung vào việc mua vũ khí và bảo trì máy bay chiến đấu F-16. Trong khi đó, Anh và Đức đang lên kế hoạch hợp tác trang bị hệ thống tên lửa Brimstone hoặc Marte ER cho trực thăng Sea King của Ukraine.
Hiện Liên minh châu Âu không thể thay thế Mỹ trong vai trò nhà viện trợ quân sự lớn nhất dành cho Ukraine nếu nguồn viện trợ vũ khí từ Washington bị cắt đứt dưới thời ông Trump. Đó là những gì ông Rutte đã nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình hồi tuần trước, khi ông kêu gọi EU tăng cường chi tiêu quốc phòng và năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu của chính châu Âu trước các mối đe dọa ngày càng gia tăng.
Thêm vào đó, tăng cường chi tiêu quốc phòng sẽ giúp châu Âu tách rời sức mạnh Mỹ và có tiếng nói độc lập hơn không chỉ trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Trước đó, quyết định cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow/SCALP để tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga của hai chính quyền Anh và Pháp diễn ra khá muộn màng, một phần bắt nguồn từ việc các vũ khí này phải phụ thuộc công nghệ của Mỹ để triển khai trên chiến trường.
Tuy nhiên, một nền hòa bình được lập lại trong bối cảnh này sẽ rất mong manh và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn của châu Âu. Bài phát biểu của ông Rutte đã nhấn mạnh rằng, quá trình đổi mới về công nghệ nhằm tăng cường chi tiêu quốc phòng đồng nghĩa với việc các chính phủ và chủ đầu tư phải chấp nhận rủi ro. Đây là một nội dung này từng được nhắc đến trong bài viết của cựu Tổng tham mưu trưởng Ukraine Valerii Zaluzhnyi trên tờ The Economist vào tháng 11/2023.
Một giải pháp đôi bên cùng có lợi cho châu Âu và Ukraine sẽ tính đến việc các công ty châu Âu đầu tư "mạnh tay hơn" vào ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển của Ukraine. Tuy nhiên, các khoản đầu tư như vậy sẽ cần có bảo hiểm tư nhân hoặc được chính phủ đảm bảo; bởi nếu không có ít nhất một trong hai điều kiện tiên quyết trên, có rất ít nhà thầu đủ dũng cảm để đầu tư vào hạng mục này.
Tương lai nào cho Ukraine?
Bối cảnh hiện nay đang đặt ra câu hỏi hóc búa nhất: Nếu chấp nhận đàm phán với Nga, Ukraine sẽ nhận được những đảm bảo an ninh nào từ Mỹ và phương Tây?
Tổng thống Zelensky vẫn kiên quyết rằng tư cách thành viên NATO sẽ là điều kiện tiên quyết để đưa Ukraine đến bàn đàm phán. Bản ghi nhớ Budapest đã chứng minh trong thời đại hạt nhân, các đảm bảo an ninh song phương hoặc đa phương mà không có ô dù hạt nhân là vô nghĩa khi Ukraine phải đối mặt với một đối thủ sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Ukraine Zelensky. Ảnh: Reuters
Tuyên bố hạ thấp ngưỡng sử dụng hạt nhân của Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây cho thấy những lời đe dọa trước đó của ông không chỉ là “đòn gió”. Trong khi hỏa lực Nga không đủ sức ngăn Ukraine tấn công trực tiếp vào lãnh thổ nước này ở Kursk thì rõ ràng, một tuyên bố hạt nhân lại có thể làm chậm dòng chảy viện trợ từ châu Âu tới Kiev.
Việc Ukraine gia nhập NATO là điều không thể trong tương lai ngắn hạn, khi đa số quốc gia thành viên chưa đồng ý thông qua đề xuất này của Kiev, bao gồm Mỹ. Dưới chính quyền ông Trump, rất khó có khả năng Mỹ sẽ mở rộng ô bảo trợ hạt nhân của mình sang Ukraine.
Năng lực răn đe hạt nhân của Pháp chỉ giới hạn ở các lợi ích sống còn của riêng mình và các cuộc tranh luận – bắt đầu xuất hiện từ thời Tướng Charles de Gaulle - vẫn tiếp tục được đưa ra để trả lời cho câu hỏi: Liệu những lợi ích đó có mở rộng ra ngoài biên giới của Pháp hay không. Mặc dù ông Macron đang nỗ lực đi tìm lời giải cho câu hỏi này nhưng tình hình chính trị bất ổn của Pháp hiện nay đang khiến bất kỳ thay đổi đáng kể nào đối với học thuyết hạt nhân của nước này rất khó xảy ra trong tương lai gần.
Nếu Ukraine theo đuổi năng lực hạt nhân thì điều này sẽ đi ngược lại tuyên bố trước đó về việc tuân thủ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Một động thái như vậy có thể khiến căng thẳng tiếp tục leo thang và dẫn đến những phản ứng cứng rắn hơn từ phía Nga-một trong 9 quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử trên thế giới.
Tại một hội nghị gần đây tại London, Anh, chuyên gia nghiên cứu về Nga Keir Giles đã đưa ra một câu trả lời khá đơn giản khi được hỏi điều gì có thể bảo đảm bảo an ninh lâu dài cho Ukraine.
“Đó là làm thế nào để tạo ra một thất bại chiến lược và hạ thấp khả năng răn đe của Nga”, ông nói.
Câu trả lời này đưa cuộc thảo luận trở lại với bàn đàm phán. Thỏa thuận hòa bình được cho là giải pháp khả thi nhất cho cuộc xung đột hiện nay nhưng nếu thiếu những điều khoản đảm bảo an ninh lâu dài cho Ukraine, một cuộc chiến khác có thể sẽ nhen nhóm bắt đầu.
Diệp Thảo/VOV.VN Theo The Independent, CNN
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/giai-phap-hoa-binh-se-khong-cham-dut-xung-dot-nga-ukraine-post1142439.vov