Gần 2 tháng nay, dọc cửa suối Tùng Chỉn đổ ra sông Hồng ngược về cả 2 nhánh phía thượng nguồn khoảng 4 km trắng xóa một màu của những viên đá lớn nhỏ bị lũ cuốn về. Ít ai ngờ khu vực này trước đây là cả cánh đồng xanh tốt.
Anh Vàng Ông Sểnh, thôn Tùng Chỉn 3, xã Trịnh Tường cho biết: "Quét một cái là đá không biết từ đâu tràn xuống vùi lấp hết, không canh tác được nữa, ở đây ruộng nhà nào cũng bị mất như thế, bây giờ không biết làm gì nữa cả".
Qua đánh giá của chính quyền, ước tính tổng diện tích đá vùi lấp vào khoảng 150 ha, trong đó riêng đất lúa vào gần 60 ha. Có những vị trí đá vùi lấp cao tới 6 – 7 m từ mặt suối, vượt qua cả nền đường, phá hủy gần chục căn nhà kiên cố của người dân.
Cánh đồng rộng lớn gần 60 ha dọc ven suối thuộc xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai sau trận lũ do hoàn lưu bão Yagi đã trở nên hoang tàn, trơ trọi toàn đá với đá.
Theo ông Lý Văn Sìn, Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường, rất may lũ xảy ra vào ban ngày nên mọi người kịp sơ tán an toàn. Sau lũ, chính quyền các cấp và nhiều nhà hảo tâm đã chung tay hỗ trợ bà con để sớm khôi phục nhà cửa, đời sống. Tuy nhiên, khó nhất là đất sản xuất, những diện tích lúa bị đá vùi lấp đều không thể khôi phục, trong khi xã không còn quỹ đất nào khác để bố trí.
"Chúng tôi cũng đang hướng tới đẩy mạnh các lớp đào tạo nghề ngắn hạn. Ví dụ bây giờ không thể trồng lúa nữa thì chuyển sang trồng cây ngắn ngày và cũng là cây chủ lực như chuối, hoặc cây dài ngày như quế mỡ trên những phần đất đồi để thay thế cho lúa" - ông Sìn chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Trung Triều, Bí thư Huyện ủy Bát Xát, tỉnh Lào Cai hiện mới có cơ chế hỗ trợ cho những diện tích bị thiệt hại do thiên tai nhưng có thể chuyển đổi được; còn đối với cánh đồng đá ở Trịnh Tường thuộc diện không thể khắc phục, chuyển đổi thì chưa có. Ngay cả trong trường hợp muốn tận thu, khai thác lượng đá vùi lấp để khôi tạo đất sản xuất cho bà con cũng vướng mắc vì đá được coi là tài nguyên khoáng sản.
Ông Triều bày tỏ: "Mong rằng các Sở, ban, ngành sẽ tham mưu cho tỉnh, tạo điều kiện cũng như căn cứ quy định của Luật Khoáng sản để các tổ chức, cá nhân hoặc nhà nước khai thác, tận dụng số đá này để phục vụ cho các công trình trên địa bàn. Từ đó sớm khôi phục được diện tích đất sản xuất cho nhân dân".
Gần 2 tháng nay, dọc cửa suối Tùng Chỉn đổ ra sông Hồng ngược về cả 2 nhánh phía thượng nguồn khoảng 4 km trắng xóa một màu của những viên đá lớn nhỏ bị lũ cuốn về.
Tại cuộc họp thường kỳ tháng 11 với các Sở, ngành, địa phương, sau khi tiếp thu các ý kiến, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhất trí phương án chi hỗ trợ 20 triệu đồng/ha đối với những diện tích đất lúa không thể khôi phục. Đồng thời, chỉ đạo một Phó Chủ tịch cùng các ngành tài nguyên - môi trường, xây dựng đi đánh giá thực tế, phát huy tinh thần “dám nghĩ, dám làm” để tìm giải pháp tháo gỡ triệt để cho cánh đồng đá Trịnh Tường. Ông Trịnh Xuân Trường nói:
"Trong cái rủi có cái may, một cánh đồng đá rộng lớn như thế, đá thì rất đẹp, khoảng 3 triệu đối, không cần phải nổ mìn, chi có nhặt lên thôi. Đây là một nguồn tài nguyên để khai thác, nhưng lại cứ bảo là phải cần quy hoạch, trong khi cả huyện Bát Xát không có một mỏ đá nào, mà xây dựng cơ bản lại cần rất nhiều đá. Chính vì thế phải căn cứ vào thực tiễn để đề xuất chứ không thể xuất phát từ luật được" - ông Trường nhấn mạnh.
Một số hình ảnh khác dọc cửa suối Tùng Chỉn đổ ra sông Hồng:
An Kiên/VOV-Tây Bắc